Hướng tới một tình yêu lý tưởng: ‘Tình yêu chết đi theo thời gian’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim
Điều gì có ý nghĩa đối chúng ta ngày nay khi bỏ lại những nỗi phiền muộn của tình yêu nồng cháy và chiêm nghiệm về Tình yêu lý tưởng, có thể chịu đựng thử thách của thời gian, không héo hon khi đam mê tàn lụi?
“Tình yêu” là một thuật ngữ mà chúng ta có thể tùy tiện tiêu xài mà chẳng thèm dự trữ. Tất cả chúng ta đều có lỗi khi sử dụng cụm từ này để nói về những điều mà chúng ta chỉ đơn giản là thích thú. “Tôi yêu bài ca đó!” chúng ta bộc lộ bất cứ khi nào nghe giai điệu hấp dẫn mới nhất trên đài phát thanh. “Tôi yêu (chèn từ vào đây)” biểu thị rằng, ngay khoảnh khắc đó, chúng ta hiện đang tận hưởng một thứ gì đó chỉ vì niềm vui mà nó mang lại cho chúng ta.
Theo truyền thống, tình yêu được xem như là một điều vĩnh cửu, một thứ gì đó siêu việt khỏi mọi học thuyết của thế giới này. Ví dụ, triết gia Plato cho chúng ta khái niệm về Tình yêu của Platon, một tình yêu vượt lên trên thứ đam mê tầm thường và hướng đến việc chiêm nghiệm về những điều lý tưởng. Phải chăng là chúng ta đã mất hứng thú trong việc tìm kiếm một tình yêu siêu việt, lý tưởng?
Tôi tình cờ xem qua một tác phẩm của họa sĩ hàn lâm người Pháp Édouard Bernard Debat-Ponsan có tựa đề “Tình yêu chết dần theo thời gian,” tác phẩm này có tác dụng kích thích thị giác khiến tôi rơi vào những rắc rối của tình yêu khi nó bị nhầm lẫn với cảm xúc đơn giản.
Họa sĩ Debat-Ponsan khắc họa một bố cục hình bầu dục với bốn người trên một chiếc thuyền. Thần Cupid tựa vào ở phía xa bên phải của con thuyền, che mặt bằng cẳng tay phải, như thể đang đau buồn bởi chứng kiến điều trước mặt mình.
Một cô gái trẻ vô hồn ngồi liêu xiêu trước thần Cupid, mà tôi cho rằng nhân vật này đại diện cho Tình yêu vì nàng là người duy nhất đã chết. Nàng nắm chặt đôi tay mình trong khi tóc và quần áo từ trên thuyền rũ xuống nước.
Phía sau người phụ nữ trẻ, một chàng trai đau khổ, tuyệt vọng nắm lấy và cầu xin người lái đò trao trả tình yêu cho anh. Người lái đò không mảy may dao động trước sự van nài của anh và tiếp tục với bổn phận của mình, đó là đưa con thuyền đến đích.
Người lái đò là biểu tượng của Thời gian, đôi khi được thể hiện như một người đàn ông luống tuổi có cánh, nhưng ông cũng có thể là Charon, người có sứ mệnh đưa linh hồn người chết qua hai con sông Styx và Acheron vào thế giới địa ngục.
Dù thế nào đi chăng nữa, thông điệp miêu tả vẫn rất rõ ràng: Tình yêu sẽ chết.
Hướng tới Tình Yêu lý tưởng
Một loại tình yêu đang chết dần cụ thể được đề cập ở đây: Đó là cái chết của thứ tình yêu say đắm. Sự hiện diện của thần Cupid (hoặc Eros ) ám chỉ đến loại tình yêu được nhắc đến.
Thần Cupid là một vị thần nguyên thủy và có sức hấp dẫn trong thần thoại Hy Lạp và có ảnh hưởng trong quá trình kiến tạo ra vũ trụ. Tuy nhiên, thần Cupid sau đó đã trở thành một vị thần thấp kém hơn, người được chỉ huy và bị thao túng bởi các nam thần và nữ thần để thay đổi vận mệnh của cả thiên thượng và nhân gian bằng cách khiến các vị thần và loài người mất đi kiểm soát, mê muội một ai đó hoặc một cái gì đó.
Tại đây, chàng trai bày tỏ tình yêu mãnh liệt của mình dành cho người phụ nữ trẻ đã chết — nghĩa là với chính Tình yêu của mình. Chàng mong muốn giữ lại tình yêu nồng nàn của thần Cupid, nhưng nó đã tàn lụi.
Tôi thích cách người đàn ông trẻ được thể hiện trong bức tranh này. Chàng thậm chí không nhìn vào người phụ nữ đang nằm bất động. Chàng dường như còn không mảy may nhận ra nàng; còn nàng thì lại đang nắm chặt lấy bàn tay của chính mình. Chàng lo lắng về người lái đò hơn. Chàng trai cố ngăn chặn tay của ông lái đò; trông như thể họ đang nắm tay nhau. Tay còn lại của chàng thì đang nắm lấy cánh tay của người lái đò.
Điều này khiến tôi cảm thấy thật thú vị vì niềm đam mê của anh là chăm chăm cảm nhận dòng cảm xúc sung sướng hơn là hạnh phúc thật sự của người phụ nữ mà anh ấy yêu.
Và đây là những gì mà cụm từ “tình yêu” đã ám chỉ. Ví dụ, hai người tham gia vào một mối tình say đắm và thường không quan tâm đến hạnh phúc của người kia, cho dù họ cố gắng thuyết phục bản thân rằng họ yêu người kia nhiều như thế nào đi nữa, nhưng đổi lại là họ quan tâm đến cảm xúc vui vẻ mà họ tin rằng đối phương đang cung cấp cho họ, một thứ cảm xúc mà nếu vắng mặt nó, đồng nghĩa với việc tình yêu kết thúc.
Nói cách khác, cái thường được gọi là “tình yêu” là một nhu cầu tự phục vụ bản thân để tiếp tục niềm đam mê đó; đó là việc sử dụng một người khác hoặc một đồ vật như một phương tiện, để thỏa mãn niềm vui thích của chúng ta.
Tôi cảm thấy điều tương tự đang xảy ra với chàng thanh niên ở đây. Chàng không quan tâm đến người mang lại cảm xúc, tình yêu nồng nàn và thú vị, mà chỉ là đang tận hưởng niềm vui bất tận của riêng mình.
Và chính vì lý do đó mà chàng trai đi van nài người chèo đò, nhân vật tượng trưng cho sự tận cùng của niềm đam mê. Không có gì khác biệt cho dù người lái đò là đại diện cho Thời gian hay Charon vì cả hai đều biểu thị hồi một kết, cái chết của Tình yêu.
Tình yêu nồng cháy, đong đầy xúc cảm và phù phiếm, không chịu đựng được thử thách của thời gian và sẽ phải tàn lụi. Đó chỉ đơn giản là bản chất của nó, một cảm xúc nên như vậy. Chúng ta không thể giữ lại trạng thái cảm xúc này một cách vô thời hạn, và khi chúng ta cố làm như vậy, sẽ tự gây ra cho chúng ta nỗi đau khổ giống như chàng trai kia.
Điều gì có ý nghĩa đối chúng ta ngày nay khi bỏ lại những nỗi phiền muộn của tình yêu nồng cháy và chiêm nghiệm về Tình yêu lý tưởng, có thể chịu đựng thử thách của thời gian, không héo hon khi đam mê tàn lụi? Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy một phát triển văn hóa, rộng lớn hơn trong những điều tương tự như thế này, những vấn đề tác động đến tất cả chúng ta vào một thời điểm nào đó?
Nghệ thuật có một sức mạnh đáng kinh ngạc là chỉ ra những gì không thể nhìn thấy, khiến chúng ta tự hỏi, “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và tất cả những người nhìn thấy nó? Nó đã ảnh hưởng như thế nào đến quá khứ, và có thể có tác động gì đến tương lai? Điều đó ngụ ý gì về sứ mệnh của con người?” Đây là một số vấn đề tôi khám phá trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim.”
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những hình ảnh và biểu tượng tâm linh mà ý nghĩa của chúng đã bị mất đi so với trí tưởng tượng đương thời của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim,” chúng tôi giải thích nghệ thuật thị giác theo những cách sâu sắc về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đang phải vật lộn tìm kiếm, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).