Hồng Kông: Quy định COVID-19 gây áp lực tinh thần cho phi công hãng Cathay Pacific
Một trong những hãng hàng không lớn nhất Á Châu, Cathay Pacific, đang phải đối mặt với sự phản đối từ các phi công, những người cho rằng các quy định cách ly khắc nghiệt của Hồng Kông theo chính sách không COVID của họ đang gây nguy hiểm đến sức khỏe tinh thần của đội ngũ phi công, dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và nghỉ việc.
Tuần trước, Hàng không Cathay Pacific đã sa thải ba phi công vi phạm các quy tắc cách ly của hãng này vì đã rời khỏi phòng khách sạn trong thời gian tạm trú của họ ở thành phố Frankfurt và sau đó họ được xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.
Chính quyền Hồng Kông đã phản ứng bằng cách buộc hơn 270 người, bao gồm cả trẻ em đang đi học có tiếp xúc với gia đình của họ, vào các phòng nhỏ tại một trại cách ly tập trung của thành phố này.
Một số phi công tuyên bố rằng họ không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ bay đầu tiên sau khi họ được thả ra từ [trại cách ly tập trung].
Ví dụ điển hình về các biện pháp phòng ngừa đại dịch theo chính sách không COVID của Trung Quốc này nêu bật những điều kiện làm việc khó khăn mà các phi công của hãng Cathay đang phải đối mặt, tất cả đều được chích ngừa đầy đủ, ngay khi các quốc gia Á Châu khác dần mở cửa trở lại.
Một trong những đối thủ cạnh tranh của hãng Cathay là hãng Hàng không Qantas Úc đã bắt đầu áp dụng các chính sách sa thải nghiêm ngặt, thế nhưng chính phủ Hồng Kông lại đang thắt chặt hơn nữa các quy định phù hợp với Trung Quốc đại lục, với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh cho phép du lịch xuyên biên giới.
Các quy định chặt chẽ hơn này được đưa ra trong bối cảnh gia tăng những lo ngại về một biến thể mới được xác định đang lan rộng ở Nam Phi. Biến thể này cũng đã được tìm thấy ở Hồng Kông và Botswana, đồng thời khiến một số quốc gia công bố các biện pháp kiểm soát và xét nghiệm trên quy mô rộng hơn và nghiêm ngặt hơn.
“Tôi không nghĩ mình có thể duy trì tình trạng này,” một phi công ẩn danh của hãng Cathay nói với Reuters. “Sự căng thẳng về khả năng bị cách ly với gia đình và bằng hữu của tôi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng.”
Một số phi công hiện thời và mới nghỉ việc gần đây của hãng Cathay nói với hãng thông tấn Reuters rằng họ đang suy sụp tinh thần và các đơn xin nghỉ việc đang ngày càng tăng lên trong vòng một năm sau khi nhiều người bị cắt giảm lương cố định tới 58%.
Căng thẳng tột độ là một vấn đề quan trọng trong một nền công nghiệp nơi mà bất kỳ dấu hiệu nào của các vấn đề về tâm lý đều có thể khiến họ khó kiếm được một công việc khác.
“Rủi ro sẽ là gì nếu tôi nói với họ rằng tôi có chút căng thẳng?” một phi công, người đã trải qua hơn 200 ngày bị nhốt trong phòng khách sạn ở cách xa Hồng Kông kể từ khi đại dịch này bắt đầu, đặt vấn đề. “Điều đó có làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi hay không? Thế rồi quý vị không làm ở đây nữa và họ sẽ hỏi rằng quý vị đã bao giờ bỏ việc vì các lý do về mặt tâm lý chưa?”
Các phi công này cũng bày tỏ sự thất vọng về sự mơ hồ của một số quy tắc liên quan đến đại dịch do chính phủ áp đặt. Chẳng hạn, các phi công đều được yêu cầu tránh “tiếp xúc xã hội không cần thiết” trong vòng ba tuần sau khi trở về Hồng Kông, nhưng họ không được nghỉ bù.
