Hồng Kông: Không có buổi thắp nến tưởng niệm vào ngày 04/06 tại Công viên Victoria
Tổ chức Ân xá Quốc tế tái hiện các buổi cầu nguyện toàn cầu để tưởng nhớ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 33 năm ngày xảy ra vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06. Hôm 04/06 vừa qua là lần đầu tiên không có buổi thắp nến tưởng niệm ở Công viên Victoria của Hồng Kông.
Đến 11 giờ đêm vào tối ngày 03/06, chính quyền đã đóng cửa bãi cỏ trung tâm, sân bóng đá, sân bóng rổ, và nhiều lối vào Công viên Victoria. Người ta tin rằng địa điểm này có thể được sử dụng cho cái gọi là các hoạt động bất hợp pháp. Một số lượng lớn các cảnh sát mặc áo lót chống đâm và bảo vệ cổ đã được điều động ở khu vực lân cận Công viên Victoria và Vịnh Đồng La từ trưa trở đi để ngăn chặn và rà soát người dân.
Trước khi Trung Quốc đàn áp quyền tự do của Hồng Kông vào năm 2019, thành phố này là nơi duy nhất mà người Trung Quốc có thể công khai tưởng nhớ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã qua đời vào ngày 04/06. Vì lý do này, người dân Hồng Kông luôn cảm thấy họ có trách nhiệm phải lên tiếng, thay mặt cho những người đã hy sinh mạng sống của mình vì tự do. Nhưng trong hai năm qua, chính quyền Hồng Kông đã từ chối đơn xin tổ chức cuộc biểu tình truyền thống này ở Công viên Victoria, cho rằng một đám đông sẽ làm leo thang sự lan rộng của COVID-19.
Theo truyền thống, hàng ngàn người Hồng Kông sẽ tập trung tại Công viên Victoria vào ngày 04/06 để thắp nến tưởng nhớ những người đã thiệt mạng ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng năm nay, Sở Văn hóa và Giải trí Hồng Kông (LCSD) đã đình chỉ đơn đăng ký tổ chức lễ tưởng niệm ngày 04/06 với lý do đại dịch, bất chấp việc các ca dương tính với virus đã giảm đi như thế nào.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết chắc chắn LCSD đã thay mặt chính quyền Hồng Kông để ngăn chặn mong muốn tưởng niệm ngày 04/06 của người dân. Nhưng mặc dù sự kiện này đã bị chặn tái diễn trong năm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết người dân từ 20 thành phố trên khắp thế giới sẽ tiếp tục hành động thể hiện sự đồng lòng với người dân Hồng Kông bằng cách tổ chức những buổi thắp nến tưởng niệm của chính họ. Một vài trong số các thành phố đó bao gồm San Francisco, Hoa Thịnh Đốn, Seoul, Đài Bắc, Ulaanbaatar, Sydney, Oslo, Paris, Amsterdam, và London.
Bà Hana Young, Phó Giám đốc Khu vực Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên những tội ác diễn ra vào ngày 04/06/1989.”
Năm nay, khi đồng hồ điểm sang ngày 04/06, người dân Hồng Kông hy vọng họ sẽ được phép thuê Công viên Victoria để làm lễ tưởng niệm thường niên này. Tuy nhiên, hy vọng của họ đã phần nào tan thành mây khói khi hãng thông tấn Minh Báo (Ming Pao) đưa tin cho biết một nhân viên LCSD đặc trách việc thuê công viên cho biết không thể thuê cả ngày hôm 04/06, nhưng không có hạn chế vào các ngày khác trong tháng Sáu. LCSD cho biết thêm rằng do dịch bệnh, họ đã đình chỉ việc giải quyết các đơn xin thuê địa điểm giải trí và thể thao cho “các hoạt động không được chỉ định”. Nhưng chỉ đối với các trận túc cầu, các đơn đăng ký cho thuê mới được giải quyết.
Không có gì ngạc nhiên khi tất cả sáu sân bóng của Công viên Victoria đều đã được đặt chỗ cho các trận túc cầu vào ngày 04/06. LCSD đã không phản hồi về thời điểm các sân sẽ mở cửa cho công chúng đặt chỗ.
Ngày 04/06 ở Hồng Kông có nguy cơ cao
Kể từ khi Trung Quốc áp dụng Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020, nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã bị bắt, bỏ tù, hoặc phải rời khỏi thành phố. Và theo luật an ninh quốc gia này, nhóm tổ chức lễ tưởng niệm ngày 04/06, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Ái quốc của Trung Quốc (HKASPDMC), đã bị giải tán hồi tháng 09/2021. Cho đến nay, chưa có đơn vị nào ở Hồng Kông công khai nhận trách nhiệm tổ chức lễ tưởng niệm thường niên này.
Ông Ngô Văn Viễn (Ng Man-yuen), cựu chủ tịch Liên đoàn các thành viên Đảng Dân Chủ Xã Hội (LSD), nói với Đài Á Châu Tự do rằng không có kế hoạch chính thức nào để tổ chức lễ tưởng niệm ngày 04/06. Xét đến cách chính quyền Hồng Kông trước đó đã đàn áp sự kiện này, ông Ngô cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu họ không chấp thuận đơn của người dân để tổ chức các cuộc tập hợp ngày 04/06 năm nay. Bằng cách làm này, ông cho rằng chính quyền đang hy vọng mọi người cuối cùng sẽ quên đi lễ tưởng niệm ngày 04/06, song điều này khó có thể xảy ra.
Sau khi Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen) bị bắt và sau đó được trả tự do vì thực hành đức tin của mình, Giáo phận Công giáo Hồng Kông đã quyết định không tổ chức thánh lễ thường lệ cho buổi tưởng niệm ngày 04/06. Các nhà chức trách của Giáo hội lo ngại nếu họ tiến hành buổi lễ, một vụ bắt giữ khác có thể xảy ra vì vi phạm Luật An ninh Quốc gia, hoặc một số nhân viên và tín đồ có thể bị tổn hại.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, Giáo sư Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông, cho biết các cuộc tụ tập, biểu tình, và tuần hành luôn được phép theo Luật Căn bản của Hồng Kông. Bây giờ chính quyền Hồng Kông đang “dựa vào trò hù dọa” và tùy tiện buộc tội các nhà hoạt động xã hội vi phạm Luật An ninh Quốc gia, vì vậy không ai sẵn sàng tổ chức các hoạt động ngày 04/06.
Sau Phong trào Phản đối Dự luật Sửa đổi Luật Dẫn độ vào năm 2019, còn được biết đến là các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, cảnh sát đã ban hành một “Thông báo Phản đối” đối với đơn đăng ký của HKASPDMC để tổ chức lễ tưởng niệm vào ngày 04/06/2020. Cảnh sát tuyên bố điều này là để ngăn chặn sự lây lan thêm của dịch COVID-19 và họ đã đặt những con ngựa sắt xung quanh các sân bãi trong Công viên Victoria để ngăn không cho mọi người vào.
Nhưng bất chấp sự ngăn chặn này, hàng ngàn người vẫn tiến vào công viên này, thắp nến tưởng niệm, sau đó ôn hòa ra đi mà không có sự can thiệp của cảnh sát. Tuy nhiên, sau đó, các nhà chức trách đã buộc tội 26 cá nhân tham dự buổi tưởng niệm có hành vi tụ tập trái phép. Bốn người trong số họ là Hoàng Chi Phong (Huang Zhi Feng), Sầm Ngao Huy (Aohui Sham), Viên Gia Úy (Yuan Jiawei), và Lương Khải Tình (Leung Hoi Ching) lần lượt bị kết án từ 4 đến 10 tháng tù.
Để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm năm 2021, cảnh sát đã căng dây ngoài Công viên Victoria, sắp đặt nhân viên bảo vệ xung quanh, và thậm chí tăng cường sự hiện diện của họ ở Vịnh Đồng La. Điều này không ngăn được hàng ngàn người thắp nến hoặc bật đèn điện thoại di động trên khắp lãnh thổ Hồng Kông vào đêm ngày 04/06 năm đó. Cảnh sát đã bắt và buộc tội nhiều người vào tối hôm đó vì tội “xúi giục người khác tham gia vào các cuộc tụ tập trái phép” và vi phạm “giới hạn tụ tập”.
Ông Lâm Triệu Bân (Lam Siu-bun), một cựu Ủy viên Hội đồng quận, người trước đây đã tổ chức lễ tưởng niệm ngày 04/06 của Hồng Kông trong bảy năm liên tiếp đã chia sẻ suy nghĩ của mình với The Epoch Times. Ông cho biết không ai có thể đoán được năm 2019 sẽ là lễ tưởng niệm ngày 04/06 cuối cùng. “Quyền tự do hội họp, vốn luôn được coi là đương nhiên, có thể biến mất chỉ sau một đêm.”
Ông Lâm cho biết việc dập tắt lễ thắp nến tưởng niệm ở Công viên Victoria tượng trưng cho sự kết thúc các quyền tự do dân sự và quyền tụ tập hoặc biểu tình của Hồng Kông. Mặc dù chính quyền Hồng Kông nhiều lần nhấn mạnh rằng Luật Căn bản bảo vệ quyền tự do diễn hành và hội họp, nhưng họ vẫn tiếp tục truy tố các nhà hoạt động xã hội vì tội gây rối theo Luật An ninh Quốc gia. Điều này đã khiến hoạt động công khai tưởng niệm ngày 04/06 ở Hồng Kông trở thành một hoạt động có nguy cơ cao.
Mặc dù không có lễ tưởng niệm ngày 04/06 ở Hồng Kông, nhưng những người dân đau buồn sẽ cảm thấy an lòng khi biết Tổ chức Ân xá Quốc tế đang giữ cho thông điệp của họ tiếp tục lan tỏa ở những nơi khác trên thế giới.
Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.