Hồng Kông mở phiên tòa đầu tiên không bồi thẩm đoàn theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt
Hôm qua (23/6), chính quyền Hồng Kông đã mở phiên tòa đầu tiên không có bồi thẩm đoàn theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.
Tại phiên tòa, người bị đưa ra xét xử là Đường Anh Kiệt (Tong Ying-kit, 24 tuổi), là người đầu tiên bị truy tố với tội danh ‘xúi giục ly khai và khủng bố’ theo luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Trước đó, ngày 1/7/2020, Đường Anh Kiệt bị bắt trong một cuộc biểu tình, sau chưa đầy 24 giờ khi luật an ninh quốc gia ở Hong Kong có hiệu lực ngày 30/6/2020.
Đường Anh Kiệt bị cáo buộc cố tình tông môtô vào 3 cảnh sát, đồng thời mang theo biểu ngữ “Giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta”.
Tại phiên tòa ngày hôm qua (23/6/2021), bị cáo 24 tuổi này không nhận cả 3 tội xúi giục ly khai, khủng bố và lái xe nguy hiểm.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, Đường Anh Kiệt có thể chịu án tù chung thân. Tờ South China Morning Post cho biết, phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 3 tuần.
Theo tường trình của thông tín viên Florence de Changy từ Hồng Kông, Đường Anh Kiệt bị tạm giam từ một năm qua, mặc dù các luật sư đã có được lệnh Habeas corpus (lệnh bảo hộ nhân thân).
“Đường Anh Kiệt bị đưa ra xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, theo quyết định của bộ Tư Pháp và kháng cáo của các luật sư bị bác. Nhưng một phiên tòa sơ thẩm không bồi thẩm đoàn bị coi là đi ngược lại với thủ tục tố tụng Hồng Kông”, tường trình của thông tín viên Florence de Changy.
Theo Hãng tin AFP, trong suốt lịch sử 176 năm qua tại Hồng Kông, sự hiện diện của bồi thẩm đoàn là bắt buộc tại các phiên tòa như trên. Ngay trên trang web, Tư Pháp Hồng Kông cũng coi yêu cầu này là ‘một trong những phương diện quan trọng nhất’ của hệ thống tư pháp đặc khu. Tuy nhiên, luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt, quy định một số hồ sơ có thể xét xử bởi 3 thẩm phán được lựa chọn đặc biệt.
Bà Teresa Cheng, người đứng đầu cơ quan tư pháp Hồng Kông tranh luận rằng, trong vụ xét xử Đường Anh Kiệt, một phiên tòa có bồi thẩm đoàn sẽ “đặt ra rủi ro cho sự an toàn của các bồi thẩm viên”.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2021, cảnh sát Hồng Kông ra đã cáo buộc tội danh “lật đổ” đối với 47 nhà hoạt động trong đợt áp dụng luật an ninh mới gây tranh cãi ở vùng lãnh thổ này.
47 người bị cáo buộc trên (gồm 39 đàn ông và 8 phụ nữ trong độ tuổi từ 23 tới 64) được yêu cầu phải trình diện tại các đồn cảnh sát để bị tạm giữ trước khi ra Tòa Tây Kowloon vào hôm thứ Hai.
Những người trên là các nhà hoạt động đòi dân chủ, từng tham gia hỗ trợ kỳ bỏ phiếu ‘sơ bộ’ không chính thức hồi tháng 6/2020, nhằm chọn các ứng viên đối lập tranh cử Hội đồng Lập pháp 2020. Kỳ bỏ phiếu sau đó đã bị hoãn.
Theo BBC News Tiếng Việt, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, theo đó hình sự hóa các hành động “lật đổ” từ hồi năm ngoái và nói rằng ‘đây là điều cần thiết để đem lại sự bình ổn cho đặc khu Hồng Kông’.
Những người chỉ trích cho rằng, luật này nhằm dập tắt tiếng nói của những người bất đồng và tước đi quyền tự trị của Hồng Kông.
Hoa Nam tổng hợp
Xem thêm