Hồng Kông: Cuộc chiến zero COVID gây tổn thương tinh thần cho xã hội
HONG KONG – Ông Dương (Yeung), cư dân Hồng Kông, đã đợi 13 giờ bên ngoài một bệnh viện ở quận phía đông của thành phố dưới trời mưa lạnh cùng với cô con gái ba tuổi bị sốt cao của mình, trước khi họ được nhập viện để điều trị COVID-19.
Vào thời điểm hai cha con họ được vào viện, con ông đã hạ sốt và cháu bé không cần chăm sóc y tế.
Vậy mà người thợ sửa điện nước 42 tuổi này đã phải nằm bốn đêm trong bệnh viện này mà không có không giường, vì ông và con gái ông chưa được phép xuất viện. Sau đó, họ được đưa đến một trung tâm cách ly của chính quyền thêm chín ngày nữa.
Ông không căng thẳng vì bị nhiễm bệnh, mà nỗi lo lớn nhất của ông lúc này là để vợ và đứa con 22 tháng tuổi nhiễm COVID-19 ở nhà mà không có người hỗ trợ.
Ông Dương, người từ chối cho biết danh tính vì lo ngại vấn đề nhạy cảm, chia sẻ: “Vợ tôi đã phải chịu khổ rất nhiều. Các triệu chứng của cô ấy trở nên nghiêm trọng hơn vì chăm con quá vất vả mà không có thời gian để nghỉ ngơi.”
“Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ nhảy lầu nếu không có ai về nhà phụ giúp cô ấy.”
Câu chuyện của ông Dương là một trong số nhiều trường hợp ở trung tâm tài chính toàn cầu này, nơi mà hơn hai năm kể từ khi bùng phát đại dịch đã áp dụng một số quy định về virus corona nghiêm ngặt nhất trên thế giới.
Số ca nhiễm đã tăng lên mức cao kỷ lục với hơn 500,000 ca và hơn 2,500 ca tử vong – hầu hết những trường hợp này đã được ghi nhận trong hai tuần qua.
Các chuyên gia y tế cho biết, sự tổn hại về tinh thần đối với nhiều người trong số 7.4 triệu cư dân của thành phố thường không phải do nhiễm virus mà do chính sách và thông điệp từ các cơ quan chức năng, khiến họ hoảng sợ và lo lắng.
Ví dụ, chính quyền Hồng Kông đã từng nhấn mạnh rằng những trẻ em bị nhiễm bệnh, dù có nhỏ đến đâu cũng phải được cách ly.
Tiến sĩ Judy Blaine, chuyên gia sức khỏe tại công ty tư vấn Odyssey Hồng Kông cho biết, “Để đổi lấy sự an toàn về thể chất cho chúng ta … dường như có lẽ họ đã đánh mất tình người trong đó. Có những nỗi sợ hãi ẩn hiện bên dưới tất cả những biện pháp này.”
Gánh nặng này có xu hướng đổ lên vai những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, chẳng hạn như người giúp việc gia đình, người lao động nhập cư, và người dân có thu nhập thấp – nhiều người sống trong những căn hộ chia thành nhiều buồng nhỏ cùng với cha mẹ già và những đứa con của họ.
Bốn trong số năm gia đình có thu nhập thấp cho biết họ phải đối mặt với căng thẳng lớn liên quan đến COVID trong tháng qua, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Dịch vụ Nhân dân – một tổ chức từ thiện của địa phương.
Một lần nữa, hơn 900,000 học sinh hiện phải nghỉ học ở nhà. Các sân chơi và hầu hết các địa điểm vẫn đóng cửa, các bậc cha mẹ đang phải nỗ lực để làm việc ở nhà và các giáo viên đang cảnh báo về những hậu quả về lâu về dài của việc không cho trẻ em đến lớp.
Giá thực phẩm đã tăng vọt sau tình trạng thiếu rau vào tháng Hai, và các siêu thị đã cháy hàng trong hơn 10 ngày vì những lo ngại về đợt phong tỏa toàn thành phố đã khiến cho người dân sốt ruột đi mua đồ về tích trữ.
Các tổ chức phi chính phủ địa phương cho biết một số người giúp việc gia đình đã bị buộc phải rời khỏi nhà của chủ nhà sau khi nhiễm virus, trong khi đó một số cư dân phải ngủ trên mái nhà hoặc cầu thang để không lây bệnh cho người thân.
“Đại dịch này không phải ngày một ngày hai, nó đã diễn ra hai năm rồi và việc thiếu nguồn cung cấp và hỗ trợ từ chính phủ khiến mọi người đều hoảng sợ,” bà Thi Lệ San (Sze Lai Shan), người làm việc cho Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng, vốn hỗ trợ những gia đình thu nhập thấp, cho biết.
Bà nói thêm: “Cảm giác bất lực tạo ra tâm lý hoang mang hơn,” trong đó nhiều người đang phải đối mặt với khó khăn tài chính vì họ không thể đi làm.
Tiến sĩ Trương Y Lệ (Eliza Cheung), một trong những nhà tâm lý học lâm sàng của tổ chức này, cho biết các cuộc gọi đến các đường dây nóng hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ đã tăng vọt trong hai tuần qua do các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Hầu hết là người cao tuổi thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp và các gia đình vốn đã gặp khó khăn trước đợt bùng phát gần đây nhất. Nhiều người lo lắng rằng họ sắp hết lương thực và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, và cảm thấy bất lực.
Cô Trương nói, “Vào thời điểm họ liên lạc với chúng tôi, họ đang rơi vào trạng thái khá tuyệt vọng. Họ đã thử rất nhiều cách để tìm kiếm các nguồn [thực phẩm] khác nhau. Đến mức mà gia đình họ chỉ còn đủ thức ăn trong hai ngày và họ không biết phải làm gì.”
Do Farah Master của Reuters thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: