Hồng Kông bị rơi khỏi Chỉ số Tự do Kinh tế do các chính sách ‘bị kiểm soát từ Bắc Kinh’
Hồng Kông đã bị loại khỏi Chỉ số Tự do Kinh tế của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation’s Index of Economic Freedom) trong năm nay do các chính sách kinh tế của lãnh thổ này bị Bắc Kinh kiểm soát.
Hồng Kông đứng đầu danh sách này trong 25 năm cho đến năm 2019. Các chuyên gia tài chính ở Hồng Kông tin rằng việc Trung Cộng xâm phạm một cách cấp tập quyền tự do của Hồng Kông đã đẩy nhanh tốc độ suy thoái của môi trường kinh tế này.
Hôm 04/3, Quỹ Di sản đã công bố bảng chỉ số của năm 2021. Singapore được xếp hạng là nền kinh tế tự do nhất thế giới cho năm thứ hai liên tiếp. Hồng Kông và Ma Cao đều là những khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc, cả hai không còn được đưa vào Chỉ số Tự do Kinh tế. Trong thông cáo báo chí, Quỹ Di sản cho biết lý do các khu vực này không còn được xếp hạng là vì chỉ số này “giờ đây chỉ bao gồm các lãnh thổ có toàn quyền kiểm soát đối với các chính sách kinh tế của mình,” và ở Hồng Kông và Ma Cao “các diễn biến trong những năm gần đây đã chứng minh rõ ràng rằng các chính sách đó xét cho cùng đều bị kiểm soát từ Bắc Kinh.”
Sau khi Chỉ số Tự do Kinh tế được công bố, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 762 điểm trong nửa ngày, xuống 29.118 điểm vào ngày 04/3.
Chỉ số Tự do Kinh tế là một báo cáo thường niên được phát hành bởi Quỹ Di sản, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ. Chỉ số này bao gồm các số điểm về tự do kinh tế và dữ liệu kinh tế vĩ mô liên quan đến sự tự do kinh tế của 184 nền kinh tế trên thế giới. Hong Kong đứng đầu danh sách trong 25 năm cho đến khi bị Singapore thay thế vào năm 2020.
Một phát ngôn viên của bộ tài chính của chính phủ Hồng Kông đã trả lời về sự loại trừ của chỉ số rằng, “Quyết định này không bảo đảm và cũng không được minh chứng. Nó không công bằng [đối với Hồng Kông].”
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính tại Hồng Kông đã chia sẻ với The Epoch Times rằng việc Trung Cộng tăng cường xâm phạm quyền tự do chính trị và độc lập tư pháp của Hồng Kông, đặc biệt là trong năm ngoái (2020), đã làm tổn hại sâu sắc đến môi trường kinh tế của Hồng Kông.
Chủ tịch Tổng công đoàn các nhân viên ngành tài chính Hồng Kông, ông Kwok Ka Wing nói với The Epoch Times rằng hành động của Quỹ Di sản phản ánh nhận định của cộng đồng quốc tế về Hồng Kông đã trở nên tồi tệ hơn. Và chính quyền trung ương [Trung Cộng] và chính quyền Hồng Kông nên xem xét cẩn trọng cách đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thay vì vi phạm các quy tắc quốc tế và nuốt lời hứa, hủy hoại nguyên tắc đã cam kết về “một quốc gia, hai chế độ” và làm tổn hại nền tảng kinh tế lâu đời của Hồng Kông.
Nhà quản lý quỹ đầu cơ cao cấp của Hồng Kông Edward Chin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng Quỹ Di sản được thành lập vào năm 1973 và có lịch sử hơn 40 năm. Đây là một trong những tổ chức tư vấn về chính sách công của Hoa Kỳ. Theo đó, chỉ số do quỹ công bố sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông. Và lần này “chỉ số tự do kinh tế” đã loại bỏ Hồng Kông (và Ma Cao), và thông điệp quan trọng nhất được truyền tải là “Đặc khu hành chính Hồng Kông đã hoàn toàn hội nhập vào Trung Quốc (Đại lục) và không còn tự do nữa.”
Ông Chin nói rằng người dân Hồng Kông và các nhà đầu tư quốc tế đã lên tiếng báo động về môi trường hiện tại ở Hồng Kông. Các quỹ đầu tư đã chuyển trụ sở ở Á Châu của họ ra khỏi Hồng Kông hoặc đang xem xét chuyển đi. Ông giải thích vì “rủi ro chính trị” và “đàn áp chính trị” ở Hồng Kông ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi các nhà chức trách có thể tùy tiện sử dụng “phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia” để trừng phạt các doanh nghiệp và nhà chuyên môn. Ông tiết lộ rằng một số quỹ phòng hộ mà ông biết đã chuyển ra khỏi Hồng Kông để đến các khu vực khác như Singapore và Tokyo.
Ông Chin cho biết thêm rằng khi Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa, nhiều tổ chức tài chính và thương mại sẽ chọn cách ra đi trong im lặng.
Bản tin có sự đóng góp của Li Xiaotong.
Do Alex Wu thực hiện
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: