Hồng Kông: Học viên Pháp Luân Công ngoài 70 tuổi được tuyên trắng án trong vụ kiện trưng bày bích chương
Một học viên Pháp Luân Công, người tự biện hộ trước tòa, đã được tuyên trắng án vì trưng bày các bích chương thông tin tại một cầu vượt gần Nhà ga Thượng Thủy (Sheung Shui), Hồng Kông.
Năm 2021, chính quyền địa phương đã xử phạt bà Tăng Nữ Sĩ (Tsang Hau Sim) vì “trưng bày các bích chương trên đất của chính quyền mà không được sự cho phép” với những hình ảnh trưng bày của bà hiển thị thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 03/02, Thẩm phán Thủy Giai Lệ (Kelly Shui) chủ trì xét xử vụ án của bà Tăng tại Tòa Sơ thẩm Phấn Lĩnh, với luật sư Lê Tư Duy (Lai Sze Wai) đại diện cho Chính quyền Hồng Kông. Bên nguyên có 11 nhân chứng, bao gồm các nhân viên của Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm (FEHD) và Cục Đất đai, 9 người trong số họ đã làm chứng trước tòa.
Bà Tăng đã tự biện hộ cho mình mà không có đại diện pháp lý. Và bà đã không gọi một nhân chứng nào.
Trong một cuộc trao đổi với The Epoch Times, bà Tăng, ở độ tuổi 70, đã thừa nhận rằng đó là một khoảng thời gian rất gian nan đối với bà khi tự mình chống chọi với vụ kiện này. Bà đã gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu các văn bản pháp luật nhưng bà luôn tin rằng bà không có gì sai khi nói rõ sự thật.
Vào ngày 27/05/2021, bà nói với tòa án rằng, bà đã treo một số tấm bích chương dựa vào xe đẩy của mình trong khi nói chuyện với những người khách lữ hành về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ và các nhân viên của FELD đã phạt bà ngay sau khi họ nhìn thấy bà làm như vậy.
Bà đã thừa nhận rằng bà đã không có được một giấy phép nào; tuy nhiên, bà cho biết rằng công chúng không có cách nào để nộp đơn xin phép ngoại trừ việc thông qua các ủy viên hội đồng địa phương. Bà giải thích thêm rằng một số học viên Pháp Luân Công đã hỏi về cách xin giấy phép tại Cục Đất đai và được nhân viên cho biết rằng không cần phải nộp đơn xin phép nếu việc trưng bày không kéo dài quá 24 giờ.
Bà Tăng nói rằng bà chỉ đưa các tấm bảng này ra ngoài khi phát tờ rơi về Pháp Luân Công và không có ý định trưng bày những tấm bích chương này lâu dài. Bà tin rằng mình đã không vi phạm pháp luật mặc dù không xin giấy phép.
Khi đưa ra phán quyết này, Thẩm phán Thủy Giai Lệ cho rằng các nhân viên của FEHD đã quan sát thấy bị cáo này chỉ trưng bày tấm bích chương của bà ấy trong 30 phút, điều này không thể hiện được “một số mức độ lâu dài và đều đặn theo thói quen,” một yêu cầu để kết tội ai đó vì hành vi vi phạm nói trên, theo phán quyết trước đó của Tòa Chung thẩm. Bà Thủy cũng nói rằng FEHD nên quan sát trong một thời gian dài để bảo đảm “tính lâu dài và thường xuyên” của các hành động bị buộc tội trước khi họ đưa ra giấy phạt.
Theo kết quả của bản án này, bên nguyên sẽ trả lại các tấm bảng bị tịch thu cho bà Tăng.
Các tấm bích chương đã phơi bày những lời dối trá của ĐCSTQ về Pháp Luân Công
Các tấm bích chương của bà Tăng, minh họa về phòng xử án, cho thấy cựu lãnh đạo chính quyền ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã dàn dựng vụ “tự thiêu ở Thiên An Môn” vào năm 2001 để bôi nhọ Pháp Luân Công như thế nào. Các tấm bảng này, được minh họa bằng bức ảnh chụp từ một video của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiết lộ nhiều dấu hiệu làm giả vụ tự thiêu này. Các tấm bảng này cũng bao gồm thông tin trên trang web Thoái ĐCSTQ, kêu gọi công chúng thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của đảng này.
Trong văn bản đệ trình lên tòa án, bà Tăng đã nhấn mạnh rằng bà trưng bày các bích chương này để phơi bày những lời dối trá của ĐCSTQ về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của họ. Bà cũng trích dẫn một tòa án nhân dân độc lập ở Vương quốc Anh, nơi đã kết tội ĐCSTQ về hành vi thu hoạch nội tạng, sát nhân, và diệt chủng.
Trong tuyên bố của mình, bà Tăng cho biết: “Bởi vì cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn, nên tôi buộc phải bước ra và làm phần việc của mình, để nói lên sự thật cho tất cả những người đã bị đầu độc bởi những lời dối trá của ĐCSTQ, để ngăn chặn và phơi bày những tội ác khủng khiếp này, đồng thời lan tỏa thông điệp của Pháp Luân Đại Pháp cho tất cả mọi người. Đây là lý do cho những gì tôi đã làm ở cầu vượt Thượng Thủy.”
Bà Tăng nói rằng hành động của bà là một sự thể hiện quan điểm ôn hòa, thực hiện các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được trao cho người dân Hồng Kông theo Điều 27 của Luật Căn bản, vốn là những quyền cần được Luật Căn bản bảo vệ. Hành động trưng bày của bà tại cầu vượt không phải là “lâu dài và thường xuyên,” như được đề cập trong phán quyết của tòa án, cũng như không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với môi trường. Bà đã đặt câu hỏi về việc thực thi có chọn lọc của FEHD, vì có rất nhiều bảng trưng bày trên đường phố Hồng Kông mỗi ngày.
Bà Tăng: Thật là nhẹ nhõm
Đã gần hai năm kể từ khi vụ án này bắt đầu, và bà Tăng nhận xét rằng thủ tục pháp lý rất gian nan. Bà cho biết đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu luật và nghiền ngẫm tài liệu, trong đó có lời khai của 11 nhân chứng. Bà Tăng nói: “Tôi đã ngoài 70 tuổi, nhưng tôi cảm thấy như một học sinh tiểu học làm bài tập về nhà, thường là mất hàng giờ đồng hồ.” Lúc đầu, bà rất căng thẳng và lo lắng rằng mình sẽ không thể trình bày trôi chảy trước tòa, nhưng niềm tin của bà vào Pháp Luân Công đã giúp bà dần dần xem nhẹ việc hơn-thua được-mất của mình và đối mặt với phiên tòa một cách bình tĩnh.
Khi được hỏi tại sao bà chọn ra tòa và tự biện hộ cho mình thay vì chỉ cần nộp phạt vài ngàn dollar Hồng Kông (khoảng 450 USD), bà Tăng trả lời rằng đó là vì bà không nghĩ mình đã làm gì sai. Có thể là rất gian khổ, nhưng bà biết mình phải chống lại cáo buộc này. “Chúng tôi đang lên tiếng phản đối cuộc bức hại này. Mỗi học viên Pháp Luân Công đang làm điều đó trên khắp thế giới. Tại sao chúng tôi không thể làm điều đó ở Hồng Kông?”
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã biểu tình ôn hòa bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm treo biểu ngữ và bích chương ở những nơi đông người và danh lam thắng cảnh. Bất chấp cuộc đàn áp gần đây đối với các tổ chức dân sự, các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông vẫn tiếp tục phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công cho công chúng bằng cách tập các bài công pháp [của Pháp Luân Công] và phân phát tài liệu ở những nơi công cộng.
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần của Trung Hoa bao gồm các bài tập thiền định đơn giản, chậm rãi, và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập niên đó, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times