Hồng Kông thừa nhận ứng dụng An Tâm Xuất Hành có tính năng nhận dạng khuôn mặt
Chính quyền Hồng Kông cho biết họ chưa từng kích hoạt tính năng nhận dạng khuôn mặt trong ứng dụng truy vết tiếp xúc của thành phố mặc dù bị phát hiện
Chính quyền Hồng Kông gần đây đã thừa nhận rằng ứng dụng di động truy vết tiếp An Tâm Xuất Hành (LeaveHomeSafe) của họ có tính năng nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, các nhà chức trách tuyên bố rằng họ không biết về tính năng này trước đây và cũng chưa từng sử dụng tính năng này.
Người dân Hồng Kông đã có những lo lắng kể từ khi ứng dụng An Tâm Xuất Hành ra mắt. Nhiều người bày tỏ lo sợ về việc ứng dụng này trở thành công cụ của chính quyền nhằm thực hiện kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn hoặc xâm phạm quyền riêng tư của mọi người.
Anh Hoàng Hạo Hoa (Wong Ho-wa), một nhà khoa học dữ liệu kiêm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông, cho biết chính quyền nên cung cấp mã nguồn của ứng dụng này cho công chúng để xoa dịu nỗi lo của người dân.
Ông Lương Diệu Tông (Antony Leung), một chuyên gia truyền thông kỳ cựu ở Hồng Kông, cho biết ứng dụng truy vết tiếp xúc do chính quyền thành phố thúc đẩy được áp dụng ở địa khu này rất giống với “hệ thống tín dụng xã hội” của Trung Quốc đại lục, một hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt để thực hiện giám sát hàng loạt và đưa ra điểm số về hành vi của công dân.
Ứng dụng An Tâm Xuất Hành này được thiết kế chủ yếu để theo dõi hành tung của người dùng giữa đại dịch, cùng với các tính năng khác. Chính quyền Hồng Kông tuyên bố rằng ứng dụng này chỉ được sử dụng để phòng chống dịch COVID-19. Họ yêu cầu tất cả công dân bình thường lẫn công chức phải tải ứng dụng này về thiết bị của mình để có thể ra vào một số tòa nhà chính phủ, bệnh viện công, và siêu thị, bắt đầu từ ngày 01/11/2021.
Tuy nhiên, lệnh bắt buộc dùng ứng dụng này đã được mở rộng cho các nhà hàng và rạp chiếu phim vào ngày 09/12/2021, yêu cầu người dùng cho xem mã QR khi vào hầu hết các địa điểm công cộng.
Mã nguồn
FactWire, một hãng thông tấn điều tra bất vụ lợi có trụ sở tại Hồng Kông, đã tìm thấy một module nhận diện khuôn mặt tích hợp trong ứng dụng An Tâm Xuất Hành sau khi giám định mã nguồn trong bản phát hành Android mới nhất của ứng dụng này, phiên bản 3.2.0, cùng với sáu phiên bản trước đó, tờ Hong Kong Free Press (HKFP) đưa tin hôm 05/05.
Tệp mã nguồn được chuyển đổi này bao gồm khoảng 20 thư mục. Theo báo cáo, một trong số đó được định danh là org, chứa một thư mục con có tên là reactnative, trong đó lại chứa ba thư mục có tên là faceetector, camera, và maskedview.
Một trong các file java này, ban đầu được gọi là “FaceDetectorUtils.java” nhưng được đổi tên thành “a.java” trong ứng dụng An Tâm Xuất Hành, có thể được sử dụng để phát hiện vị trí của miệng, mũi, má trái và phải, mắt, tai, và dái tai của một người. Tính năng này cũng có thể phát hiện mức độ nghiêng đầu và tính xác suất ai đó đang cười hoặc mở cả hai mắt.
Bài báo này cho biết, “Module nhận dạng khuôn mặt này có thể được tìm thấy trong tất cả các phiên bản của ứng dụng An Tâm Xuất Hành mà FactWire đã kiểm tra, cho thấy rằng tính năng này đã tồn tại kể từ khi ứng dụng ra mắt lần đầu tiên hồi năm 2020. Tuy nhiên, tính năng này không được đề cập trên trang web chính thức của ứng dụng cũng như trong phần mô tả trên cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động.”
Phản ứng của chính quyền Hồng Kông
Hồi đáp báo cáo của FactWire, một quan chức về công nghệ thông tin của Hồng Kông cho biết cơ quan này trước đó không hề hay biết về tính năng này, cũng như chưa từng kích hoạt tính năng nhận dạng khuôn mặt hay thu thập dữ liệu liên quan. Vị quan chức này nói thêm rằng họ đã yêu cầu nhà phát triển ứng dụng này xem xét việc xóa mã nguồn nhận dạng khuôn mặt mà không ảnh hưởng đến “hoạt động bình thường” của ứng dụng này.
Tuy nhiên, anh Hoàng, nhà khoa học dữ liệu có trụ sở tại Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng không thể biết liệu chức năng nhận dạng khuôn mặt có được sử dụng chỉ dựa trên mã nguồn hay không. Và rằng mã nguồn được FactWire tách riêng ra để kiểm tra chỉ là một phần trong ứng dụng hoàn chỉnh.
Anh Hoàng tin rằng chính quyền Hồng Kông nên tiết lộ tất cả mã nguồn liên quan từ ứng dụng truy vết tiếp xúc này để các bên thứ ba có thể thực hiện một phân tích minh bạch nhằm cải thiện hệ số an toàn của ứng dụng và, quan trọng nhất là, làm khuây khỏa những hồ nghi của công chúng.
Ông Justin Zhang đã phân tích và viết các bài báo về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Có thể liên hệ với ông tại [email protected]
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: