Huawei: Chip điện thoại thông minh đang cạn dần do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ
Công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc đang cạn dần bộ xử lý được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, và cũng sẽ bị buộc phải dừng sản xuất những bộ xử lý cao cấp nhất của mình. Một giám đốc điều hành của công ty cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Huawei ngày càng bị thiệt hại trước sức ép của Hoa Kỳ.
Huawei là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng lớn nhất. Nó cũng là tâm điểm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và an ninh, sau đó lan sang ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu và dịch vụ nhắn tin WeChat có trụ sở tại Trung Quốc.
Hoa Thịnh Đốn đã cắt đứt sự tiếp cận của Huawei đối với các linh kiện và công nghệ của Hoa Kỳ, bao gồm âm nhạc và những dịch vụ điện thoại thông minh khác của Google vào năm ngoái. Những biện pháp trừng phạt này đã được thắt chặt hồi tháng 5, khi Tòa Bạch Ốc cấm các nhà cung cấp khắp thế giới sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để sản xuất linh kiện cho Huawei.
Richard Yu, chủ tịch bộ phận tiêu dùng của công ty cho biết, việc sản xuất bộ xử lý Kirin do chính các kỹ sư Huawei thiết kế sẽ dừng vào ngày 15/9 vì chúng được sản xuất bởi các nhà thầu cần tới công nghệ của Hoa Kỳ. Ông cho biết Huawei thiếu khả năng tự sản xuất các bộ xử lý.
Theo một video ghi lại các bình luận của ông Yu được đăng tải trên nhiều trang web, ông phát biểu trong buổi hội thảo công nghiệp China Info 100 diễn ra vào ngày 7/8 rằng, “Việc này là một tổn thất rất lớn đối với chúng tôi”.
“Thật không may, trong đợt cấm vận thứ 2 của Hoa Kỳ, những nhà sản xuất bộ xử lý chỉ chấp nhận đơn đặt hàng đến ngày 15/5. Việc sản xuất sẽ đóng vào ngày 15/9”, ông Yu nói. “Năm nay có thể là thế hệ bộ xử lý Kirin cao cấp cuối cùng của Huawei.”
Rộng hơn nữa, việc sản xuất điện thoại thông minh của Huawei là “không có bộ xử lý và không có nguồn cung cấp”, ông Yu nói.
Ông Yu cho biết doanh số bán điện thoại thông minh năm nay có thể sẽ thấp hơn mức 240 triệu thiết bị cầm tay của năm 2019, nhưng không nói thêm thông tin chi tiết. Công ty không phản hồi kịp thời các câu hỏi vào hôm 8/8.
Trước đó ngày 6/8, TT Donald Trump đã tuyên bố một lệnh cấm các giao dịch không được xác định với TikTok và chủ sở hữu Trung Quốc của WeChat, một dịch vụ tin nhắn nổi tiếng của Trung Quốc.
Huawei, được thành lập năm 1987 bởi một cựu kỹ sư quân sự, là một công ty đi đầu trong số những đối tác Trung Quốc đang nổi lên trong lĩnh vực viễn thông, xe điện, năng lượng tái tạo, và những lĩnh vực khác trong đó Trung Cộng hy vọng Trung Quốc có thể trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Huawei có 180,000 nhân viên và sở hữu một trong những quỹ nghiên cứu phát triển lớn nhất thế giới với hơn 15 tỷ USD một năm. Tuy nhiên, tương tự như hầu hết các nhãn hiệu công nghệ toàn cầu, công ty này dựa vào những đối tác để sản xuất các sản phẩm của nó.
Trước đó, Huawei tuyên bố kinh doanh toàn cầu của công ty này tăng 13.1% so với 1 năm trước lên 454 tỷ Nhân dân tệ (65 tỷ USD) trong nửa đầu của năm 2020. Ông Yu cho biết đó là do doanh số các sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh nhưng không cung cấp chi tiết.
Vào cuối tháng 6 năm nay, Huawei trở thành một hãng điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới trong ba tháng liên tiếp, lần đầu vượt qua hãng Samsung nổi tiếng do nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc, theo Canalys. Doanh số ở nước ngoài sụt giảm 27% so với 1 năm trước đó.
Hoa Thịnh Đốn cũng hỗ trợ Châu Âu và các nước đồng minh khác tẩy chay Huawei khỏi dự thảo mạng thế hệ kế tiếp (next-generation networks, NGN) như là một mối nguy về an ninh.
Một diễn biến khác trong những xung đột Hoa Kỳ-Trung Quốc gần đây là việc chủ sở hữu TikTok – công ty ByteDance – bị Tòa Bạch Ốc gây áp lực phải bán ứng dụng video này. Điều này xuất phát từ mối lo ngại về việc Tik Tok truy cập thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng Hoa Kỳ, dẫn đến một mối nguy hiểm về an ninh quốc gia.
Biên dịch: Chân Như