Huawei né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ bằng cách hợp tác với các đối tác Trung Quốc
Công ty viễn thông Trung Quốc Huawei đã chuyển sang lập quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc để né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vốn đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của mình.
Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới trong khoảng thời gian ngắn, Huawei đã đang ở trong tình trạng khó khăn kể từ khi Hoa Thịnh Đốn áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công ty này hơn hai năm trước. Chính phủ Tổng thống Trump cho biết công ty này đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia do có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mảng kinh doanh điện thoại thông minh của họ bị thiệt hại lớn nhất sau khi Tổng thống Donald Trump đương thời hồi năm 2020 cấm họ tiếp cận với công nghệ chủ đạo có nguồn gốc từ Hoa Kỳ — bao gồm cả các vi mạch bán dẫn máy điện toán quan trọng cần thiết để cung cấp năng lượng cho các thiết bị của họ. Công ty này hiện đã đóng cửa phần lớn thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, và hoạt động kinh doanh trong nước của họ cũng đang bị ảnh hưởng.
Hồi tháng Chín, ông Từ Trực Quân (Eric Xu), chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết doanh thu điện thoại thông minh của công ty có thể giảm tới 40 tỷ USD — tương đương khoảng 80% — trong năm nay, với các luồng tăng trưởng mới khó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt này trong tương lai gần.
Để ngăn chặn thiệt hại này, công ty đang đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác từ khai thác thông minh đến xe điện. Nhưng trong nỗ lực cứu vãn hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của mình, họ cũng đã tìm ra cách để né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cụ thể là bằng cách cấp phép thiết kế điện thoại của mình cho các bên thứ ba của Trung Quốc để qua đó có được quyền truy cập vào các vi mạch bán dẫn quan trọng của Hoa Kỳ.
Liên kết đối tác
Hồi đầu tháng Mười Một, Huawei đã công bố điện thoại thông minh 5G đầu tiên trên trang web chính thức của mình, một thiết bị mang nhãn hiệu TD Tech Ltd., một nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, có tên TD Tech N8 Pro. Chiếc điện thoại này thực chất là một bản sao của Huawei Nova 8 Pro, được ra mắt vào năm ngoái. Điểm khác biệt duy nhất là thiết bị TD Tech hỗ trợ 5G – điều mà rất ít điện thoại thông minh Huawei cung cấp do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Công bố này đã được lấy xuống khỏi trang web của Huawei trong vòng một tuần cũng như từ các câu chuyện trực tuyến của họ trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, trong đó có JD.com, Alibaba.com và Suning.com.
Theo một bài báo hôm 16/11 của NetEast, một cổng thông tin của Trung Quốc, một nhân viên ẩn danh của TD Tech xác nhận rằng công ty này mua cương liệu từ Huawei và đặt nhãn hiệu điện thoại dưới tên riêng của mình. Hiện hãng đang bán điện thoại thông minh cho khách hàng doanh nghiệp, nhưng sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng trên trang JD.com của họ vào cuối năm nay, nhân viên này cho biết thêm.
TD Tech cũng sẽ phát hành một điện thoại Huawei được đổi thương hiệu khác có tên TD Tech 5G M40, về căn bản là chiếc Mate 40E của Huawei, cũng như một bộ sản phẩm Huawei khác từ đồng hồ thông minh đến máy tính bảng, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
TD Tech có văn phòng tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô. Họ là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Công ty TNHH TD Tech Holding, một công ty đã đăng ký tại Hồng Kông. TD Tech Holding được Huawei và Nokia Siemens Networks thành lập hồi tháng 09/2003. Tính đến năm 2010, Huawei nắm giữ 49% cổ phần của công ty này, trong khi Nokia Siemens nắm giữ 51% còn lại, theo một bài đăng trên trang web của TD Tech vào thời điểm đó. Hiện không rõ liệu cấu trúc sở hữu này có thay đổi kể từ đó hay không.
Các liên kết của TD Tech với Huawei mở rộng đến bộ phận nhân sự.
Theo các bản tin hồi tháng Mười Một từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Hồng Kông, giám đốc của TD Tech Holding là ông Từ (Eric Xu), chủ tịch luân phiên của Huawei. Ông này cũng là một thành viên hội đồng quản trị của công ty, các bản tin cho biết.
Trong khi đó, tổng giám đốc và đại diện pháp lý của TD Tech là ông Đặng Biểu (Deng Biao), một quản lý cao cấp kỳ cựu của Huawei, theo Qichacha, cơ sở dữ liệu công ty Trung Quốc.
