Honeywell bị phạt 13 triệu USD vì tiết lộ thông tin nhạy cảm cho các quốc gia, kể cả Trung Quốc
Hôm 03/05, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng tập đoàn Honeywell đã bị phạt 13 triệu USD vì cáo buộc xuất khẩu dữ liệu nhạy cảm sang một số quốc gia, kể cả Trung Quốc, mà không được sự cho phép.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã kết thúc việc dàn xếp với Honeywell International để giải quyết cáo buộc vi phạm các quy tắc xuất khẩu, khi công ty này đã xuất khẩu và chuyển giao thông tin kỹ thuật về chiến đấu cơ của Hoa Kỳ và các hệ thống quân sự khác cho Canada, Trung Quốc, Ireland, Mexico, và Đài Loan mà không được sự cho phép.
Phát ngôn viên của cơ quan này cho biết dữ liệu được xuất đi “chứa các bản in kỹ thuật hiển thị kích thước, hình khối, cách bố trí để sản xuất đúc khuôn và các bộ phận hoàn thiện cho nhiều phi cơ, động cơ tuabin khí và thiết bị điện tử quân sự.”
Theo một bức thư do Bộ Ngoại giao gửi cho công ty này, các vi phạm của Honeywell bị buộc tội đã xảy ra trong vòng 4 năm và bao gồm cả việc gửi các chi tiết kỹ thuật của phi cơ quân sự Lockheed Martin F-35 và F-22, trực thăng, xe tăng và hỏa tiễn hành trình Tomahawk của Raytheon cho các công ty ngoại quốc mà không được sự cho phép.
Trong năm 2015, Honeywell đã tiết lộ cho các nhà chức trách 71 bản vẽ mà họ đã gửi cho các nhà cung cấp ngoại quốc, 65 trong số đó bị cáo buộc vi phạm các quy tắc xuất khẩu và chuyển nhượng của Hoa Kỳ. Bức thư nêu rõ công ty đã xuất 51 bản vẽ trong số này sang Trung Cộng.
Trong năm 2018, Honeywell đã đệ trình một bản báo cáo tự nguyện thứ hai về các tài liệu kỹ thuật đã vi phạm các hạn chế về xuất khẩu, bao gồm 23 bản vẽ được xuất sang Mexico, 2 bản cho Canada và 2 bản cho Trung Quốc, bức thư cho biết.
Chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng việc xuất khẩu sang Trung Quốc và chuyển giao lại các bản vẽ một số bộ phận và thành phần của thiết bị quân sự được tiết lộ trong cả hai bộ tài liệu đã gây tổn hại đến an ninh quốc gia, bức thư viết.
Tuyên bố cho biết Honeywell đồng ý trả khoản phạt 13 triệu USD trong vòng 3 năm, trong đó 5 triệu USD sẽ được giữ lại với điều kiện số tiền này sẽ được sử dụng để cải thiện chương trình tuân thủ của Honeywell theo các yêu cầu được quy định trong thỏa thuận với Bộ Ngoại giao.
Theo tuyên bố, thỏa thuận này yêu cầu Honeywell thuê một nhân viên [giám sát] tuân thủ đặc biệt từ bên ngoài, ban đầu là khoảng ít nhất 18 tháng, để giám sát việc thực hiện các cải tiến trong việc tuân thủ và tiến hành kiểm toán độc lập chương trình tuân thủ của công ty này trong thời hạn thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao đã quyết định không cấm Honeywell vào thời điểm này vì công ty này đã tự nguyện báo cáo các vi phạm bị cáo buộc, nhận thấy mức độ nghiêm trọng của các vi phạm và đã áp dụng một số biện pháp khắc phục, bộ cho biết trong tuyên bố.
Lập trường của Honeywell
“Vài năm trước, chúng tôi đã tự nguyện thông báo cho đơn vị Tuân thủ Kiểm soát Thương mại Quốc phòng (DTCC) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong 2 lần báo cáo tự nguyện, trong đó các thiết kế của Honeywell vô tình được chia sẻ trong các cuộc thảo luận kinh doanh thông thường,” phát ngôn viên của Honeywell nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email.
“Các vấn đề mà Honeywell báo cáo liên quan đến công nghệ được đánh giá là có tác động đến an ninh quốc gia, mặc dù chúng đã có sẵn trên thị trường trên toàn thế giới. Không có chi tiết chuyên môn kỹ thuật hoặc chi tiết sản xuất nào được chia sẻ.”
“Kể từ khi Honeywell tự nguyện báo cáo những tiết lộ này, chúng tôi đã thực hiện một số hành động để bảo đảm không lặp lại sự cố. Những hành động này bao gồm tăng cường an ninh xuất khẩu, đầu tư vào việc bổ sung nhân viên về tuân thủ và tăng cường đào tạo về việc tuân thủ.”
Công ty này cũng cho biết trong tuyên bố của mình rằng họ sẽ thực hiện tất cả các biện pháp được quy định trong thỏa thuận dàn xếp để quay lại tuân thủ và “cam kết hoàn toàn tuân thủ tất cả các luật kiểm soát xuất khẩu hiện hành.”
Do Ella Kietlingska thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: