Houthi gây gián đoạn vận chuyển, làm tăng thêm sự bất ổn toàn cầu
Theo các chuyên gia, nhóm khủng bố Houthi có trụ sở tại Yemen đã làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển toàn cầu bằng cách tấn công các tàu dân sự ở Hồng Hải — trong bối cảnh Iran, Trung Quốc, và Nga phối hợp với nhau để tạo ra một thách thức mới cho phương Tây.
Đầu tháng này, Bắc Hàn đã bắn hàng trăm quả đạn pháo vào vùng biển gần các đảo của Nam Hàn, đe dọa tấn công Nam Hàn bằng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết.
Nga đang tiếp tục tấn công Ukraine, và Trung Quốc cũng đang đe dọa dùng vũ lực để chiếm Đài Loan.
Trong hai tuần đầu tiên của tháng Một, số lượng tàu chở hàng đi qua Kênh đào Suez trên mũi Hồng Hải đã giảm từ 400 chiếc xuống 150 chiếc so với cùng thời kỳ năm ngoái do các cuộc tấn công khủng bố của Houthi vào các tàu dân sự ở Hồng Hải. Các công ty vận tải đã tăng gấp bốn lần giá container đi từ châu Á đến châu Âu, một phần để trang trải chi phí đi thuyền vòng quanh châu Phi. Những tàu nào tiếp tục sử dụng tuyến đường Hồng Hải thì sẽ phải đối diện với phí bảo hiểm cao hơn đáng kể.
Hôm 25/01, JP Morgan Chase đã dự đoán rằng giá tiêu dùng hàng hóa toàn cầu sẽ tăng thêm 0.7% trong nửa đầu năm nay nếu tình trạng gián đoạn giao thông vận tải vẫn tiếp diễn.
Iran tài trợ cho khủng bố
Lực lượng Houthi từ lâu đã bị cáo buộc là do chính quyền Iran hậu thuẫn. Một phát ngôn viên của Houthi, ông Mohammed Abdulsalam, đã xác nhận rằng tổ chức khủng bố này có liên hệ với Iran và đã “được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Iran về huấn luyện, sản xuất, và năng lực quân sự.”
Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ở Hawaii, nói với The Epoch Times rằng Iran đã hậu thuẫn cho lực lượng Houthi tấn công các tàu đi qua Hồng Hải “nhằm gây áp lực lên cộng đồng quốc tế để buộc Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Gaza trước khi Hamas mất phần lớn khả năng lãnh đạo và quân sự của mình.”
Ông Shuster nói: “Tehran quyết tâm tiêu diệt Israel nhưng lại muốn hy sinh những người đại diện của mình hơn là mạo hiểm gánh chịu hậu quả từ việc Iran thực hiện hành động chiến tranh với Hoa Kỳ hoặc một trong những đồng minh của Hoa Kỳ, bao gồm cả Israel.”
Iran đã giúp nhóm khủng bố Hamas tấn công Israel, Thượng nghị sĩ tiểu bang Pennsylvania Doug Mastriano, một Đại tá quân đội Hoa Kỳ đã về hưu với 30 năm kinh nghiệm tình báo quân sự, nói với The Epoch Times hồi tháng 10/2023.
Vào ngày 07/10/2023, Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel. Trong lúc bắn hơn 3,000 hỏa tiễn vào Israel, Hamas cũng đưa 2,500 kẻ khủng bố và thường dân Gaza xâm chiếm Israel, tàn sát hơn 1,200 người Israel và bắt cóc hơn 240 người, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, và người già về Gaza. Những kẻ khủng bố cũng đã tấn công các căn cứ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở biên giới. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất nhắm vào Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và là ngày đẫm máu nhất đối với người Do Thái kể từ thảm họa diệt chủng Holocaust.
Ở Gaza, có hai phe chính là Hamas và phong trào Thánh Chiến Hồi Giáo. Ông Mastriano cho biết Hamas, một tổ chức khủng bố có mục tiêu hủy diệt Israel, là bên dẫn đầu. Thánh Chiến Hồi Giáo đã có một trận chiến với Hamas khoảng một thập niên trước, nhưng cả hai phe này đều được Iran tài trợ và hậu thuẫn và họ đã hợp tác cùng nhau trong các cuộc tấn công chống lại Israel.
“Iran đang tài trợ cho cả các nhóm Sunni và Shia, và các nhóm ở Gaza là người Sunni, vốn đối lập với họ về mặt thần học, nhưng họ có chung sự căm ghét đối với Israel,” ông nói. “Vì vậy, tôi nghĩ Hezbollah có nhiều khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn. Họ có khoảng 200,000 binh sĩ được huấn luyện bài bản, do người Iran huấn luyện, và cũng được Syria — được chế độ của ông Assad hậu thuẫn — và họ có thể gây ra vấn đề ở biên giới phía bắc với Iran.”
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times rằng Iran đang dàn dựng các hoạt động này ở Trung Đông trong bối cảnh nước này tìm cách tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực chống lại các đối thủ Saudi Arabia và Israel.
Ông nói: “Iran hành động phối hợp với Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Venezuela trong việc tạo ra sự hỗn loạn toàn cầu nhằm cố gắng làm suy yếu các cấu trúc quyền lực của Hoa Kỳ cùng các đồng minh ủng hộ dân chủ và nhân quyền.”
Nga: Mối đe dọa đối với châu Âu
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng Mười năm ngoái, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã gọi Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Iran là trục ma quỷ mới. Thời gian gần đây, bốn quốc gia này đang có nhiều hành động nhằm phá vỡ hiện trạng trên thế giới.
Tháng 02/2022, Nga đã phát động cuộc xâm lược Ukraine. Sau gần hai năm chiến tranh, nhân viên cao cấp của Tổng thống Joe Biden nói với các thành viên Quốc hội trong phiên họp kín ngày 17/01 rằng nếu Quốc hội Hoa Kỳ không cấp phép viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trong những ngày tới, thì Nga có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này trong vài tuần, hoặc nhiều nhất là vài tháng.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với các thành viên Quốc hội trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc rằng Ukraine sẽ cạn kiệt một số năng lực phòng không và pháo binh trong những tuần tới.
Sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã tăng cường đưa ra những phát ngôn hung hăng đối với một số nước láng giềng, bao gồm các thành viên NATO như các nước vùng Baltic và Ba Lan, cũng như Moldova, khiến các quan chức quốc phòng cao cấp của châu Âu cảnh báo rằng Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào NATO trong khoảng năm đến tám năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nghe thấy những lời đe dọa từ Điện Kremlin… vì vậy chúng tôi phải tính đến việc một ngày nào đó ông Vladimir Putin thậm chí có thể sẽ tấn công một quốc gia NATO.”
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin cũng cảnh báo rằng “chiến tranh có thể xảy đến với Thụy Điển.”
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Ba Lan đang chi hơn 4% GDP cho quốc phòng trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết hồi tháng Một: “Nga đang thách thức logic. Những gì xảy ra vào năm 2022 từng có vẻ là không thể. Chúng ta phải sẵn sàng cho mọi tình huống.”
Ông Schuster cho rằng các lãnh đạo Iran, Nga, và Trung Quốc đều nhận thấy sự chia rẽ trong nội bộ Hoa Kỳ và đang lợi dụng điều đó. “Việc chấm dứt thực thi các lệnh trừng phạt đối với Iran đã mang lại cho Tehran tiền để tăng cường hậu thuẫn cho những cỗ máy thay thế họ. Các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Trung Đông đang làm chệch hướng các nguồn lực của Hoa Kỳ và phương Tây khỏi châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng.”
Mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn
Trong khi Nga và Iran đang gây chiến ở châu Âu và Trung Đông thì Bắc Hàn cũng tỏ ra hung hăng, bắn hàng trăm quả đạn pháo vào vùng biển ngoài khơi các đảo của Nam Hàn hôm 05/01. Hôm 19/01, Bắc Hàn cho biết họ đã thử nghiệm một tàu ngầm không người lái có năng lực hạt nhân để giúp đẩy lùi Hải quân Hoa Kỳ.
Vào tháng Một năm nay (2024), truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin nước này đã từ bỏ chính sách “thống nhất trong hòa bình.” Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cho biết hồi tháng Mười Hai năm ngoái rằng đất nước ông không còn coi Nam Hàn là “đối tác trong hòa giải và thống nhất” mà là kẻ thù cần bị chinh phục bằng chiến tranh hạt nhân nếu cần thiết.
Ông Kim Jong-un cũng ra lệnh sửa đổi hiến pháp và tuyên truyền của chế độ Bắc Hàn để loại bỏ các tham chiếu đến “thống nhất hòa bình,” “đoàn kết dân tộc,” hoặc gọi người Nam Hàn là “đồng bào.” Cách nói khoa trương mới của người dân Bắc Hàn là Nam Hàn là một “quốc gia ngoại quốc” và “quốc gia thù địch nhất.”
Ông Kim Jong-un nói, “Nếu chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên, thì chúng tôi nêu rõ trong hiến pháp của mình rằng chúng tôi mong muốn chiếm đóng, chinh phục, và cải tạo hoàn toàn Nam Hàn cũng như sáp nhập Nam Hàn như một phần lãnh thổ của nước cộng hòa chúng tôi.”
Để ủng hộ chính sách mới của ông Kim Jong-un, cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Bắc Hàn đã giải tán tất cả các cơ quan chính phủ phụ trách tạo điều kiện trao đổi với Nam Hàn. Trong tuần qua, Bắc Hàn cũng đã đóng cửa các đài phát thanh và trang web tuyên truyền được cho là thúc đẩy sự thống nhất Triều Tiên.
Chuyển hướng nguồn lực của Hoa Kỳ
Ông Schuster nói, các hành động của ông Kim Jong-un, có thể là theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga, nhằm “vây Ngụy cứu Triệu,” một mưu kế cổ xưa của của Trung Quốc nhằm tấn công một kẻ thù mạnh ở điểm mà vị này yếu nhất để cung cấp sự trợ giúp cho một người khác.
Ông nói, “Điều này sẽ buộc Nam Hàn phải trì hoãn việc gửi hàng tiếp tế tới Ukraine và Ba Lan. Tương tự, bất kỳ nguồn cung cấp và nguồn lực nào mà Hoa Kỳ giữ lại để trợ giúp Nam Hàn đều phải trả giá bằng việc giao hàng cho Ukraine. Cuối cùng, do Hoa Kỳ không còn cơ sở công nghiệp quốc phòng để tăng nhanh sản xuất, vật tư, và nguyên liệu gửi đến Israel và Ukraine, nên vật tư và nguyên liệu gửi đến Israel và Ukraine phải được chuyển từ các cơ sở sản xuất và kho dự trữ cung cấp vũ khí cho Đài Loan, mục tiêu chiến lược chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Mối đe dọa về một cuộc tấn công bằng vũ lực của Trung Quốc vào Đài Loan cũng ngày càng gia tăng. Trong cuộc thị sát Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của Quân ủy Trung ương hôm 08/11/2022, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã yêu cầu quân đội “tập trung toàn lực vào việc chiến đấu và dồn hết sức lực vào cuộc chiến.”
Hồi cuối tháng 10/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết chính quyền Trung Quốc đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch xâm lược Đài Loan.
Đô đốc Michael Gilday, Giám đốc Tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ lúc bấy giờ, cũng cho biết hồi tháng 10/2022 tại một sự kiện ở Hội đồng Đại Tây Dương, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, rằng khả năng Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan trong thời gian tới là không thể loại trừ.
Ông Schuster cho rằng tình hình hiện nay rất giống với những năm 1930. “Vào thời điểm đó, Đức, Ý, Nhật Bản, và Liên Xô hành động độc lập nhưng đồng thời nhằm làm suy yếu hiện trạng đã bảo đảm sự lãnh đạo của Vương quốc Anh sau Đệ nhất Thế chiến. Vương quốc Anh và các đồng minh của họ đang phải chịu tổn hại trong nội bộ. Vương quốc Anh và các đồng minh đang phải chịu đựng sự chia rẽ chính trị nội bộ ngăn cản phản ứng thống nhất của liên minh. Vương quốc Anh đã chọn cách xoa dịu cho đến khi quá muộn. Kết quả là Đệ nhị Thế chiến.”
Theo ông Shuster, Hoa Kỳ hiện phải đối mặt với “một thách thức rất nghiêm trọng.”