Hơn 900 nhà lập pháp trên toàn thế giới lên án Bắc Kinh vì bức hại Pháp Luân Công
Có tổng cộng 921 nhà lập pháp từ 35 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới đã đưa ra một tuyên bố chung vào Ngày Nhân quyền Quốc tế để lên án cuộc bức hại kéo dài hàng thập kỷ của chế độ Trung Cộng đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được giới thiệu [ra công chúng] ở Trung Quốc vào những năm 1990. Môn tu luyện tinh thần này được biết đến với các bài công pháp tĩnh tại và các bài giảng về đạo đức xoay quanh ba nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn.
Sự phổ biến ngày càng rộng rãi của Pháp Luân Công với khoảng 70-100 triệu học viên vào năm 1999, theo ước tính của nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó, bị coi là một mối đe dọa đối với chính quyền Trung Cộng. Vì vậy, họ đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo [môn tu luyện này] vào tháng 7/1999. Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, khu điều trị tâm thần và các cơ sở khác. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, có hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn.
Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thu thập thông tin về cuộc bức hại, đã truy ra được khoảng 4,600 trường hợp tử vong do nhiều loại hình bức hại khác nhau, mặc dù các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do khó khăn trong việc xác minh thông tin ở Trung Quốc.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những chiến dịch tàn bạo nhất chống lại một nhóm tín ngưỡng trong thời hiện đại,” các nhà lập pháp viết trong bản tuyên bố do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp công bố. Họ kêu gọi ĐCSTQ phải “ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại” và “trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác”.
David Seymour, thành viên quốc hội New Zealand cho biết: “Mỗi con người đều xứng đáng có được phẩm giá [của riêng mình], họ phải có quyền làm chủ thân thể và quyền tự do tín ngưỡng của mình.”
Ông Levi Browde, Giám đốc điều hành của Trung tâm nói trên, đã hoan nghênh lập trường của các nhà lập pháp và gọi đây là “một nỗ lực chưa từng có” để “ngăn chặn [sự đối xử] bất công của Trung Cộng đối với Pháp Luân Công.”
Ông cho biết trong một thông cáo báo chí: “Họ cùng nhau gửi một thông điệp rõ ràng về tình đoàn kết đối với những nạn nhân ở Trung Quốc và sự cương quyết phản đối chiến dịch của chế độ Trung Cộng nhằm xóa bỏ đức tin ôn hòa của hàng chục triệu học viên [Pháp Luân Công] ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.”
Nạn mổ cướp nội tạng
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã phát hiện rằng các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của hoạt động thu hoạch nội tạng của nhà nước Trung Quốc. Những người này đã bị sát hại để lấy những bộ phận nội tạng của họ rồi sau đó chúng được rao bán trên thị trường chợ đen béo bở với mục đích thúc đẩy ngành du lịch cấy ghép.
Ông Guspardi Gaus, một nhà lập pháp ở Indonesia cho biết: “Đây là những con người đang bị tàn sát, một thứ gì đó vô nhân tính, một thứ gì đó rất man rợ.”
Ngày càng có nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Áo, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đài Loan và Ý, đã khởi xướng hoặc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn bán nội tạng.
Đánh dấu Ngày Nhân quyền Quốc tế mùng 10 tháng 12, Hoa Kỳ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt một quan chức Trung Quốc vì đã thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, khiến ông ta trở thành kẻ bức hại Pháp Luân Công đầu tiên bị [Hoa Kỳ] trừng phạt.
Ông Wang Ting-yu, thành viên của Lập pháp viện, cơ quan lập pháp đơn viện của Đài Loan, đã báo hiệu rằng quốc đảo này có thể sẽ khởi xướng các biện pháp trừng phạt tương tự.
“Ít nhất, Đài Loan có thể kiểm tra danh tính của những kẻ bức hại Pháp Luân Công… và phân loại họ là những người bị Chính phủ Đài Loan từ chối hoặc điều tra xem họ có nguồn quỹ bất hợp pháp ở Đài Loan hay không,” ông nói trong một tuyên bố. “Nếu điều này trở thành một thông lệ chung trên toàn thế giới, chúng tôi sẽ cho ĐCSTQ thấy rằng nếu kẻ nào bức hại Pháp Luân Công, anh ta sẽ chẳng còn nơi nào để đi trên thế giới, và chẳng có nơi nào để trốn chạy.”
Ông Wang lưu ý rằng Trung Cộng đã “tích lũy” nhiều chiến thuật trong chiến dịch bức hại [Pháp Luân Công] và áp dụng chúng trong việc đàn áp các tín ngưỡng khác, chẳng hạn như Cơ đốc giáo, Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ.
“Giải quyết vấn đề [đàn áp] Pháp Luân Công là điểm cốt lõi trong việc giải quyết tất cả những vấn đề này. Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ loại bỏ Đảng Cộng sản và trao cho đất nước và người dân của họ một cơ hội,” ông nói.