IIF: Dòng tiền ‘chưa từng có’ rời khỏi Trung Quốc sau khi Nga tấn công Ukraine
Dữ liệu với tần suất cao phát hiện các dòng tiền chưa từng có rời khỏi Trung Quốc sau khi Nga xâm lược Ukraine, gây chú ý về sự suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh xung đột địa chính trị và bất ổn.
Sau khi tổng hợp các số liệu hàng ngày, các nhà phân tích tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết các dòng vốn toàn cầu tại các thị trường mới nổi vào cuối tháng Hai đã xuất hiện một sự thay đổi “rất bất thường”, khi Trung Quốc đã chứng kiến các nhà đầu tư rút các dòng tiền rời khỏi Trung Quốc trong khi phần còn lại [của các thị trường mới nổi khác] vẫn duy trì.
Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của IIF và các đồng nghiệp của ông viết trong một báo cáo hôm 24/03: “Các dòng tiền rời khỏi Trung Quốc về quy mô và cường độ mà chúng tôi đang chứng kiến là chưa từng có, đặc biệt là khi chúng tôi không nhìn thấy những dòng vốn chảy ra tương tự từ phần còn lại của các thị trường mới nổi.”
Báo cáo này viết: “mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào về vấn đề này, thời điểm của các dòng tiền rời khỏi Trung Quốc – xảy ra sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine – cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc có thể đang coi Trung Quốc dưới một góc nhìn mới”
Các nhà kinh tế cho biết Nga có thể thấy lợi nhuận tài chính của mình trong hơn một thập kỷ bị bốc hơi theo lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, cộng thêm với việc các công ty ngoại quốc nhanh chóng tự thực hiện việc trừng phạt [trong các giao dịch với Nga.]
Theo một phân tích trước đó của IIF, nền kinh tế Nga sẽ suy thoái khoảng 15% vào năm 2022 và sự suy thoái kinh tế có thể gấp đôi so với sự suy thoái của Nga trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù IIF không kỳ vọng một sự lây lan rộng rãi trên các thị trường mới nổi, tác động lan tỏa của chiến tranh khiến những người theo dõi thị trường Trung Quốc lo ngại.
Theo Bloomberg, dữ liệu chính thức cho thấy các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ròng 5.5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào tháng trước, mức chảy ra hàng tháng lớn nhất được ghi nhận. Các nhà theo dõi thị trường suy đoán rằng Moscow có thể bán tài sản Trung Quốc đang nắm giữ để gây quỹ, do dự trữ ngoại hối được nắm giữ bằng đồng euro và USD của ngân hàng trung ương Nga đã bị đóng băng.
Một số người đã lo ngại lập trường thân-Nga của Trung Quốc có thể khơi dậy một loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau Moscow.
Hôm 11/03, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc giao dịch tại Hoa Kỳ, yêu cầu kịp thời đệ trình các tài liệu kiểm toán chi tiết cho các cơ quan quản lý nếu không họ sẽ bị buộc phải rời khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Tin tức này đã kích hoạt việc bán tháo cổ phiếu của các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Thay vì tận dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Ukraine, Bắc Kinh đã từ chối tố cáo sự xâm lược của Nga hoặc tham gia vào các lệnh trừng phạt, trong khi vẫn cam kết quan hệ thương mại bình thường với Moscow và tích cực giữ các quan điểm thân Nga ở trong nước, bất chấp vai trò trung lập mà họ tự tuyên bố.
Sau khi cáo buộc Bắc Kinh một ngày trước đó đã phát tán “những lời dối trá trắng trợn và thông tin sai lệch trắng trợn”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cho biết trong cuộc họp báo hôm 24/03 rằng, “Trung Quốc không được hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự cho cuộc xâm lược của Nga.”
Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc cảnh báo Bắc Kinh không nên tận dụng các cơ hội kinh doanh do các lệnh trừng phạt tạo ra, cung cấp những sự cứu giúp về kinh tế cho Nga, khi Đại sứ Trung Quốc tại Nga kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở Moscow không lãng phí thời gian và “lấp đầy khoảng trống” trong nền kinh tế Nga.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về “hậu quả” nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc chiến này.
Ông Brooks nói: “Ở giai đoạn này, còn quá sớm để nói liệu có phải do cuộc chiến Ukraine đang thúc đẩy dòng tiền chảy ra hay không, hay do các yếu tố khác mới là nguyên nhân. Một làn sóng COVID-19 mới trỗi dậy trên toàn quốc và các cuộc đàn áp theo quy định của Bắc Kinh cũng khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi kể từ tuần trước khi nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc bảo đảm sự hỗ trợ chính thức để ổn định thị trường vốn.
Bà Rita Li là ký giả của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2018.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: