Hủy bỏ mọi khoản nợ Trung Quốc
[Hủy bỏ] nợ của Sri Lanka là một ví dụ — nhưng những quốc gia khác nên làm theo
Một trong nhiều mối đe dọa đối với Hoa Kỳ từ Trung Quốc có liên quan đến Sri Lanka. Các cuộc bạo động về lương thực đang diễn ra ở quốc gia Nam Á đó. Sri Lanka mắc nợ Trung Quốc nhiều đến mức phải nhượng lại một trong những cảng của mình, cộng với 15,000 mẫu Anh, trong 99 năm. Rõ ràng, Bắc Kinh đang tìm cách biến cảng biển, cách đối thủ không đội trời chung là Ấn Độ khoảng 250 km, thành một căn cứ hải quân.
Các quốc gia khác cũng nợ Bắc Kinh những khoản nợ không bền vững một cách nguy hiểm. Djibouti, Lào, Zambia, và Kyrgyzstan nợ Trung Quốc ít nhất 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương ứng. Hầu hết các quốc gia thị trường mới nổi như thế này đang trả ngày càng nhiều hơn thu nhập quốc dân của họ dưới dạng tiền lãi. Một khi họ không thể trả tiền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ gài bẫy, yêu cầu những nhượng bộ lớn, bao gồm các căn cứ quân sự đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh.
Trung Quốc đã có một căn cứ quân sự ở Djibouti.
Bắc Kinh kiếm lợi nhuận bất thường từ việc xuất cảng sang Hoa Kỳ và Âu Châu, sau đó cho các nước nghèo hơn trên thế giới vay tiền để trả cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các công ty của Trung Quốc. Lãi suất, thời hạn trả nợ, và thứ tự trả nợ khi khó khăn (Trung Quốc được trả trước) là những lợi thế lớn đối với Bắc Kinh vì ĐCSTQ bảo đảm sẽ hối lộ những nhà lãnh đạo có hợp tác với số tiền lên đến hàng triệu USD.
Các điều khoản nặng lãi mà dẫn đến kết quả đó phải được giữ bí mật, nếu không chúng sẽ khiến cử tri phẫn nộ. Theo Financial Times hôm 01/06, Trung Quốc “tỏ ra bí mật một cách không cần thiết trong các giao dịch của mình, vì vậy nợ có chủ quyền thiếu rõ ràng hơn so với trước đây, cũng như bị đứt gãy nhiều hơn.”
Thứ tự trả nợ trước cho Trung Quốc là sự phản bội lại các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cùng với các tập đoàn của Hoa Kỳ đã cho các quốc gia thị trường mới nổi vay tiền từ rất lâu trước khi Bắc Kinh xuất hiện.
Theo ông Jay Newman, tác giả của một cuốn sách về tài chính toàn cầu bất hợp pháp: “Trừ khi và cho đến khi các con nợ bị các thể chế yếu kém cản trở và … tham nhũng gây hậu quả, một USD đi vay sẽ tiếp tục là một USD thu được.”
Ông viết, các quốc gia thị trường mới nổi “sẽ hút tiền nhiều nhất có thể, bất cứ khi nào họ có thể — cho dù từ các thị trường, từ hối lộ, từ IMF, hoặc từ Trung Quốc — và ẩn đằng sau quan điểm rằng các sự kiện diễn ra ngoài tầm kiểm soát của họ.”
Trong khi các chính trị gia hàng đầu ở các quốc gia mắc nợ này chi tiêu hàng triệu đồng bất hợp pháp của họ — những đồng xu so với hàng tỷ USD nợ mà họ đã chất lên cho đất nước của họ — thì người dân của họ lại chìm sâu hơn vào nghèo đói.
Năm 2019, Sri Lanka là quốc gia có thu nhập trung bình cao với 8 tỷ USD dự trữ. Tháng trước, Sri Lanka đã vỡ nợ các khoản nợ quốc tế trị giá 50 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng của Sri Lanka đã biến thành việc chính phủ khẩn cầu các nước láng giềng và các cuộc bạo động chống chính phủ. Trong ngắn hạn, quốc gia này cần khoảng 100,000 tấn lương thực.
Sri Lanka hiện đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhiên liệu, mất điện, thiếu thuốc men, điều trị chậm trễ tại các bệnh viện, và lạm phát hai con số. Lãi suất tăng ở Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ chỉ khiến Sri Lanka và các thị trường vốn mới nổi khác thêm đói vốn.
Ấn Độ đã có mặt với 3 tỷ USD tín dụng và hoán đổi tiền tệ cho Sri Lanka. Tuy nhiên, Ấn Độ là quốc gia khác nữa, bên cạnh Trung Quốc, áp đặt các điều khoản không rõ ràng đối với các khoản cho ngoại quốc vay của họ. Họ tìm cách làm cho khoản nợ của họ được trả trước các khoản cho vay của các tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ. Loại nợ các tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ, thường có các điều khoản tốt hơn cho các nước nghèo hơn, đang bị lấn át.
Trong thời điểm Sri Lanka cần nhất, “bạn hữu” Trung Quốc của Sri Lanka đã chỉ cho vay vài trăm triệu USD. Mặt nạ đã rơi xuống, và giờ là lúc ĐCSTQ cố gắng bòn rút ra của Sri Lanka.
Sri Lanka, và thế giới, nên nói không. Các khoản nợ rất lớn với ĐCSTQ trên toàn cầu chỉ được áp đặt bằng cách hối lộ các nhà lãnh đạo và lừa dối cử tri. Bản thân chế độ của Trung Quốc là bất hợp pháp, độc tài, và liên minh với Nga.
Do đó, việc không trả nợ cho Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho thế giới và xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở các quốc gia thuộc thị trường mới nổi. Các thị trường vốn phương Tây không nên trừng phạt Sri Lanka và các thị trường mới nổi khác vì đã làm giúp thế giới một việc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.