Huyền thoại kinh doanh Inamori Kazuo (P3): Tư tưởng ‘Kính Thiên Ái Nhân’
Con người ông Inamori Kazuo hiện tại là thành quả sau rất nhiều năm nỗ lực tu tâm tính và nuôi dưỡng triết lý của riêng mình. Không chỉ sống có đạo lý, mà trong kinh doanh, ông Inamori cũng lập ra một bộ nguyên tắc vận hành công ty từ quan điểm vượt lên trên lợi nhuận thông thường.
Phần 1: Từ một người ‘bình thường’ trở thành ‘phi thường’
Phần 2: Sống là quá trình mài giũa tâm hồn
Phần cuối: Tư tưởng ‘Kính Thiên Ái Nhân’
Ông Inamori rất ngưỡng mộ Saigo Takamori, một người mà ông cho là có tâm hồn cao đẹp và trái tim nồng ấm vô ngần, đại diện cho sự cao quý vốn có của người Nhật xưa. Saigo Takamori (1828-1877) là một trong những samurai có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc chiến lật đổ chế độ Bakufu (Mạc phủ), chuyển sang thời kỳ Meiji Ishin (Minh Trị Duy Tân) và được mệnh danh là “samurai chân chính cuối cùng”.
Tư tưởng của Saigo là triết học mang tính phổ quát “con người sống đúng đắn”. Cuốn sách “Nanshu O I kun” tập hợp những lời răn dạy của Saigo theo phương châm này và đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của ông Inamori.
Trong lúc mệt mỏi và đầy lo toan với việc điều hành công ty, ông Inamori đã đọc những lời di huấn đầu tiên của Saigo:
Điều hành chính phủ quốc gia tức “thay trời hành đạo” phải thuận theo tự nhiên, đất trời, nên không xen lẫn tư lợi dù chỉ một chút. Cho dù có chuyện xảy ra đi nữa, phải giữ trái tim công bằng, đi con đường đúng đắn, tuyển lựa người hiền minh khắp nơi, trao chính quyền cho những con người chấp hành nhiệm vụ một cách trung thực thì mới đạt “thiên ý”, tức đạt được trái tim thần thánh. Vì vậy, nếu tìm được người hiền minh phù hợp thì ngay lập tức nhường lại chức vụ của mình cho người ấy. Ngược lại, dựa vào công trạng đối với đất nước để khen thưởng bằng cách đặt người không thích hợp vào chức quan là việc tồi tệ nhất. Nên nhớ, chức quan là thứ để tuyển người chứ không phải là phần thưởng để chu cấp cho người có thành tích. Khi trò hỏi xác nhận “theo Thượng thư (Kinh Thư – bộ sách cổ kinh điển của Trung Quốc) trong Từ lệnh thư của Trọng Hủy (tướng hiền của vua nhà Thương thời Ân) có viết “trao quan vị cho người đức cao, thưởng hậu hĩnh cho kẻ có công”, tức sắp xếp thích hợp giữa đức và chức tước, đối ứng khéo léo giữa công trạng và khen thưởng phải không ạ?” thì Nam Châu Ông lấy làm tâm đắc, đáp rằng “đúng vậy”.
Với kim chỉ nam đó, ông Inamori đã đúc rút ra rất nhiều triết lý kinh doanh và quản trị nhân sự đáng quý, lấy nhân tố “tâm trí con người” làm trung tâm.
Điều kiện tối cần thiết của người lãnh đạo là vô tư
Một công ty, tổ chức vốn không phải là một sinh vật nhưng được người kinh doanh thổi ý chí, ý thức vào mà hoạt động mạnh mẽ như một sinh vật sống. Việc thổi hồn vào công ty là nhiệm vụ của người giám đốc, nên nếu người đó chỉ nghĩ về bản thân mình thì công ty cũng đánh mất cơ năng. Vị trí của người giám đốc là nắm giữ cuộc sống của nhiều nhân viên thì cần chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi cá nhân mà làm việc như một người phục vụ công ty.
Năm 1971, khi Kyocera lên sàn, có nhiều công ty chứng khoán mời gọi ông Inamori tham gia giao dịch. Theo đó, có hai cách để tham gia: một là bán cổ phần người sáng lập đang sở hữu ra thị trường. Với cách này, lợi nhuận sẽ vào túi người sáng lập, với cách còn lại thì lợi nhuận thuộc về công ty. Có người bên công ty chứng khoán khuyên ông Inamori nên dùng cách thứ nhất, coi như trả công lao động cật lực bấy lâu từ thời khởi nghiệp. Nhưng ông đã từ chối, ông chọn phương pháp phát hành cổ phiếu mới và không bán ra dù chỉ một cổ phần cá nhân nào, mọi tiền vốn thu được từ việc lên sàn đều đổ vào công ty. Kyocera sẽ tận dụng nguồn tiền này để đầu tư và phát triển.
Theo ông Inamori, càng thăng tiến, chúng ta càng phải khiêm tốn và biết tự thu mình lại, hy sinh cái tôi. Nếu không có dũng khí chấp nhận vai trò thiệt thòi nhất thì không thể làm lãnh đạo. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc. Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp thành công sớm nhưng cũng lụn bại nhanh. Đó là vì thành công đã khơi dậy “tư tâm” và kéo theo sự tụt dốc không phanh của người lãnh đạo.
Chìa khóa sử dụng nhân sự là tin vào sự trưởng thành của con người
Khi một công ty ở quy mô vừa và nhỏ thì chỉ sở hữu những nhân sự phù hợp với quy mô lúc đó. Nhưng khi công ty lớn mạnh, người lãnh đạo cũng tham vọng hơn và bắt đầu nghĩ đến nguồn nhân sự ưu tú. Lúc đó, hai trường hợp sẽ xảy ra.
Trường hợp thứ nhất là quý trọng những con người đã cùng nhau trải qua bao cay đắng ngọt bùi gây dựng nên công ty. Vì vậy, những người đó sẽ được cất nhắc lên làm chuyên môn hay phó giám đốc khi công ty phát triển. Nhưng một công ty doanh thu hàng trăm tỷ yên sẽ khác với một công ty doanh thu một trăm triệu yên; nó đòi hỏi những nhân sự có năng lực cao. Vậy nên, nếu giao trọng trách cho những người cùng khởi nghiệp trong quá khứ mà lại không có năng lực tương xứng thì công ty sẽ bị mất thăng bằng.
Trường hợp thứ hai là tìm kiếm nhân tài từ bên ngoài. Khi cấp dưới không có năng lực, mặc dù đã lao tâm khổ tứ từ xưa đến nay nhưng những người đó không thể giúp cho công ty phát triển hơn được nữa. Vậy nên, lãnh đạo liên tục tuyển những người có học vấn, kỹ năng kinh doanh cao vào những vị trí quan trọng. Tuy nhiên, điều này dẫn đến một hệ lụy là những người từng “nếm mật nằm gai” sẽ không vui, rồi bất mãn lần lượt rời đi; và những người có tài năng kia lại vô cùng tự cao và ngang bướng. Lúc này, công ty sẽ đánh mất bản sắc và cuối cùng thành tích cũng xuống dốc vì những người cũ là chỗ dựa tinh thần đã thôi việc.
Đâu sẽ là giải pháp cân bằng? Theo ông Inamori, “tuyển dụng người tài là cần thiết nhưng hãy quý trọng những người đã từng đồng cam cộng khổ”. Khi Kyocera còn nhỏ, muốn tuyển những người tốt nghiệp đại học hàng đầu thì cũng khó, rõ ràng những người xin việc hầu như không có vẻ gì đáng trông cậy, và người lãnh đạo có vẻ sẽ bất an. Nhưng rất nhiều nhân viên đồng cam cộng khổ với người lãnh đạo từ thời công ty còn non kém có thể học vấn không cao, nói năng lắp bắp, tác phong không đĩnh đạc nhưng trải qua 20, 30 năm mà họ không lời than vãn, không chút bất mãn, ngày đêm nỗ lực làm việc thì họ đã trưởng thành và là những con người tuyệt vời. Cần biết quý trọng những con người trưởng thành về mặt nhân cách như thế.
Xây dựng công ty như xây dựng một bức tường thành. Những nhân tài ưu tú như những tảng đá khổng lồ, nhưng chúng không thể kết nối với nhau nếu thiếu những hòn đá nhỏ lấp đầy những khoảng trống. Những viên đá nhỏ đó là những người trung thành đã nỗ lực cống hiến cho công ty bấy lâu. Không thể bỏ mặc những người cũ – những người như những bóng râm âm thầm tỏa mát.
Tuy nhiên, khi tuyển chọn người giữ vị trí lãnh đạo – giám đốc, thì ông Inamori lại tuân thủ nguyên tắc “thưởng cho người có công, trao quan vị cho người có đức”. Khi KDD và IDO kết hợp, Daini Denden thành KDDI, hướng đến sự phát triển cao hơn nữa. Lúc đó, ông đã chọn giám đốc là một người ban đầu không có gì nổi bật, nhưng là người hội đủ tiêu chuẩn về “đức” phù hợp với vị trí lãnh đạo, được mọi người trong công ty tin cậy, tôn trọng và đánh giá cao.
Với những người tài năng xuất chúng nhưng chưa chín về con đường tu tập bản thân, ông chỉ để họ nắm giữ cổ phiếu trước khi Daini Denden lên sàn chứng khoán, ưu tiên họ đầy đủ về mặt vật chất nhưng không đặt họ vào vị trí lãnh đạo. Ông trả công họ bằng tiền nhưng không trả công bằng chức vụ. Bởi khi cho phép những người như vậy lèo lái công ty, họ có thể dẫn doanh nghiệp đến con đường sụp đổ.
Kính Thiên Ái Nhân: Kinh doanh cần tấm lòng Đại nghĩa
Tư tưởng của Saigo mà ông Inamori luôn vận dụng triệt để đó là “Kính Thiên Ái Nhân” – kính trọng Trời đất, yêu thương con người. “Kính trọng Trời đất” là sống tốt, sống thật đúng với đạo lý tự nhiên, đúng với đạo lý làm người, tức thiên đạo, là “thông suốt, quán triệt những điều đúng đắn với tư cách làm người”. Còn “yêu thương con người” là bỏ hết tư tâm, tư dục cá nhân, sống với trái tim biết nghĩ đến người khác, vì cái lợi cho người khác.
Năm thứ ba sau khi thành lập Kyocera, tháng 4/1961 xảy ra một sự kiện đáng nhớ. 11 nhân viên tốt nghiệp phổ thông trung học mới được tuyển vào năm trước đó đến tìm ông Inamori. Họ nói: “Chúng tôi vào làm mà không ngờ công ty nhỏ như con kiến thế này. Chúng tôi không thể an tâm làm việc khi cứ phải lo lắng cho tương lai. Đề nghị công ty bảo đảm chế độ tăng lương tặng thưởng định kỳ. Bằng không, chúng tôi sẽ nghỉ việc ngay hôm nay.”
Ông Inamori hiểu sự việc này không hề đơn giản, nên chỉ biết thuyết phục: “Tôi không thể bảo đảm tương lai cho các bạn vì Kyocera mới chỉ là một công ty khởi nghiệp có vài năm kinh nghiệm, nhưng tôi hứa sẽ dốc sức vì mọi người.” Tuy nhiên, họ không hài lòng với lời giải thích của ông. Cuộc đàm phán chẳng đi tới đâu, nên họ quyết định về nhà ông tiếp tục bàn bạc. Sau ba ngày đêm trò chuyện trực tiếp, nhiệt huyết và sự chân thành của ông Inamori đã chạm tới trái tim họ: “Nếu mọi người không tin tôi, có thể cho tôi một cơ hội không? Nếu tôi làm gì phản lại lòng tin của mọi người, lúc ấy có giết tôi cũng được.” Cuối cùng, họ đều gật đầu đồng ý trong nước mắt.
Nhưng đêm đó ông không ngủ được, hoàn cảnh của ông lúc ấy vô cùng éo le. Thế chiến II xảy ra, xưởng in của cha ông bị thiêu rụi sau một trận không kích, việc gánh vác gia đình đổ dồn lên vai mẹ ông. Ông đi làm ở Kyoto, tuy mỗi tháng có gửi tiền chu cấp nhưng chỉ là con số ít ỏi. Đến gia đình ông còn chưa lo được, lại vừa khởi nghiệp vậy mà đã mang tính mạng mình ra bảo đảm cuộc sống cho người xa lạ.
Rồi ông tiếp tục băn khoăn, Kyocera là công ty mọi người lập ra để hỗ trợ đưa kỹ thuật của Inamori Kazuo ra thế giới, nghĩa là làm kinh doanh nhưng ông vẫn theo đuổi lý tưởng của riêng mình. Đang trăn trở, day dứt trong lòng thì bức thư pháp “Kính Thiên Ái Nhân” treo trong phòng khách như im lặng nhìn ông. Sau một thời gian dài suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định “cùng với việc mưu cầu hạnh phúc vật chất lẫn tinh thần cho toàn thể nhân viên, phải cống hiến cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại và xã hội.”
Từ đó, triết lý của Kyocera ra đời: kinh doanh vì Đại nghĩa. Mọi người trong Kyocera cùng tận tâm phát triển công ty, sẵn sàng cộng hữu, hiệp lực từ trái tim. Đặc biệt, công ty không dùng mưu mô, chiếc lược ma mãnh để đạt được mục đích. Bởi thành công có được từ những tính toán, đối sách thường không kéo dài. Đặt bẫy đối thủ thì sau này đối thủ sẽ quay trở lại phục thù. Trong lòng luôn ngàn ngập nghi ngờ, căng thẳng thì không còn thời gian cho tâm hồn, lương tâm sẽ không bao giờ được thanh thản. Phải dốc lòng thành mà đi con đường chính trực.
Ông từng chia sẻ: “Ngay cả trong buôn bán cũng vậy, nếu chỉ nghĩ đến riêng mình thu lợi thì thành công cũng không kéo dài được lâu. Phải làm sao mà những người liên quan đến việc mua bán đều hài lòng, người bán cũng vui mà người mua cũng mừng, không để chỉ một bên lợi, một bên thiệt như trò zero-sum.”
Trong suốt cuộc đời, ông Inamori Kazuo phải đối mặt với rất nhiều khoảnh khắc giằng xé nội tâm, phải lựa chọn giữa tư lợi và ước muốn vị tha vô ngã. Nhưng sau tất cả những thử thách đó, ông Inamori cũng chứng thực được một điều: dù làm việc gì, thuận theo Đạo trời thì sẽ hưng, nghịch với Đạo trời thì sẽ vong.
Tài liệu tham khảo:
- Cuốn sách “Cách sống”, “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của ông Inamori Kazuo
- Website: https://global.kyocera.com/inamori/
Xem thêm: