Huyền thoại kinh doanh Inamori Kazuo (P1): Từ một người ‘bình thường’ trở thành ‘phi thường’
Trong tâm lý học, có một khái niệm là “quy luật của nấm”. Nấm mọc ở những góc tối, ẩm ướt, không nhận được ánh sáng mặt trời hay phân bón, vì vậy nó chỉ có thể tự lo cho mình. Trong giai đoạn này, nếu bỏ cuộc, nấm sẽ mãi mãi là cây thấp lùn, cả đời chìm trong bóng tối. Nhưng nếu kiên trì, nó sẽ vươn lên trở thành sản vật quý.
Năm 1955, một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học, chật vật mới có cơ hội làm việc cho một công ty gốm sứ cách điện. Việc chính của anh là nghiên cứu các vật liệu gốm thế hệ mới. Công ty khi đó rất nghèo, không có nhiều thiết bị hiện đại, cũng chẳng có ai dẫn dắt anh, chàng trai còn thường xuyên bị lãnh đạo trách mắng, nhưng anh vẫn kiên trì nghiên cứu suốt ngày đêm. Một năm sau, anh đã chế tạo thành công vật liệu để sản xuất ống tia âm cực trong TV.
Thanh niên đó là Inamori Kazuo, một huyền thoại kinh doanh của Nhật Bản. Ở tuổi 25, ông Inamori Kazuo đã phát minh ra một sản phẩm mang tính thời đại trong lĩnh vực gốm kỹ thuật. Năm tuổi 27, ông bắt đầu khởi nghiệp. Bốn mươi năm sau, ông gây dựng được hai công ty lọt danh sách Fortune 500, là Kyocera và KDDI. Khi 78 tuổi, ông được chính phủ mời làm chủ tịch của Japan Airlines. Trong vòng một năm, ông đã hồi phục Japan Airlines từ bờ vực phá sản trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thời điểm đó.
Doanh nhân Inamori Kazuo từng tâm sự: “Nói về triết lý sống, tôi đã miêu tả nhiều rồi: Cuộc đời là sự phản ánh của nội tâm và có thể biến đổi. Kỳ thực mà nói, cuộc đời của tôi chỉ đơn giản là một chuỗi liên tiếp những thất bại và thất bại. Triết lý này là bài học được đúc kết từ việc trải qua những lần thất bại thê thảm”. Nhưng “bất luận là việc gì, cũng hãy luôn biết cảm kích”, vì “tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú”.
Tuổi thơ cơ cực và một chuỗi thất bại
Ông Inamori Kazuo sinh ngày 30/01/1932 tại tỉnh Kagoshima của Nhật Bản. Gia đình ông có 7 anh chị em; tất cả đều phụ thuộc vào xưởng in của cha để mưu sinh. Inamori Kazuo là con thứ hai, tính cách của ông đặc biệt bướng bỉnh, hay gây rắc rối ở trường và trêu chọc bạn cùng lớp.
Năm 12 tuổi, lần đầu tiên ông Inamori Kazuo hoài nghi về cuộc sống khi tự tin đăng ký thi vào trường trọng điểm của Kagoshima nhưng không may bị trượt. Rồi căn bệnh lao ập đến khi ông mới 13 tuổi. Thời đó, lao phổi là bệnh nan y, bị người đời xa lánh. Họ hàng của ông có nhiều người mắc lao phổi mà qua đời. Khi ấy, ông chú của ông bị nhiễm bệnh, cha mẹ cùng các thành viên khác trong gia đình đều hết lòng chăm sóc người chú, chỉ riêng ông cứ mỗi lần chạy qua phòng chú lại bịt mũi và xa lánh. Cuối cùng, ông là người duy nhất trong gia đình nhiễm bệnh.
Tuyệt vọng vì nghĩ mình không sống được lâu, lại phải hứng chịu những lời đả kích, dè bỉu gia đình ông là “gia đình của bệnh lao phổi”, ông mất hết động lực sống. May mắn thay, một người hàng xóm tốt bụng đã tặng ông một cuốn sách có tên “Chân tướng của sinh mệnh” (Truth of Life) do nhà truyền giáo Masaharu Taniguchi viết.
