Huyền thoại kinh doanh Inamori Kazuo (P2): Sống là quá trình mài giũa tâm hồn
“Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tôi đã minh bạch rằng vận mệnh của mình do mình tạo ra. Cho dù là thông minh thế nào thì hạnh phúc hay bất hạnh, thất bại hay thành công trong cuộc đời đều không ngoại lệ, cũng là từ tâm mình mà sinh ra. Gieo hạt giống nào thì tự bản thân mình sẽ đơm hoa, kết trái đó” – Doanh nhân Inamori Kazuo.
Gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nếm trải vị đắng của sự thất bại và đã từng tuyệt vọng muốn buông xuôi mặc kệ cuộc đời, tất cả những khó khăn này giống như lửa nóng trong lò luyện kim cương đối với ông Inamori Kazuo. Mỗi lúc vượt qua một thử thách, đời sống tâm linh của ông lại giàu có hơn, trái tim và tâm hồn ông thêm mạnh mẽ để lèo lái vận mệnh của chính mình. Cuối cùng, ông cũng hiểu rằng cả quá trình đó đều dẫn hướng ông đến một cái đích: mài giũa nhân cách và nuôi dưỡng triết lý sống.
Hãy để tâm ta hòa cùng dòng chảy của vũ trụ
“Tôi không thể nắm bắt được tự nhiên, sự hình thành vật chất trong vũ trụ, quá trình sản sinh ra sự sống và tiến hóa, nhưng tôi không nhìn nhận vận mệnh như một chuỗi sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên.
Thế giới dường như có một “dòng chảy” không ngừng vận động và thúc đẩy sự phát triển của vạn vật. Tôi gọi đó là “quy luật của vũ trụ”. Quy luật này chứa đựng tình yêu thương, chân thành và hài hòa. Vận mệnh của chúng ta phụ thuộc vào liệu năng lượng trong tâm trí của chúng ta có hòa cùng dòng chảy của vũ trụ hay không.
Vận may mỉm cười khi chúng ta biết cầu nguyện với một tâm hồn thuần khiết, phù hợp với đặc tính của vũ trụ.” – Doanh nhân Inamori Kazuo
Ông Inamori đã học được bài học đầu đời khi phải vật lộn với căn bệnh lao phổi. Do có tâm xấu là xa lánh người chú, ngang bướng hay trêu trọc người khác, ông là người duy nhất trong gia đình nhiễm bệnh. Ông phải lãnh quả báo ngay tức khắc. Từ đó, ông cũng ngộ ra rằng chỉ khi nuôi dưỡng trong tâm mình lòng trắc ẩn, sự từ bi, đó mới là “thần dược” giúp ông tránh xa vận rủi.
Vì lẽ đó, khi thành lập công ty thứ hai là Daini-Denden (sau này đổi tên thành KDDI), ông đã vô cùng trăn trở. Năm 1983, ông Inamori Kazuo quyết định đầu tư vào viễn thông, nhằm cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn cho người Nhật. Hành động này chẳng khác nào đối đầu với doanh nghiệp nhà nước Denden Kosha đang độc quyền trên thị trường lúc bấy giờ. Đó là một cuộc chiến không cân sức khi nguồn lực của Denden Kosha rất hùng hậu với doanh thu 40,000 tỷ yên mỗi năm, số nhân viên là 330,000 người, có cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện thoại khắp toàn Nhật Bản, còn công ty Kyocera của ông chỉ đang phát triển ở mức 2,200 tỷ yên mỗi năm với 11,000 nhân viên. Nhưng hội đồng quản trị vẫn tin tưởng và ủng hộ quyết định này của ông.
Ông chia sẻ trong cuốn sách “Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực” (Your Dream Will Become True) rằng: “Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự chất vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại mới của mình có trong sáng thật không? Tâm địa mình có thật sự “thiện” không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi?…
Suốt nửa năm trời, kể cả những lúc trở về nhà sau bữa rượu tàn, tôi vẫn cứ lặp đi lặp lại trong lòng những lời tự vấn như vậy. Chỉ sau khi biết chắc lòng mình, ý chí mình gây dựng sự nghiệp này hoàn toàn vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của xã hội và không mảy may dao động, tôi mới quyết định đặt chân vào con đường này.”
Vũ trụ dường như đã hồi đáp ông Inamori cho những lời cầu nguyện trong sáng ấy. KDDI sau này đạt được thành tựu lớn, dịch vụ thoại Au của công ty ông vươn lên ngang hàng với thương hiệu Docomo của người khổng lồ Denden Kosha. Ông Inamori càng khẳng định hơn: trái tim chân thành, đồng cảm và vị tha là nền tảng để một người bước đến thành công. Cho dù ước muốn đó có mạnh mẽ đến đâu, nếu nó khởi nguồn từ sự ích kỷ, thành công cũng không thể lâu bền. Mà ước muốn càng phi lý thì càng dễ đối đầu với xã hội và gây ra những hậu quả thảm khốc.
Nếu nỗ lực nối tiếp nỗ lực, thì điều bình thường sẽ trở thành phi thường
Để đi được ngàn dặm cũng phải bắt đầu từ bước chân thứ nhất. Hành trình xa xôi đến mấy cũng phải bắt đầu từng bước mỗi ngày. Kết quả lớn lao chỉ đạt được từ quá trình tích tụ sự kiên nhẫn.
Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày hôm nay thì sẽ nhìn thấy ngày mai. Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày mai thì sẽ nhìn thấy tương lai xa,… Điều này có nghĩa là, chúng ta cần phải dồn sức, sống cho khoảnh khắc hiện tại. Sống cho khoảnh khắc hiện tại thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ nhìn thấy tương lai.
Cuộc đời tôi cũng y hệt những bước chân của loài rùa. Quá trình âm thầm tích tụ mỗi ngày và liên tục đã biến một công ty nhỏ thành một tập đoàn khổng lồ từ lúc nào và bản thân tôi như hiện nay.
Vì vậy, thay vì cứ chăm chăm trông ngóng ngày mai, vào tương lai chưa thấy đâu thì trước hết ta hãy dành toàn bộ sức lực cho ngày hôm nay.
Đó là cách tốt nhất, là con đường tốt nhất để biến ước mơ thành hiện thực.
– Trích từ cuốn sách “Cách sống” của ông Inamori Kazuo.
Khi mới thành lập, Kyocera chỉ là một công ty nhỏ và chưa có kinh nghiệm nhiều trong sản xuất. Đơn hàng của họ hầu hết chỉ là những sản phẩm mà các công ty lớn khác đã từ chối vì quá khó.
Tuy nhiên, ông Inamori luôn nói “Chúng tôi sẽ làm được” và ông cũng không ngừng đốc thúc nhân viên của mình thử mọi cách để sản xuất sản phẩm theo yêu cầu. Đương nhiên, thời gian đầu phần lớn những sản phẩm của ông đều bị khách hàng trả lại. Nhưng, nhờ sự nỗ lực không ngừng, một công ty nhỏ bé không có tên tuổi như Kyocera đã chế tạo ra những sản phẩm mà những công ty lớn khác phải lắc đầu từ chối.
Trong suốt những năm tháng đó, Kyocera luôn giữ vững tinh thần lạc quan và một tâm thái tích cực, họ không bỏ cuộc cho dù nghịch cảnh và khổ nạn liên tục xảy đến. Họ luôn nhắc nhở bản thân rằng “một cuộc đời tốt đẹp đang chờ đón”. Không phàn nàn hay cảm thấy tồi tệ, không hận thù, căm phẫn và đố kỵ với người khác. Chính những suy nghĩ tiêu cực mới là thủ phạm khiến cuộc đời ta buồn khổ. Hãy luôn biết cảm kích những người xung quanh, và cảm ơn cả những thử thách vì “tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú”.
Bản thân ông Inamori cũng phải thừa nhận: “Khả năng của con người quả thật là vô hạn”. Nó vô hạn khi con người biết đồng điệu cùng vũ trụ, chỉ là ta phải biết cách đánh thức năng lực đang ngủ quên ấy.
Mồ hôi công sức sẽ trả lại những kinh nghiệm quý giá
Là người đứng đầu của một công ty sản xuất lớn nhưng không vì thế mà ông Inamori ngại đi xuống nhà xưởng như những người khác. Đối với ông, không trực tiếp tham gia sản xuất, không trực tiếp làm việc với những nhân viên đang sản xuất thì sẽ không thể hiểu hết về tình hình kinh doanh của công ty, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.
Ngay cả khi Kyocera đã lên sàn và phát triển thuận lợi, nhưng ông vẫn dốc hết tâm sức cho công việc như thời mới sáng lập, không có lấy một chút thời gian cá nhân. Ông làm việc bất kể sớm tối không ngừng nghỉ suốt 46 tiếng.
Ông Inamori chia sẻ trong cuốn sách “Cách sống”: “Trong cuộc đời còn có một nguyên tắc quan trọng nữa. Đó là coi trọng kinh nghiệm hơn lý thuyết suông. Tức là việc “biết” và việc “làm được” là hai việc khác nhau. Đừng nghĩ rằng cứ “biết” là sẽ “làm được”.
Trong xã hội thông tin và coi trọng tri thức, nhiều người lầm tưởng rằng “cứ biết là làm được”, cách nghĩ như vậy là sai lầm. Khoảng cách giữa “biết” và “làm được” là cả một trời một vực, để lấp được khoảng cách này chính là những những kinh nghiệm đúc rút từ thực tế ở nơi làm việc.”
Nếu không dựa trên nguyên tắc đó, chàng thanh niên Inamori năm 27 tuổi đã không thể nghiên cứu thành công vật liệu gốm sứ mang tính cách mạng. Dù sở hữu hai công ty lớn, ông cũng không có tâm lý “ông chủ chỉ tay năm ngón”. Vực dậy Japan Airlines từ cuộc khủng hoảng là thành quả sau nhiều năm kiên trì với tư tưởng sống đúng đắn và tích lũy trải nghiệm thực tế. Nếu không có những ngày tháng làm việc cật lực, không có những khoảnh khắc lao tâm khổ tứ tìm tòi quyết sách nào là tốt nhất cho nhân viên, cho công ty và cho cộng đồng, ông Inamori Kazuo đã không thể hồi sinh Japan Airlines một cách ngoạn mục như vậy.
Đó có lẽ cũng là một nguyên lý của vũ trụ: nếu bạn không đổ mồ hôi và công sức, bạn sẽ chẳng thể nhận lại thành quả.
Nhìn lại, cả cuộc đời và sự nghiệp của ông Inamori Kazuo là quá trình đánh bóng viên ngọc thô trong trái tim để tiến tới một cảnh giới cao hơn của sinh mệnh.
“Cuộc đời giống như một vở kịch mà mỗi chúng ta đều đóng vai chính. Vấn đề chỉ là kịch bản nào chúng ta viết cho mình.
Có những cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào sự may rủi của số phận. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể tự viết nên kịch bản của chính mình bằng cách tu dưỡng tâm tính. Thực ra, tôi luôn nghĩ số phận chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta chắp bút. Vở kịch có thể rất khác biệt giữa người sống trong vô định và một người cố gắng sống nhiệt thành với đức tin mãnh liệt.”
“Nếu chúng ta khát khao hoàn thiện bản thân, chúng ta phải nghiêm túc suy xét từng hành động hàng ngày và đánh giá xem liệu chúng có ‘công bằng, chính trực, đúng đắn’ như một con người mà không có tham sân si hay không.
Chỉ khi luôn nhớ đến con người lý tưởng và sửa chữa những lỗi lầm bằng cách tự nhủ: ‘Đừng cư xử xấu xa như vậy’ hay ‘Đừng có nhát gan như thế’, chúng ta mới tránh phạm phải sai lầm.
Bận rộn khiến chúng ta đánh mất chính mình. Liên tục tỉnh táo chiêm nghiệm về hành vi của bản thân là thói quen cần phải có. Đó là cách chúng ta tu sửa và hướng đến một cảnh giới cao hơn.”
Phần 3: Tư tưởng ‘Kính Thiên Ái Nhân’ |
Tuệ Anh
Xem thêm: