Hơn 90% bệnh sẽ tự khỏi, 1 chìa khóa then chốt cải thiện khả năng phục hồi
Ông Okamoto Yutaka, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Nhật, đã nói trong cuốn sách “90% bệnh tật sẽ tự khỏi” (9割の病気は自分で治せる) rằng, khả năng tự chữa lành của cơ thể con người có thể giải quyết 90% bệnh tật, miễn là khả năng tự chữa lành hoạt động bình thường. Chính xác thì khả năng tự chữa lành là gì? Và làm thế nào để khiến nó phát huy tác dụng?
Từ tiêu chảy đến huyết áp tăng giảm, đều là biểu hiện của khả năng tự chữa lành
Ông Hứa Đằng Hồng (Xu Tenghong), bác sĩ tại Phòng khám Trung Y Hoài Nguyên, Đài Loan, cho biết khả năng tự chữa lành là khả năng tự điều chỉnh của cơ thể để trở lại trạng thái bình thường, cũng như duy trì sự cân bằng và ổn định. Thể trạng càng ổn định thì khả năng tự chữa lành càng được nâng cao, khiến bệnh nhẹ nhanh khỏi, bệnh nặng cũng không dễ xuất hiện.
Phạm vi của khả năng tự chữa lành rất rộng, bao gồm chuyển hóa, miễn dịch, sửa chữa, thay thế, huyết áp, đường huyết, nội tiết, hệ thần kinh, v.v. Nó có thể duy trì sự ổn định của cơ thể. Có rất nhiều phản ứng của cơ thể trong cuộc sống đều là biểu hiện của khả năng tự chữa lành:
- Bộ não gửi tín hiệu để ăn khi đói và nghỉ ngơi khi mệt mỏi.
- Thông qua hắt hơi, sổ mũi, đổ mồ hôi và ho có đờm, các chất độc và dị vật sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể.
- Thông thường nếu bị cảm, nghỉ ngơi và uống nhiều nước ấm sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tuần hoàn của cơ thể, và có thể nhanh chóng phục hồi.
- Bong gân, căng cơ hoặc viêm cơ hay gân, v.v. đều có thể tự phục hồi sau khi nghỉ ngơi hợp lý, chỉ là cần nhiều thời gian hơn để chữa lành. Nhưng mọi người thường phải tiếp tục làm việc hoặc di chuyển, do đó việc đi khám có thể giúp cơ thể trở lại bình thường nhanh chóng hơn, giảm đau nhức khó chịu.
- Ăn những thứ không tốt vào bụng có thể bị nôn ói và tiêu chảy, là vì để duy trì môi trường tốt trong cơ thể, cơ thể sẽ đào thải những thứ gây viêm đường tiêu hóa ra ngoài.
Bác sĩ Hứa Đằng Hồng đưa ra ví dụ, một số bệnh nhân bị tiêu chảy là do ăn những thứ không tốt, sau khi uống thuốc trị tiêu chảy thì càng đau bụng hơn, đó là do những thứ bẩn chưa được dọn sạch. Triệu chứng này có thể được cải thiện bằng các bài thuốc Trung Y có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và thúc đẩy quá trình đại tiện nhằm làm sạch dạ dày và ruột. Tuy nhiên, khi tiêu chảy nặng và có thể dẫn đến mất nước, vẫn là cần trị tiêu chảy. Ngoài ra, trước hết cần xác định rõ nguyên nhân gây tiêu chảy hay nôn ói, nếu là nhiễm virus thì lại là chuyện khác.
Một số người khi mệt mỏi vẫn tiếp tục làm việc, sinh hoạt, lúc này tim sẽ đập nhanh và huyết áp tăng cao. Đây là hiện tượng cơ thể không chịu được gánh nặng do mệt mỏi nên sẽ tiết ra một số hormone chống stress như adrenaline để ứng phó khẩn cấp. Ở giai đoạn đầu, hiện tượng này không thuộc bệnh cao huyết áp, chỉ cần nghỉ ngơi thì huyết áp sẽ từ từ hạ xuống, đây cũng là biểu hiện của khả năng tự chữa lành.
Bác sĩ Okamoto Yutaka cho rằng 90% bệnh tật sẽ tự lành. “Có lẽ không chỉ 90%, tôi cảm thấy vẫn là đánh giá thấp”, bác sĩ Hứa Đằng Hồng nói. Tiền đề là bệnh còn ở giai đoạn đầu cộng với thể chất và tinh thần ổn định thì năng lực tự chữa lành mới phát huy được hiệu quả.
Tín hiệu của bệnh tật: Cơ thể mất cân bằng, khả năng tự chữa lành kém
Có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày có thể khiến cơ thể mất cân bằng và khả năng tự chữa lành kém. Ví dụ như làm việc quá sức, lười vận động, chất lượng giấc ngủ kém, ăn uống không điều độ, thường xuyên tiêu thụ nhiều chất béo và đường, thường xuyên uống đồ uống có đá…
Khi cơ thể quá tải, về lâu dài có thể xảy ra các hiện tượng bù trừ, ví như nhịp tim, huyết áp không ổn định. Khi cơ thể không ổn định và luôn phải bù trừ, lâu ngày sẽ dẫn đến khả năng tự chữa lành kém và dễ sinh ra bệnh tật.
Ví dụ, nếu nạp quá nhiều chất béo và đường trong thời gian dài, để cơ thể tự điều chỉnh đường huyết cho đến khi không điều chỉnh được nữa, thì sẽ xảy ra tình trạng kháng đường trong máu, chuyển hóa kém, từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường.
Trong cơ thể thường có các tế bào ung thư tuần hoàn khắp nơi, khi cơ thể ở trạng thái tốt, tế bào lympho T, đại thực bào và một số tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt tế bào ung thư và giữ cho chúng ở dưới một số lượng nhất định. Nhưng khi cơ thể mất cân bằng, hệ thống miễn dịch và hệ tuần hoàn trao đổi chất suy giảm, không những khó tiêu diệt tế bào ung thư mà cơ thể còn trở thành môi trường có tính acid, tạo điều kiện cho tế bào ung thư tăng sinh, từ đó dẫn đến các bệnh ung thư khác nhau.
Khi cơ thể mất cân bằng, các tín hiệu do não gửi đi sẽ bị sai lệch. Chẳng hạn như khi bị căng thẳng, dạ dày rõ ràng là không đói, nhưng cũng sẽ khiến người ta ăn quá nhiều dẫn đến béo phì.
Làm thế nào để nâng cao khả năng tự chữa lành? Cải thiện trạng thái tinh thần là chìa khóa
Uống thuốc khi bị bệnh có thể hỗ trợ khả năng tự chữa lành của cơ thể, khiến cơ thể phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Đồng thời còn cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tránh tình trạng mệt mỏi quá độ, tránh thức khuya, cần vận động một cách hợp lý. Về phương diện ăn uống, nên có chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh ăn quá no, tránh ăn nhiều những đồ nhiều chất béo, nhiều đường, nước đá, v.v.
Tuy nhiên, đối với những người hiện đại, “xác thực là hơi khó một chút”, bác sĩ Hứa Đằng Hồng thẳng thắn nói. Do đó, cũng có thể giúp cơ thể phục hồi một cách ổn định và nâng cao khả năng tự chữa lành bằng cách sử dụng dược thiện, các sản phẩm dưỡng sinh và xoa bóp huyệt đạo, v.v.
Duy trì trạng thái tinh thần tốt cũng là một chìa khóa quan trọng để nâng cao khả năng tự chữa lành, bao gồm điều chỉnh cảm xúc và giải tỏa căng thẳng đúng cách. Bác sĩ Hứa Đằng Hồng nhấn mạnh rằng cảm xúc, áp lực… có ảnh hưởng rất lớn đến con người hiện đại.
Trên lâm sàng, có rất nhiều ví dụ về biểu hiện căng thẳng tinh thần, sau khi thay đổi tâm trạng thì đã cải biến được sức khỏe:
1. Tại phòng khám Khoa Bác Đặc của Bác sĩ Lưu Bác Nhân, chuyên gia về gene dinh dưỡng và y học chức năng, có một bệnh nhân bị ung thư vú được phát hiện là tăng tiết quá mức cortisol tuyến thượng thận do ô nhiễm chất dẻo và căng thẳng trong thời gian dài. Cô cho rằng nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư là do trường kỳ nhận quá nhiều áp lực từ các sếp.
Bác sĩ Lưu Bác Nhân khuyên cô ấy, khi người quản lý nói thì nên nhìn vào miệng anh ta và nghĩ về những điều vui vẻ. Sau khi thực hiện, bệnh nhân nói rằng răng của người quản lý rất vàng, cảm thấy rất buồn cười, và ngược lại không chú ý đến những lời trách móc của người quản lý nữa. Khi bệnh nhân thay đổi tâm trạng, những căng thẳng, áp lực và giấc ngủ của họ sẽ cải thiện, hành trình chống ung thư cũng suôn sẻ hơn.
Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng cảm xúc căng thẳng có liên quan chặt chẽ đến bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư gan, ung thư phụ khoa, v.v. hơn nữa còn ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Một báo cáo tại Diễn đàn Á Châu của Hiệp hội Ung thư Y tế Âu Châu từng chỉ ra rằng, so với bệnh nhân ung thư không bị trầm cảm, bệnh nhân ung thư có mức độ trầm cảm càng cao thì phản ứng với hóa trị liệu càng kém.
Có rất nhiều cách để giải tỏa cảm xúc và áp lực, chẳng hạn như hét thật lớn, tìm ai đó để trò chuyện, tập thể dục, thở bằng bụng, ăn những món ăn ngon, làm những điều bạn thích, v.v. nhưng đừng chuyển hướng tâm trí bằng cách làm việc điên cuồng, điều đó sẽ khiến cơ thể rất mệt.
2. Có một cô gái bị đau bụng kinh đang nằm trên giường thì tình cờ được một người bạn rủ đi mua sắm. Cô ấy nghĩ rằng, dù sao thì cũng đau, không bằng ra ngoài đi dạo cho dễ chịu. Kết quả là trong quá trình vui vẻ mua sắm và trò chuyện với bạn bè, cơn đau bụng kinh đã biến mất. Nguyên nhân là do khi bạn có tâm trạng thoải mái, hệ thống nội tiết sẽ tiết ra một số chất chống viêm. Do đó khi cảm thấy không thoải mái, dưới điều kiện cơ thể cho phép, có thể tham gia các hoạt động khiến bạn cảm thấy dễ chịu, cải biến hệ thống nội tiết bằng cách thay đổi tâm trạng.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