Vì mới tốt nghiệp tiểu học nên việc đọc một cuốn sách giàu triết lý nhân sinh là một thử thách với ông Inamori Kazuo. Nhưng ông đã đọc nó ngấu nghiến, và rồi ấn tượng với một câu: “Trong tim chúng ta có một thỏi nam châm rất mạnh, chúng có thể thu hút tại họa, chúng ta bị bệnh bởi vì chúng ta có một trái tim yếu đuối thu hút vi khuẩn.” “Tất cả mọi sự tình trong cuộc đời đều do nam châm trong tâm mình hút mà đến, bệnh tật cũng không ngoại lệ, hết thảy chẳng qua đều là sự phản chiếu “tâm tướng” trong cuộc đời của mình mà thôi.”
Thời khắc đó, cuốn sách như ánh sáng đánh thức mọi sự tuyệt vọng trong ông Inamori Kazuo. Bệnh tật cũng là do tâm chiêu mời đến, thuyết pháp này có chút hà khắc nhưng lại làm rung động tâm linh ông. Khi ông chỉ nghĩ đến bản thân, lo sợ mắc bệnh, xa lánh người thân thì những năng lực tiêu cực cũng đeo bám ông. Thống khổ này đã khiến ông bắt đầu tỉnh ngộ. Ông đã dám đối mặt với căn bệnh; thật kỳ diệu, nhờ tinh thần tích cực và sự phát triển của y khoa Nhật Bản, ông khỏi bệnh sau một thời gian chữa trị.
Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo của ông cũng đầy trắc trở. Trong kỳ thi đại học, ông rất tự tin đăng ký vào chuyên ngành y của Đại học Tokyo nhưng lại trượt và phải miễn cưỡng theo học chuyên ngành hóa học hữu cơ của trường Đại học Kagoshima – ngôi trường hạng 3 và chuyên ngành hạng 4. Sau đó, thời điểm ông tốt nghiệp thì chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc, kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Ông Inamori Kazuo chẳng thể xin được việc, tiếp tục mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự tuyệt vọng và chán chường. Khi ấy, ông từng nghĩ đến việc gia nhập xã hội đen.
“Cuộc đời tôi sao mà lại khổ thế này? Thậm chí tôi còn nghĩ, nếu mua vé số thì số trước, số sau đều trúng thưởng, chỉ cần là của tôi thì sẽ không trúng. Dù có cố gắng thế nào cũng là phí công, tâm tôi có khuynh hướng dần dần xấu đi…”
Thành công đầu tiên – Kyocera
Một thời gian sau, giáo viên đại học của Inamori Kazuo đã giới thiệu cho ông làm việc tại công ty sứ cao áp Shofu ở Kyoto. Nhưng làm ở đó một thời gian, ông Inamori mới biết công ty này vô cùng cũ nát, đang đối mặt nguy cơ phá sản, lãnh đạo mâu thuẫn và thường xuyên chậm trễ trả tiền lương cho nhân viên.
Nhiều đồng nghiệp của ông đã rời công ty, ông Inamori một lần nữa phải lựa chọn. Cuối cùng, trung thành với văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, ông Inamori kiên trì ở lại và dồn hết tinh lực vào công việc nghiên cứu. Kết quả, ông đã thành công phát triển một loại vật liệu gốm công nghệ cao mới, được sử dụng trong ống chân không của tivi. Thời điểm đó, tivi mới được phổ cập; các tập đoàn lớn bắt đầu đặt hàng sản phẩm của ông Inamori, bộ phận của ông tạo ra lãi cho công ty từ đó.
Nhưng năm 1958, do mâu thuẫn với giám đốc kỹ thuật, ông Inamori Kazuo buộc phải thôi việc. Sự ra đi của ông đã thu hút 7 công nhân khác theo ông. Năm 1959, ở tuổi 27, với 10,000 USD trong tay, ông thành lập công ty Kyoto Ceramic, sau này đổi tên thành Kyocera (chủ yếu sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, thiết bị in và thiết bị ngành ảnh). Khi mới thành lập, Kyocera chỉ là một nhà máy vô cùng nhỏ với 28 nhân viên và phải vật lộn để quảng bá sản phẩm của mình.
Ông Inamori cho rằng chỉ bằng cách tiếp cận các công ty ở Mỹ và Âu Châu, vốn có công nghệ tiên tiến hơn Nhật Bản, sản phẩm của Kyocera mới dễ được thị trường trong nước chào đón. Do đó, ông nỗ lực thâm nhập thị trường quốc tế. Thời cơ đến khi Kyocera nhận được đơn đặt hàng 25 triệu bảng vi mạch Substrate của IBM.
Đối với họ mà nói, nhận đơn đặt hàng từ IBM là một cơ hội vô cùng quý giá. Tuy nhiên, IBM là một công ty uy tín hàng đầu thế giới nên có các yêu cầu nghiêm ngặt về phân phối sản phẩm và chất lượng. Một đơn đặt hàng thông thường chỉ có 1 trang mô tả các thông số kỹ thuật, nhưng với IBM, những yêu cầu này dày bằng một cuốn sách và vô cùng chi tiết. Thậm chí, Kyocera còn không có máy móc phù hợp để đo lường độ chính xác của mẫu đầu tiên.
Nhưng ông Inamori cho rằng chính những điều kiện khắc nghiệt này là môi trường rèn luyện tốt cho Kyocera, ông sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu khó tính của IBM. Để vừa đáp ứng những điều kiện khắt khe vừa tạo ra được lợi nhuận, Kyocera đã bỏ ra rất nhiều chất xám và làm việc vô cùng chăm chỉ. Cuối cùng, Kyocera có thể cung cấp đầy đủ sản phẩm cho IBM – một kết quả tưởng chừng như không thể.
Thành công này không chỉ giúp Kyocera tăng doanh thu đáng kể mà còn nâng tầm năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng của công ty. Uy tín của Kyocera tăng dần trong mắt IBM; công ty trở nên nổi tiếng hơn và liên tiếp nhận được đơn đặt hàng từ những doanh nghiệp lớn ở cả trong và ngoài nước.
Mười năm sau, Kyocera lọt top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới; thực hiện nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập các công ty nước ngoài; sở hữu số lượng chi nhánh khổng lồ khắp Nhật Bản và trên toàn thế giới với tổng số nhân viên lên đến trên 66,000 người. Năm 1989, ở tuổi 52, ông Inamori thành lập công ty thứ hai chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động KDDI qua thương hiệu “au by KDDI”. Năm 2007, công ty này tiếp tục lọt vào danh sách Fortune 500. Cho đến nay, ông Inamori Kazuo là người duy nhất trên thế giới là chủ sở hữu của hai công ty nằm trong danh sách này.
Tìm kiếm sự tĩnh lặng nơi cửa Phật
Năm 1997, ông Inamori Kazuo từ chức chủ tịch của Kyocera và KDDI, quyết định trở thành một nhà sư ở tuổi 65. Trước khi quy y, ông đã đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Lúc này, ông mới phát hiện một khối u ác tính trong dạ dày và bác sĩ yêu cầu ông phải phẫu thuật sớm. Ông không hề hoảng sợ khi biết tin mình mắc bệnh ung thư. Nhưng dù đã cắt bỏ 2/3 dạ dày, khối u vẫn tái phát khiến ông phải nhập viện trong sự đau đớn. Sau khi ra viện, ông quy y tại ngôi chùa Enpuku thuộc giáo phái Rinzai với pháp danh Đại Hòa.
Có lẽ kể từ khi đọc cuốn sách “Chân tướng của sinh mệnh”, cậu bé Inamori Kazuo đã ươm trong trái tim mình hạt giống hướng Phật. Nhưng tâm hồn non nớt của Inamori ngày đó chưa hiểu sâu sắc được thế nào là “tâm sinh tướng”. Sau khi trải qua bao thăng trầm, từ thất bại thảm hại đến đỉnh cao của danh vọng, ông Inamori Kazuo mới thấm nhuần triết lý này.
Ông từng chia sẻ rằng, hơn 40 năm, người thầy của ông là các minh triết phương Đông và phương Tây. “Việc tôi xuất gia trở thành một nhà sư là kết quả tự nhiên sau nhiều năm nỗ lực đề cao tâm trí, tu dưỡng tâm tính và nuôi dưỡng triết lý của bản thân tôi.”
“Tôi nghĩ rằng một doanh nhân có thể nhìn thấy chân tướng của sự vật sẽ tránh được những sai lầm và đạt được thành công chân chính. Nghe có vẻ hơi tự phụ, nhưng tôi cảm giác như thể ‘trái tim mình cũng có mắt vậy’”.
Vì vậy, khi tuổi già ập đến, ông chọn con đường vào chùa tĩnh lặng nghiên cứu Phật Pháp. Tuy nhiên, năm 2010, một vị khách đã đến thăm chùa Enpuku ba lần và khẩn cầu ông Inamori giúp đỡ Japan Airlines, bởi lúc này công ty đang trên bờ vực phá sản.
Hồi sinh Japan Airlines từ bờ vực phá sản
Vào tháng 1/2010, Japan Airlines (JAL) lâm vào tình cảnh khốn đốn với khoản nợ lớn nhất so với bất kỳ công ty nào kể từ khi Thế chiến II kết thúc: 2.3 nghìn tỷ yên (25 tỷ USD).
Trước sự thúc giục của chính phủ Nhật Bản, ông Inamori đã đồng ý giữ chức chủ tịch để tái thiết JAL. Mặc dù những người xung quanh đều phản đối quyết định này, nhưng ông vẫn nhận lời vì ba lý do. Đầu tiên, ông muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra ở Nhật Bản nếu JAL phá sản lần thứ hai. Thứ hai, ông không muốn những nhân viên còn lại của JAL bị mất việc làm. Thứ ba, ông muốn duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Vào thời điểm đó, nhân viên của JAL thiếu sự đoàn kết, nên tái cấu trúc doanh nghiệp là điều không khả thi. Ông Inamori lựa chọn áp dụng nguyên tắc quản lý đã thành công ở Kyocera là Amoeba. Theo đó, ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của ông Inamori là tăng phúc lợi cho nhân viên, bởi nhân viên làm hết sức thì họ mới đóng góp hiệu quả hơn cho công ty và xã hội. Lực lượng lao động của hãng hàng không được quản lý theo các đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị có một nhà lãnh đạo được quyền tự do ra quyết định ở một mức độ nào đó, khác với truyền thống Nhật Bản là các quyết định luôn được đưa từ trên xuống.
“Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc” – Doanh nhân Inamori Kazuo.
Văn hóa doanh nghiệp thay đổi, nhân viên bắt đầu chia sẻ cùng một giá trị chung. Họ ý thức về lợi ích của việc quản trị tốt, từ đó chủ động tối đa hóa lợi nhuận trong bộ phận của mình. Thêm vào đó, công ty đầu tư vào dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu 787, đồng thời mở rộng tập khách hàng khi xây dựng các đường bay đến Bắc Mỹ, Trung Đông và Phi Châu. Kết quả, từ một doanh nghiệp liên tục thâm hụt tài chính, JAL trở thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới trong năm tài chính 2011/2012: 188.4 tỷ yên (2.35 tỷ USD).
Một bằng chứng khác cho thấy ông Inamori đã tạo ra một phép màu là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của JAL vào tháng 9/2012 thu được 663 tỷ yên tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Đây là đợt IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó chỉ sau Facebook Inc.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh “đứng mũi chịu sào” và hồi sinh JAL, năm 2013, ông rời vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của công ty và giữ chức cố vấn danh dự đến năm 2015. Trong quãng đời sau này, ông Inamori không còn lấy kinh doanh làm mục tiêu mà tập trung vào thành lập quỹ Inamori, trao phần thưởng hàng năm cho những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, mở trường quản trị tư thục Selwa với mục đích đón nhận và đào tạo các nhà kinh doanh trẻ tuổi, đồng thời xây dựng các trung tâm dành cho trẻ khuyết tật trên khắp Nhật Bản.
Ông Inamori từng trả lời phỏng vấn vào năm 2002 rằng: “Miễn là tôi còn sống, tôi muốn tiếp tục đóng góp vào hạnh phúc về cả vật chất và tinh thần cho xã hội.”
Ông đã dành cả cuộc đời mình để chứng minh một điều: một người bình thường nếu biết thay đổi “tâm” mình thì sẽ cải biến vận mệnh trở thành phi thường…
Phần 2: Sống là quá trình mài giũa tâm hồn |
Tuệ Anh
Xem thêm: