Hủy hợp tác với Trung Quốc, Romania ký thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ
Bộ Kinh tế Romania hôm 9/10 đã đồng ý các thỏa thuận hợp tác và tài trợ với Hoa Kỳ cho hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy của họ trên sông Danube, đồng thời nâng cấp một trong những lò hiện có, sau khi quan hệ hợp tác giữa Romania-Trung Quốc về việc xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân mới tại nhà máy [điện hạt nhân Cernavoda] chấm dứt vào đầu năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Dan Brouillette và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Romania Virgil Popescu đã ký một dự thảo thỏa thuận tại Washington về việc hợp tác để mở rộng và hiện đại hóa chương trình điện hạt nhân dân dụng của Romania, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Hành động này diễn ra sau khi công ty năng lượng nhà nước Nuclearelectrica chấm dứt – theo yêu cầu của chính phủ Romania – quan hệ đối tác 5 năm với Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN), dự định xây mới hai lò phản ứng hạt nhân công suất 700 megawatt tại Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “kiểm soát mọi công ty Trung Quốc, cả trong và ngoài nước, gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Romania Adrian Zuckerman nói tại sự kiện ký kết. “CGN, giống như Huawei và các công ty Trung Quốc khác, đã bị truy tố vì các hoạt động kinh doanh mờ ám của mình.”
Thỏa thuận quy định rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp chuyên môn và công nghệ cho một nhóm đa quốc gia để xây mới hai lò phản ứng hạt nhân và nâng cấp lò hiện có tại nhà máy điện hạt nhân Cernavoda của Romania, tuyên bố cho biết.
Dự án trị giá 8 tỷ USD này sẽ do công ty xây dựng và kỹ thuật AECOM của Hoa Kỳ dẫn đầu, cùng với sự hỗ trợ đến từ các công ty Romania, Canada và Pháp. Theo ông Zuckerman, dự án sẽ trở thành một hình mẫu cho tương lai.
Mối quan hệ đối tác chiến lược của Romania với Hoa Kỳ sẽ bảo đảm “các tiêu chuẩn an toàn cao nhất”, và sẽ đóng góp vào an ninh năng lượng trong khu vực và tăng trưởng kinh tế, tuyên bố cho biết.
“Việc này hoàn thành một nhiệm vụ chiến lược, xác định các đối tác từ các quốc gia NATO” cho hai lò phản ứng hạt nhân mới, ông Popescu nói trong một tuyên bố. “Thỏa thuận mà chúng tôi đã ký… hôm nay sẽ cho phép chúng tôi có được công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ cho Lò phản ứng số 3 và số 4, cũng như để nâng cấp Lò số 1 trong khi vẫn giữ công nghệ Candu 6.”
Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda, nơi đang cung cấp 20% điện năng cho Romania, hiện đang vận hành hai lò phản ứng 700 megawatt, sử dụng công nghệ Candu từ công ty năng lượng Candu của Canada, thuộc sở hữu của Tập đoàn SNC-Lavalin.
Giám đốc điều hành của Nuclearelectrica Cosmin Ghita cho biết dự thảo thỏa thuận, bao gồm các yếu tố chính cho việc phát triển dự án và các bên liên quan, sẽ được gửi đến Ủy ban châu Âu để phê duyệt. Romania là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
“Năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng bảo đảm cho Romania có nguồn cung cấp điện đáng tin cậy, giá cả hợp lý, không phát thải khí CO2, đồng thời ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ mong muốn chuyển giao công nghệ của mình để thúc đẩy nguồn năng lượng quan trọng này,” Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Brouillette nói trong một tuyên bố.
Ông Popescu cho biết: “Romania đang có một bước tiến lớn trong việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược của mình với Hoa Kỳ, về mảng năng lượng, cụ thể là hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân dân dụng.”
Hôm 9/10, ông Popescu cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ (Exim Bank), ông Kimberly Reed, và được bảo đảm một gói tài trợ 7 tỷ USD cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, bao gồm năng lượng hạt nhân, khí hóa lỏng (LNG), đường bộ và đường sắt, cũng như lưu trữ khí đốt, theo tuyên bố của Exim Bank.
“Gói tài trợ này là gói hỗ trợ tài chính lớn nhất mà Romania từng nhận được từ trước tới nay,” ông Zuckerman tuyên bố một ngày trước đó, tại Diễn đàn Bucharest của Viện Aspen.
“Mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Romania chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay.”
Ông Zuckerman cũng tán dương Romania vì đã phá vỡ “các di sản đồi bại của chế độ cộng sản”.
“Romania đã và đang tiếp tục thể hiện tinh thần bất khuất cũng như sự cống hiến không gì lay chuyển được đối với các giá trị dân chủ. Đây là thời điểm của Romania, và thời kỳ Phục hưng Romania mới được mở ra như chúng ta đang đề cập tới,” ông Zuckerman nói.
CGN dự toán tổng kinh phí xây dựng hai lò phản ứng mới vào khoảng 8.5 tỷ USD trong năm 2016, theo Profit.ro. Đó là mức tăng so với dự toán chi phí chính thức ở mức 7.7 tỷ USD, dựa trên một nghiên cứu khả thi do hãng tư vấn Ernst & Young thực hiện năm 2012, hãng tư vấn Profit.co cho hay.
Theo HotNews, chi phí cho việc nâng cấp lò phản ứng hiện có của nhà máy Cernavoda dự tính vào khoảng 1.65 tỷ USD.
Công ty Điện hạt nhân Nuclearelectrica, trong đó Bộ Kinh tế Romania nắm giữ 80% cổ phần, có giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 4.95 tỷ lei (1.2 tỷ USD).
Đối tác Trung Quốc bị đặt dưới sự giám sát
Thỏa thuận được xem xét kỹ lưỡng vào đầu năm nay, sau khi Hoa Kỳ đưa CGN vào danh sách đen hồi tháng 8/2019 vì hoạt động mua lại công nghệ hạt nhân tiên tiến của Hoa Kỳ “để chuyển hướng sử dụng cho mục đích quân sự tại Trung Quốc”.
Bucharest đã ký thỏa thuận đầu tư sơ bộ với CGN hồi tháng 5/2019 nhằm thành lập một công ty liên doanh mới trong hai năm đầu để xây mới hai lò phản ứng. Công ty mới sẽ do CGN sở hữu 51%, Nuclearelectrica nắm giữ phần còn lại, World Nuclear News đưa tin.
Thỏa thuận được ký kết trong thời kỳ Chính phủ Dân chủ Xã hội (PSD) do Thủ tướng Viorica Dancila lãnh đạo, đã bị lật đổ hồi tháng 10/2019.
Năm 2014, Nuclearelectrica, công ty Romania hiện đang điều hành nhà máy điện hạt nhân Cernavoda, đã chọn CGN làm nhà đầu tư cho dự án, và theo mạng điều tra Balkan Insight thì CGN là “nhà thầu duy nhất trong cuộc đấu thầu do Nuclearelectrica tổ chức”.
Một bản ghi nhớ về việc xây mới hai lò phản ứng đã được ký kết trong năm 2015, Nuclearelectrica cho biết trong một tuyên bố.
Một số quan chức Romania đã bày tỏ quan ngại đối với các điều khoản đầu tư của Trung Quốc và mức độ đáng tin cậy của công nghệ Trung Quốc, bà Andreea Brînză, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Romania, cho biết trong một bài đăng trên The Diplomat. Liên minh châu Âu (EU) “muốn hạn chế đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc, vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu”, do đó có thể EU cũng lo ngại về khoản đầu tư của Trung Quốc ở Cernavoda, bà Brînză cho hay.
Trong khi Nuclearelectrica ban đầu có kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng với sự hợp tác của 6 công ty năng lượng châu Âu, các công ty này đã lần lượt rút lui từ năm 2010 đến 2013, do lo ngại ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vào thời điểm đó, cũng như sự chậm trễ của dự án.
Việc xây dựng nhà máy Cernavoda bắt đầu vào những năm 1980 (trong thời kỳ cộng sản); lò phản ứng đầu tiên của nó được đưa vào vận hành vào năm 1996 và lò thứ hai vào năm 2007. Cả hai lò phản ứng đều được cung cấp bởi công ty Atomic Energy của Canada (nay là Candu Energy).
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.