Hãng Cathay đã thừa nhận với Reuters trong một tuyên bố rằng các trường hợp từ chức của phi công đã tăng cao hơn mức bình thường kể từ hồi cuối tháng Mười.
Hãng hàng không này cho biết, “Thật đáng tiếc, sự cố ở thành phố Frankfurt đã ảnh hưởng đến tâm lý hiện tại.”
Bảng phân công khắc nghiệt
Hồng Kông xếp nhiều điểm đến bao gồm Hoa Kỳ và Anh Quốc là nơi “có nguy cơ cao”, có nghĩa là các phi công của hãng Cathay chuyên chở hành khách đến từ những nơi đó phải bị cách ly hai tuần tại khách sạn.
Để sắp xếp nhân sự cho các chuyến bay đó, hãng Cathay đã bắt đầu thực hiện bảng phân công “theo chế độ vòng lặp khép kín” trên cơ sở tự nguyện hồi tháng Hai, bao gồm 5 tuần liên tiếp bị nhốt trong các phòng khách sạn, không được tiếp cận với không khí trong lành hoặc phòng tập thể dục, và sau đó là hai tuần nghỉ ở nhà.
“Tôi làm công việc đó để kiếm thêm chút tiền, vì việc cắt giảm 50% lương (năm ngoái) khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều,” một phi công mới khởi hành gần đây, người đã thực hiện hai lần chế độ vòng lặp khép kín cho biết. “Có những người hiện đang ở trong chế độ vòng lặp khép kín tới lần thứ 5 hoặc lần thứ 6.”
Hôm thứ Năm (25/11), hãng Cathay cho biết, một số chuyến bay đến trong mùa nhu cầu cao điểm của tháng Mười Hai sẽ bị hủy bỏ, cho thấy tình trạng thiếu các tình nguyện viên [tham gia chế độ vòng lặp khép kín].
Hãng hàng không này còn nói rằng họ đã nhận ra sự căng thẳng trong các phi công của mình và đã có những cuộc họp qua điện thoại cách hai tuần một lần để chia sẻ những nỗi lo lắng và các chương trình như một mạng lưới hỗ trợ phi công dựa trên mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, đồng thời cho phi công hưởng các kỳ nghỉ phép kéo dài.
Rời khỏi Hồng Kông
Những phi công đã nói chuyện với hãng thông tấn Reuters cho biết, vì các điều kiện được cải thiện ở những nơi khác trên thế giới, nên các hãng hàng không khác bao gồm Emirates và hãng vận chuyển hàng hóa Atlas Air Worldwide Holdings của Hoa Kỳ đều đang săn đón các phi công của hãng Cathay.
Emirates, hãng hàng không từng khởi xướng một đợt tuyển dụng 600 phi công, đã từ chối bình luận. Đồng thời, hãng Atlas cũng đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Các phi công mà Reuters đã phỏng vấn nói rằng họ dự đoán sẽ có nhiều đơn từ chức hơn trong năm tới khi các phúc lợi tạm thời về chỗ ở và huấn luyện hết hạn.
Hãng Cathay cho biết họ sẽ tuyển dụng “vài trăm” phi công mới và khởi động lại chương trình thực tập sinh trong năm tới.
Các quy định nghiêm ngặt của Hồng Kông đã khiến Tập đoàn FedEx phải đóng cửa cơ sở thí điểm ở thành phố này hồi tuần trước, đồng thời nhấn mạnh sức hấp dẫn của đặc khu tự trị này như một trung tâm logistics trọng yếu đang suy giảm.
“Tôi thực sự rất cảm thông với những người đang làm việc tại hãng Cathay,” một phi công của hãng FedEx vừa rời khỏi Hồng Kông cho biết. “Tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe tinh thần và tình trạng của họ.”
Bản tin có sự đóng góp của Jamie Freed
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: