Hồng Kông: Học viên Pháp Luân Công tự bào chữa và thắng kiện
Các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã kháng nghị một cách ôn hòa chống lại cuộc bức hại môn tu luyện an hòa Pháp Luân Đại Pháp của chính quyền Trung Quốc bằng cách trưng bày các tấm biểu ngữ và bích chương trên đường phố trong nhiều năm.
Tuy nhiên, hồi tháng Năm năm ngoái, Chung Thẩm Pháp viện Hồng Kông đã ra phán quyết rằng việc trưng bày của các học viên phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo “Sắc lệnh về Vệ sinh công cộng và Dịch vụ Thành phố”.
Vài ngày sau, chính quyền đã cưỡng chế dỡ bỏ các vật phẩm trưng bày và phạt một số học viên vì “trưng bày bích chương mà không được phép”.
Bà Đổng, nằm trong số những người bị phạt, phủ nhận cáo buộc trên và tự bào chữa cho mình. Hôm 22/06, tòa án tuyên bố bà vô tội.
Bà Đổng bị cáo buộc đã trưng bày một tấm biểu ngữ dọc và một tấm bích chương trên một chiếc xe đẩy tại bến xe buýt Tung Chung vào ngày 28/05/2021. Biểu ngữ có nội dung: “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Một giờ sau khi bà bày biện xong, thì Cục Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường (FEHD) đã đến và tịch thu xe đẩy, biểu ngữ, bích chương và các vật dụng khác của bà, đồng thời đưa bà đến văn phòng FEHD để thẩm tra.
Vụ án của bà Đổng đã được xét xử hai lần tại Pháp viện Tài phán Đông khu vào ngày 27 và 31/05/2022. Bà Đổng đã tự bào chữa mà không có luật sư đại diện.
‘Một số mức độ lâu dài và tính thường xuyên’
Thẩm phán Ôn Thiệu Minh (Jason Wan Siu-ming) nói khi công bố phán quyết rằng bị đơn đã khai rằng lần cuối cùng các tài liệu công khai được trưng bày tại bến xe buýt là vào năm 2018, tức là vài năm trước vụ án hiện tại. Theo cách diễn giải Điều 104A trong “Sắc lệnh Vệ sinh Công cộng và Dịch vụ Thành phố” của Chung Thẩm Pháp viện về việc “cấm trưng bày bích chương mà không được phép”, nếu việc trưng bày đó không đạt đến “một mức độ lâu dài và có tính thường xuyên”, thì hành vi trưng bày đó không cấu thành tội phạm.
Xem xét các lời khai của công tố viên và bị cáo, rất khó để chứng minh rằng việc trưng bày của bị cáo là “có tính thường xuyên”, do đó, bị cáo được tuyên là không có tội.
Công tố viên yêu cầu tịch thu xe đẩy, biểu ngữ, và bích chương của bà Đổng, nhưng thẩm phán ra phán quyết rằng Cục Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường phải trả lại các vật phẩm này. Tuy nhiên, đại diện pháp lý của công tố nói với bà Đổng sau khi rời tòa rằng bà sẽ phải đợi một tháng trước khi được trả lại đồ đạc, vì trước tiên bà phải báo cáo với Sở Tư pháp để xác nhận rằng cơ quan này sẽ không kháng cáo.
Bà Đổng không gọi nhân chứng mà chọn làm chứng trước tòa. Khi được thẩm phán hỏi tại sao bà lại đến bến xe buýt, bà Đổng nói rằng bà đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Kể từ khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, cuộc bức hại này vẫn chưa dừng lại và thậm chí ở đại lục còn phát sinh tội ác thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Bà Đổng cho biết cha mẹ bà đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công và đã qua đời trong cuộc bức hại này. Bà muốn bước ra ngoài tìm cầu công lý, hy vọng rằng người dân thành phố sẽ giúp ngăn chặn cuộc bức hại.
Bà Đổng cũng nói rằng Pháp Luân Công là một môn tu luyện khí công của Phật Gia có tác dụng trừ bệnh khỏe thân. Với sự tàn phá của đại dịch COVID-19, bà muốn nói với công chúng về những lợi ích của Pháp Luân Công, hy vọng mọi người đắc được phúc báo, bình an và khỏe mạnh.
Khi được luật sư bên công tố hỏi liệu bà có làm đơn xin FEHD trưng bày các vật phẩm của mình hay không, bà Đổng trả lời: “FEHD không hướng dẫn tôi làm đơn, và cũng không có kênh nào để tôi nộp đơn”.
Đã xin phép
Bà giải thích rằng cách đây vài năm, bà đã hỏi nhân viên FEHD cách làm đơn xin phép thì nhân viên của cơ quan này nói rằng là phải nộp đơn lên Tổng cục Địa chính. Khi bà gọi cho Tổng cục Địa chính, người ở đầu dây bên kia hồi đáp rằng chỉ có ủy viên hội đồng Hồng Kông mới có thể xin giấy phép trưng bày.
Trọng tâm của vụ án là liệu Điều 104A của Sắc lệnh Vệ sinh Công cộng và Dịch vụ Thành phố có giới hạn trưng bày với “một số mức độ lâu dài và có tính thường xuyên” hay không, và rằng Chung Thẩm Pháp viện của Hồng Kông đã không xác định được “một số mức độ lâu dài và tính thường xuyên” [của vụ việc].
Vị công tố viên này cho là, ngoại trừ các vật phẩm được trưng bày trong các cuộc diễn hành và hội họp mà các nhà tổ chức đã xin phép, tất cả các vật trưng bày khác đều được quy định bởi Điều 104A.
Mặt khác, bà Đổng cho biết trong tuyên bố kết thúc rằng các tấm biểu ngữ và bích chương của bà được đặt trên một chiếc xe đẩy và có thể được chuyển đi bất cứ lúc nào. Bản chất chúng không có tính cố định một chỗ, theo thói quen, hoặc thường xuyên, vì vậy không cần phải xin giấy phép từ chính phủ.
Bà cũng nhấn mạnh rằng luật pháp không được đi chệch khỏi luân thường đạo lý, và cũng phải có tình người. Trong trường hợp của mình, bà đã trưng một tấm biểu ngữ nhỏ ở trạm xe buýt mà không làm phiền đến ai. Bà hỏi FEHD: “Tại sao các vị lại tiêu tốn nhiều nhân lực và tài chính để truy sát tôi? … Những kẻ sát nhân [ở Trung Quốc đại lục] đã sát hại những đồng tu của tôi. Tại sao một số người lại cho là tôi nên giữ im lặng, tôi không kêu oan, không bước ra, chẳng phải là bất công sao?”
Sau phiên tòa, bà Đổng nói với The Epoch Times rằng phán quyết này là những gì bà mong đợi. Bà nói, “Ngay từ đầu tôi đã vô tội. Thẩm phán đã làm điều đúng đắn và phán quyết này là công bằng.”
Cuộc bức hại ở Trung Quốc
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được truyền ra công chúng vào năm 1992. Theo thống kê chính thức của ĐCSTQ, tính đến năm 1999, ở Trung Quốc có khoảng 70 đến 100 triệu học viên theo học. Năm 1999, Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch bôi nhọ Pháp Luân Công và bức hại các học viên Pháp Luân Công trên quy mô toàn quốc. Các học viên sau đó đã bị sách nhiễu, giam giữ bất hợp pháp, và lao động cưỡng bức.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, 12 chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một bản tuyên bố chung nói rằng họ vô cùng chấn động trước các báo cáo về hoạt động thu hoạch nội tạng được cho là nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc Giáo.