Hồng Kông xem xét chặn Telegram, chuyên gia đặt nghi vấn về tính pháp lý
Chính quyền Hồng Kông cho biết họ sẽ xem xét việc cấm sử dụng nền tảng liên lạc của ngoại quốc nào làm lộ thông tin cá nhân. Theo một số hãng thông tấn ủng hộ cộng sản, Telegram, một nền tảng xã hội phổ biến trong Phong trào [phản đối] Dự luật Chống Dẫn độ Sửa đổi, có thể bị cấm. Một số chuyên gia dữ liệu chỉ ra rằng Nga đã tìm cách cấm Telegram, nhưng nhận thấy việc này không khả thi về mặt kỹ thuật. Họ cũng đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn chấp pháp khác nhau của chính quyền Hồng Kông. Trong khi nhắm mục tiêu vào Telegram, họ lại bỏ qua các trang web ủng hộ cộng sản vốn tiết lộ thông tin cá nhân của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông.
Tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp về các Vấn đề Hiến pháp hôm 16/05, bà Chung Lệ Linh (Chung Lai-linh), Ủy viên Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân cho biết, kể từ khi thực hiện “Pháp lệnh Quyền Riêng tư” (Dữ liệu Cá nhân) mới được sửa đổi cách đây sáu tháng, các hành vi liên quan đang diễn ra và bà sẽ xem xét thực hiện thêm hành động nhắm vào các nền tảng có dữ liệu “tiết lộ dữ liệu cá nhân” tràn lan, bao gồm cả việc viện dẫn Mục 66L của Pháp lệnh Quyền Riêng tư để hạn chế công chúng sử dụng các nền tảng hải ngoại liên quan.
Một số hãng thông tấn Hồng Kông thân Bắc Kinh dẫn các nguồn tin nói rằng Telegram, nền tảng mà các nhà chức trách đang lo ngại, được công dân Hồng Kông sử dụng phổ biến. Hầu hết dữ liệu tiết lộ thông tin cá nhân liên quan đến các phong trào chính trị hoặc xã hội. Những người có thông tin cá nhân bị tiết lộ bao gồm các quan chức, nhà lập pháp và cảnh sát. Nguồn tin cũng cho biết trong những tháng gần đây, Văn phòng của Ủy viên Quyền riêng tư về Dữ liệu Cá nhân Hồng Kông (PCPD) đã yêu cầu Telegram xóa thông tin “riêng tư” nhưng không nhận được phản hồi trực tiếp. PCPD có thể xem xét việc hạn chế công dân đăng tin nhắn trên Telegram hoặc thậm chí yêu cầu gỡ bỏ chương trình này khỏi kho ứng dụng.
Về các báo cáo liên quan, PCPD đã phản hồi giới truyền thông rằng họ sẽ không bình luận về các hành động thực thi [pháp luật] của các trường hợp riêng lẻ.
Phát ngôn viên của Telegram, ông Remi Vaughn trả lời giới truyền thông rằng ông rất ngạc nhiên trước thông tin này, đồng thời nhấn mạnh rằng Telegram luôn phản đối mạnh mẽ việc để lộ thông tin cá nhân và nghiêm cấm các nội dung riêng tư. Công ty này thường xuyên xóa nội dung riêng tư trên khắp thế giới.
Các chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng kỹ thuật
Ông Hoàng Hạo Hoa (Wong Ho Wa), người điều hành Nhóm Dữ liệu Mở của Hiệp hội Internet Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng chính quyền khó có thể chặn Telegram về mặt kỹ thuật. Ông cho biết, hồi năm 2018, Telegram đã bị cấm ở Nga theo lệnh của chính phủ sau khi họ từ chối cấp cho chính phủ Nga quyền truy cập vào các khóa mã hóa của họ. Chính phủ Nga đã chặn khoảng 1.8 triệu địa chỉ IP nhưng không thể chặn hoàn toàn Telegram, cuối cùng đến năm 2020, họ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm Telegram. Các trang web không liên quan khác thậm chí còn bị chặn do nhầm lẫn trong quá trình này. Hiện tại, phần mềm duy nhất có thể chặn Telegram dường như là “Great Firewall” của Trung Quốc.
Ông Hoàng lo lắng rằng nếu chính quyền Hồng Kông cấm Telegram, các công ty internet khác cũng sẽ lo ngại về sự bất ổn của các chính sách và môi trường kinh doanh của Hồng Kông, và dần dần chuyển hoạt động kinh doanh của họ sang các khu vực khác.
Chính quyền Hồng Kông trừng phạt nghiêm khắc những cá nhân tiết lộ thông tin cá nhân của sĩ quan cảnh sát
Ông Hoàng cũng đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn chấp pháp của chính quyền. Chính quyền đã không chặn trang web “Hong Kong Leaks (hkleaks)” và các trang web khác làm lộ thông tin cá nhân của những người tham gia Cuộc biểu tình Hồng Kông năm 2019. Tuy nhiên, người ta đồn đoán rằng Telegram, vốn lớn hơn và có trang web ở hải ngoại, sẽ bị chặn, điều này thật kỳ lạ. PCPD nên giải thích cho công chúng về mức độ ưu tiên và tiêu chí của việc chấp pháp, cũng như lý do tại sao Telegram lại bị chặn trước “Hong Kong Leaks”.
Trong phong trào chống dẫn độ, ĐCSTQ đã chỉ thị cho chính quyền Hồng Kông đàn áp dữ dội những người biểu tình. Một số cư dân mạng tỏ ra bất bình với cảnh sát và phe thân Cộng sản vì hành động của họ và để lộ thông tin cá nhân của họ trên các trang mạng xã hội. Hồi tháng 10/2019, Tối cao Pháp viện đã ban hành lệnh tạm thời trong đó cấm tiết lộ thông tin cá nhân của các sĩ quan cảnh sát. Năm 2020, bà Trịnh Lệ Quỳnh (Cheng Lai-king), cựu chủ tịch Hội đồng Khu Trung Tây, bị bắt giữ vì tái bản thông tin về viên cảnh sát bị cáo buộc đã bắn vào mắt phải một nữ phóng viên khiến người này bị mù vĩnh viễn.
Chính quyền Hồng Kông cũng đã thực hiện “Pháp lệnh Quyền Riêng tư” mới được sửa đổi hồi tháng 10 năm ngoái (2021), trong đó quy định rằng “tiết lộ quyền riêng tư” là một hành vi phạm tội. Những người bị kết án trong quá trình truy tố có thể bị phạt 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 150,000 USD) và bị phạt tù năm năm. Hôm 11/05, cảnh sát và Văn phòng Ủy ban Quyền riêng tư đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi vì bị cáo buộc tiết lộ thông tin của nhiều cảnh sát và thành viên của Hội đồng Lập pháp trên các nền tảng xã hội.
Trong khi đó, phe ủng hộ cộng sản đã công bố rộng rãi thông tin cá nhân của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông trên mạng. Ví dụ, trang web “Hong Kong Leaks” đã thu thập dữ liệu về một số lượng lớn các cựu dân biểu ủng hộ dân chủ, các phóng viên ủng hộ dân chủ của Apple Daily, cũng như [thông tin] của những người biểu tình chống dẫn độ, bao gồm ngày sinh, ảnh, địa chỉ, số điện thoại, và hơn thế nữa. Trang web này tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi nhà chức trách coi “tiết lộ quyền riêng tư” là hành vi phạm tội và trang chủ của website này cho biết: “Trang web này sẽ không bao giờ sập.”
Chính quyền Hồng Kông tăng cường nỗ lực ngăn chặn Telegram
Telegram, đóng vai trò quan trọng trong phong trào chống dẫn độ, là mục tiêu chính của chính quyền Hồng Kông. Năm 2019, Telegram nhanh chóng trở nên phổ biến vì nền tảng này là một phương thức quan trọng để trao đổi thông tin tại hiện trường trong cuộc biểu tình. Ông Lý Lập Phong (Li Lifeng), Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, từng viết rằng Telegram, cùng với diễn đàn trực tuyến Liên Đăng (Lian Deng), đóng vai trò là một “nền tảng trung tâm” trong phong trào xã hội này.
Sau phong trào chống dẫn độ, chính quyền Hồng Kông bắt đầu trừng phạt các nhà hoạt động sử dụng Telegram và Diễn đàn Liên Đăng. Hôm 20/05, Ngũ Văn Hạo (Ng Man-ho), một thanh niên 26 tuổi bị cáo buộc là quản trị viên của kênh Telegram “SUCK Channel”, đã bị kết án sáu năm rưỡi tù giam vì tội “âm mưu xúi giục nổi loạn”.
Ông Viên Cung Di (Elmer Yuen Gong-yi), một nhà công nghiệp sống tại Hồng Kông, cho biết trên chương trình Chân ngôn (True Words), ông cho rằng tất cả các phần mềm truyền thông của ngoại quốc như Telegram, Signal, và WhatsApp sẽ bị cấm trong tương lai và tường lửa phong tỏa mạng internet “Great Firewall” của Trung Quốc đại lục chắc chắn sẽ đến Hồng Kông. Có thể thấy từ chính sách phong tỏa ở Thượng Hải, ĐCSTQ không chiếu cố cho cảm xúc của các doanh nhân hải ngoại.
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bà tác nghiệp từ năm 2003.