Hồng Kông: Ngân hàng Trung Quốc mở rộng hoạt động, nhưng ngân hàng nước ngoài thoái lui
Luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào tháng trước đã mang đến lợi ích cho các ngân hàng đầu tư Trung Quốc đang tìm cách gia tăng thị phần tại lãnh thổ này.
Theo truyền thống, Hồng Kông là nơi để các công ty Trung Quốc đại lục huy động vốn vay và vốn cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài. Và trong bối cảnh này, các ngân hàng của Phố Wall, chứ không phải các ngân hàng Trung Quốc, đã thống trị thị trường Hồng Kông trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia, vốn bắt đầu hạn chế quyền tự do ngôn luận, đã thúc đẩy xu hướng thoái lui của các ngân hàng nước ngoài.
Một số ngân hàng, chẳng hạn như HSBC có trụ sở tại London, đang tích cực ủng hộ luật an ninh quốc gia. Phản ứng của những ngân hàng khác thì kín tiếng hơn. Giám đốc điều hành Citigroup, ông Michael Corbat, nói với các nhà phân tích trong cuộc họp công bố thông tin thu nhập quý 2/2020 của ngân hàng này rằng, Citi sẽ “tuân thủ luật pháp địa phương” và ngân hàng này “đã khá quen với việc hoạt động trong các môi trường phức tạp hoặc bị dồn ép”.
Luật an ninh chỉ là thách thức mới nhất đối với các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Hồng Kông, tiếp sau sự mất lòng tin ngày càng tăng của các công ty nước ngoài, sự bùng phát virus Trung Cộng ở ngay Trung Quốc đại lục sát vách, rồi các cuộc biểu tình và trấn áp bạo lực liên tục của cảnh sát đã trở thành điển hình của thành phố trong suốt năm qua.
Một nghiên cứu của Financial Times trong tháng này cho thấy rằng các chuyên gia tài chính làm việc cho các ngân hàng và công ty môi giới của Trung Quốc đại lục đã lên tới hơn 2,100 người, chỉ kém chút ít so với con số khoảng 2,500 người đang làm việc cho các ngân hàng Phố Wall như Citigroup, Morgan Stanley và J.P. Morgan Chase.
Xu hướng này khá rõ ràng khi nhìn lại 7 năm qua, số lượng nhân viên tại các ngân hàng nước ngoài đã giảm khoảng 300 người, trong khi số lượng nhân viên tại các ngân hàng Trung Quốc tăng hơn 1,100 người. Những con số đó bao gồm các nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới và các chuyên gia tài chính khác được cấp phép bởi Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hồng Kông.
Ví dụ, ông Werner Steinmueller, lãnh đạo lâu năm của Deutsche Bank khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ở tại Hồng Kông, đã nghỉ hưu vào tháng 7. Người thay thế ông là ông Alexander von zur Muehlen, sẽ lãnh đạo các hoạt động tại châu Á của ngân hàng, nhưng không phải ở Hồng Kông, mà là từ Singapore.
Gần đây, một nhân viên ngân hàng ẩn danh ở Hồng Kông đã nói với The Epoch Times rằng một số lãnh đạo cao cấp tại các ngân hàng Phố Wall đã rời Hồng Kông hoặc tuyên bố nghỉ hưu vài tháng trước. Đây là một tâm lý được các nhà tuyển dụng nhân sự chứng thực.
Ông John Mullally, trưởng bộ phận tuyển dụng tài chính tại Robert Walters Hồng Kông, nói với tờ Financial Times trong tháng này rằng, “Các cuộc biểu tình, luật an ninh quốc gia, đại dịch, chiến tranh thương mại, tất cả đều đang đẩy nhanh hiện tượng này”.
Dường như các nhà đầu tư cũng đã để ý đến. Cổ phiếu của Citic Securities Co., ngân hàng đầu tư lớn nhất của Trung Quốc, đã tăng 31% kể từ ngày 30/6, ngày Bắc Kinh thông báo rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông được ban hành. Trước đó, cổ phiếu của Citic đã giảm 5% từ ngày 1/1 đến ngày 30/6.
Đe dọa hủy niêm yết từ Hoa Kỳ thúc đẩy hoạt động ở Hồng Kông
Sở Giao dịch và Thanh toán Chứng khoán Hồng Kông (HKEX), công ty điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, tin rằng căng thẳng kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc đang diễn ra sẽ hỗ trợ triển vọng của mình. Việc chính phủ TT Trump xem xét hủy niêm yết các công ty Trung Quốc giao dịch tại Hoa Kỳ có thể buộc các công ty như thế sang hướng niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông như một biện pháp phòng vệ.
59 công ty đã phát hành cổ phiếu mới ở Hồng Kông trong nửa đầu năm 2020, thu về 11 tỷ USD, khiến Hồng Kông trở thành thị trường lớn thứ ba trên thế giới tính theo tổng số tiền thu được, sau Nasdaq và Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, theo dữ liệu từ hãng dịch vụ tài chính EY.
Trong quý 2/2020, các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là JD.com và NetEase, có cổ phiếu chủ yếu được niêm yết ở New York, đã huy động được tổng cộng hơn 6 tỷ USD ở Hồng Kông thông qua niêm yết thứ cấp.
JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc, đã huy động được khoảng 3,9 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu vào tháng 6, đây là đợt tăng vốn cổ phần lớn nhất ở Hồng Kông cho đến nay trong năm 2020. NetEase, một nhà phát hành trò chơi di động lớn, đã bán khoảng 2,7 tỷ USD cổ phiếu, cũng trong tháng 6 vừa qua.
Cả JD.com và NetEase đều được niêm yết lần đầu ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty này phải đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết khi chính phủ TT Trump và Thượng viện Hoa Kỳ đang ép các công ty Trung Quốc, những công ty có chứng chỉ giao dịch được lưu ký tại Hoa kỳ (ADR) đang được miễn khỏi một số các quy định pháp luật và tuân thủ của Hoa Kỳ, phải tăng tính minh bạch của họ. Reuters đã đưa tin vào đầu năm nay rằng Baidu, được niêm yết trên sàn Nasdaq, cũng đang có kế hoạch niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ yếu xem thường việc tăng cường giám sát ở nước ngoài đối với hoạt động niêm yết tại Hồng Kông. Giám đốc điều hành của NetEase, ông William Ding, đã viết trong một lá thư cho các cổ đông rằng “quay trở lại thị trường gần gũi hơn với cội nguồn của chúng ta” là một phần lý do để đến Hồng Kông.
Tuy nhiên, làn sóng niêm yết thứ cấp hiện tại có thể chỉ mang lại lợi ích tạm thời cho HKEX và các ngân hàng Trung Quốc, những bên đang được hưởng phí chào bán ra công chúng. Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông là ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với thành phố.
Việc hàng loạt các công ty Trung Quốc đại lục “về nước” để bán cổ phiếu của họ ở Hồng Kông cũng không làm giảm bớt những nỗi lo sợ như vậy.
Tác giả: Fanyu