Lý lịch của ông Đặng được đăng trên trang web Huawei cho thấy ông gia nhập công ty hồi năm 1996. Kể từ đó, ông đứng đầu một loạt các bộ phận từ nhu liệu viễn thông và kinh doanh mạng cốt lõi đến kiểm soát chất lượng. Hiện không rõ liệu ông Deng có còn làm việc tại Huawei hay không.
Thương hiệu Honor
Hồi tháng 11/2020, Huawei đã bán mảng kinh doanh điện thoại thông minh giá rẻ Honor của mình cho một tập đoàn do một công ty quốc doanh ở Thâm Quyến điều hành, một biện pháp nhằm cách ly hoạt động kinh doanh này khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Không giống như Huawei, Honor có thể mua chip 5G cao cấp từ các nhà cung cấp bao gồm Qualcomm của Hoa Kỳ và MediaKit của Đài Loan.
Kể từ đó Honor đã leo lên vị trí thứ ba trong thị trường điện thoại thông minh nội địa của Trung Quốc, với 15% thị phần trong quý 3 năm nay, theo nghiên cứu đối tác. Vận may của Honor tương phản với vận may của Huawei. Huawei từng nắm giữ 46% thị trường thời kỳ đỉnh cao, giờ chỉ chiếm khoảng 8% trong [thị phần] quý thứ ba.
Huawei cho biết vào thời điểm bán Honor rằng họ sẽ không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào hoặc không tham gia vào việc quản lý hoặc ra quyết định của công ty mới, có tên là Công nghệ Thông tin Trí Tín Tân Thâm Quyến (Shenzhen Zhixinxin Information Technology). Nhưng hội đồng quản trị và ban quản lý cao cấp của công ty có nhiều cựu nhân viên Huawei.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Huawei đã điều các nhà quản lý từ các doanh nghiệp khác sang lãnh đạo công ty mới này.
Năm trong số sáu thành viên hội đồng quản trị của Trí Tín Tân là những nhân viên kỳ cựu của Huawei. Chủ tịch Vạn Biểu (Wan Biao), trước đây từng là thành viên hội đồng quản trị của Huawei và đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei ngay trước khi chuyển sang công ty mới. Ông Vạn có kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi cung ứng và đã tham gia cùng công ty để xây dựng lĩnh vực này, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Bốn thành viên hội đồng quản trị của Trí Tín Tân khác từ Huawei là ông Triệu Minh (Zhao Ming), cựu chủ tịch kinh doanh Honor của Huawei, ông Phương Phi (Fang Fei), một cựu phó chủ tịch dây chuyền sản xuất, ông Lý Sơn Lân (Li Shanlin), một cựu phó chủ tịch bộ phận nhân sự, và ông Bành Cầu Ân (Peng Qiu’en), một cựu giám đốc tài chính. Ông Triệu cũng là Giám đốc điều hành của công ty mới, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Ông Dương Kiện (Yang Jian), một cựu giám đốc kinh doanh bán lẻ của Huawei cho khu vực Trung Quốc, cũng đã đảm nhận vị trí giám đốc bán lẻ của Honor, theo truyền thông Trung Quốc.
Huawei cũng đã chuyển hơn 6,000 nhân viên từ mảng kinh doanh điện thoại thông minh sang Honor, truyền thông Trung Quốc cho hay.
Các nhà cung cấp dịch vụ di động
Huawei cũng đã hợp tác với một số nhà mạng di động Trung Quốc để tung ra điện thoại thông minh 5G, mang nhãn hiệu của nhà mạng này. Một số mẫu này chứa vi mạch bán dẫn 5G của Qualcomm và MediaKit, cả hai đều bị cấm cung cấp cho Huawei.
Hồi tháng Bảy, China Telecom đã ra mắt điện thoại thông minh 5G thuộc dòng Maimang, từng là sản phẩm hợp tác giữa China Telecom và Huawei. Nhưng China Telecom cho biết trên Weibo, một nền tảng giống Twitter của Trung Quốc, thương hiệu này chỉ do nhà mạng điều hành, mặc dù hãng không tiết lộ nhà sản xuất. Tuy vậy, trên các trang web bán điện thoại liệt kê Huawei là nhà cung cấp dịch vụ sau bán hàng.
Hồi tháng Sáu, China Mobile đã ra mắt một loạt điện thoại thông minh 5G với thương hiệu NZONE. Công ty cho biết các mẫu điện thoại này sử dụng vi mạch bán dẫn 5G của Mediatek và được thiết kế và sản xuất bởi Huawei vào thời điểm đó. Cũng trong tháng Sáu, China Unicom đã ra mắt điện thoại 5G dưới nhãn hiệu U-Magic, có những điểm tương đồng về thiết kế với dòng Enjoy của Huawei.
The Epoch Times đã liên lạc với Huawei, TD Tech, Honor, China Telecom và China Unicom để đưa ra bình luận.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: