Hồng Kông: 7 nhà hoạt động bị bỏ tù vì biểu tình chống lại luật an ninh quốc gia
Hôm 16/10, một tòa án Hồng Kông đã bỏ tù 7 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ với thời hạn lên tới 12 tháng vì tham gia vào một cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm 2020.
Cuộc biểu tình, bị cảnh sát cấm với lý do các biện pháp hạn chế vì virus Trung Cộng, diễn ra vào ngày 01/07/2020, vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực. Hôm đó, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường, bất chấp cảnh sát bắn hơi cay, xịt hơi cay, và phun vòi rồng.
Luật an ninh quốc gia mà bảy nhà hoạt động từng phản đối nay đang được dùng để nhằm vào họ.
Các nhà hoạt động này bao gồm Trần Hạo Hoàn (Figo Chan), một cựu thành viên của Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) hiện đã giải thể; Tằng Kiện Thành (Tsang Kin-shing) và Đường Tái Lai (Tang Sai-lai) của Liên đoàn Dân chủ Xã hội (LSD); cựu ủy viên hội đồng quận Từ Tử Kiến (Andy Chui); và các nhà cựu lập pháp Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-wa), Châu Khải Địch (Eddie Chu) và Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung).
Anh Trần bị kết án một năm, trong khi những người khác bị tuyên các mức án từ 6 đến 10 tháng.
Một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do CHRF hậu thuẫn đã thu hút đám đông khoảng 2 triệu người vào năm 2019, đã cùng lên tiếng phản đối dự luật dẫn độ mà sau đó đã bị bãi bỏ.
“Chúng tôi chỉ có thể chọn cách phản kháng dân sự… một cách thức hòa bình, hợp lý và bất bạo động để bày tỏ yêu cầu của chúng tôi chống lại luật an ninh quốc gia này,” anh Trần nói trong phần giảm án.
“Để giữ vững niềm tin cho sự phản kháng của dân chúng, tôi quyết định nhận tội, thừa nhận rằng tôi đã vi phạm ‘luật trật tự công cộng ma quỷ này.’”
Anh Trần và hai người khác đã từng phải ngồi sau song sắt vì những cáo buộc trước đây.
Các cuộc biểu tình gây náo loạn thành phố bắt đầu vào 06/2019, khi chính quyền Hồng Kông tìm cách đưa ra một kế hoạch gây nhiều tranh cãi cho phép dẫn độ người sang Trung Quốc đại lục. Dự luật – được coi là làm xói mòn hơn nữa tính độc lập tư pháp của thành phố này – đã chính thức bị rút lại vài tháng sau đó.
Tuy nhiên, phán quyết [rút lại] này đã không ngăn được sự chỉ trích lan rộng trong các tầng lớp dân chúng, vì những người biểu tình còn mong muốn các cuộc bầu cử công bằng hơn và có một cuộc điều tra về các hành động tàn bạo của cảnh sát.
Đáp lại, Bắc Kinh sau đó đã thông qua luật an ninh quốc gia vào ngày 30/06/2020, trừng phạt những gì mà Trung Quốc coi là hành động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các thế lực ngoại quốc, với hình phạt lên đến tù chung thân.
Vào ngày 01/07/2020, đám đông đông đảo đã tràn đến khu vực Vịnh Causeway, nơi cuộc tuần hành dự kiến bắt đầu. Theo cảnh sát, ít nhất 370 người đã bị bắt vào ngày hôm đó vì hành vi tụ tập bất hợp pháp cùng các tội danh khác, trong đó có 10 người liên quan đến vi phạm luật an ninh quốc gia.
Ngày này cũng đánh dấu kỷ niệm 23 năm ngày Anh Quốc trao trả thành phố này lại cho Trung Quốc.
Theo Cục An ninh, hơn 150 người đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia này. Trong số đó, 100 người đã chính thức bị buộc tội.
Anh Đường Anh Kiệt (Tong Ying-kit), người đầu tiên bị kết án theo luật an ninh quốc gia, đã bị buộc tội lái xe mô-tô lao vào cảnh sát vào ngày hôm đó cùng lúc mang theo một lá cờ với khẩu hiệu biểu tình hiện đã bị cấm, “Quang phục Hương Cảng, Thời đại Cách mạng”. Anh Đường đã bị kết án chín năm tù vào tháng Bảy.
Các bản án hôm 16/10 còn đánh dấu đòn giáng gần đây nhất nhằm vào phong trào của phía đối lập. Trước đó, tổ chức CHRF của Hồng Kông đã giải tán vào tháng Tám với lý do áp lực chính trị, sau khi đã hoạt động trong gần hai thập kỷ.
Vào ngày 15/10, một trong số ít hiệu sách tiếng Anh vận hành độc lập của thành phố cũng đã đóng cửa sau khi chủ sở hữu quyết định rời khỏi thành phố cùng với gia đình.
Bà Rita Li là một phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2018.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: