Hơn 70% người Ấn Độ từ chối mua hàng TQ trong mùa lễ hội này
Trong bối cảnh xung đột Ấn Độ – Trung Quốc đang diễn ra và tâm lý chống Trung Quốc gia tăng, 71% người Ấn Độ đã cố ý từ chối mua các sản phẩm (sản xuất ở) Trung Quốc trong lễ hội Diwali vừa qua, kết quả từ cuộc khảo sát quốc gia cho thấy.
Diwali là một ngày lễ quốc gia ở Ấn Độ, trong dịp đó mọi người trang trí nhà cửa bằng đèn và trao đổi quà tặng. Sau cuộc đụng độ tang thương gần đây với Trung Quốc, Ấn Độ đã chứng kiến nhiều chiến dịch rộng rãi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc.
“Sau khi hơn 20 binh sĩ Ấn Độ trở thành tử sĩ ở thung lũng Galwan bởi lính Trung Quốc vào tháng 6 năm nay, phong trào chống Trung Quốc đã tăng lên ở Ấn Độ,” LocalCircles, mạng truyền thông xã hội cộng đồng hàng đầu của Ấn Độ, cho biết.
“48% người tiêu dùng thừa nhận đã mua các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất trong mùa lễ hội năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 29% trong năm nay, đánh dấu mức giảm 40% so với cùng kỳ năm trước về số lượng tuyệt đối người tiêu dùng Ấn Độ mua hàng sản xuất tại Trung Quốc.”
Liên đoàn các thương nhân Ấn Độ (CAIT) đã đưa ra tính toán của riêng mình về những thiệt hại mà người Trung Quốc phải gánh chịu trên thị trường Ấn Độ và cảm ơn các thương nhân và người tiêu dùng Ấn Độ về thành tích này.
“Hồi tháng 6/2020, [CAIT] đã đặt mục tiêu giảm nhập cảng của Trung Quốc thêm 1 lac crore [khoảng 15.38 tỷ USD] tính đến tháng 12/2021. Chúng tôi đang làm rất tốt và thực sự sẽ đạt mục tiêu của mình,” CAIT cho biết trên Twitter vào ngày 15/11.
Liên minh cho biết các thương nhân Ấn Độ đã bán được hơn 9.71 tỷ USD trong khi Trung Quốc ghi nhận khoản thụt giảm 5,4 tỷ USD trong mùa Diwali năm nay.
CAIT cho biết: “Hồ sơ đến từ 20 thành phố lớn trong bối cảnh tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc. Loại hình kiểu Aatmanirbhar Bharat [Ấn Độ tự lực cánh sinh] mà chúng tôi hướng tới.”
Liên minh, đại diện cho 70 triệu thương nhân Ấn Độ và 40,000 hiệp hội thương mại, đã công bố vào tháng 6 danh sách 500 loại sản phẩm Trung Quốc bị tẩy chay và bị thay thế bằng các sản phẩm của Ấn Độ.
Trong một bài báo được đăng tải ngay sau cuộc xung đột đẫm máu vào tháng 6, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng là Thời báo Hoàn cầu đã gọi các chiến dịch tẩy chay Trung Quốc ở Ấn Độ là “phi lý” và đổ lỗi cho Hoa Kỳ và chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về những chiến dịch này.
Khuyến nghị
Hệ thống khảo sát cho biết những người mua sản phẩm Trung Quốc làm như vậy vì chúng rẻ. Những người từ chối mua sản phẩm của Trung Quốc cho biết các sản phẩm của Ấn Độ nhìn chung đắt hơn cũng có chất lượng tốt hơn.
“Mặc dù trên cơ sở tổng thể, người tiêu dùng Ấn Độ đã chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm Trung Quốc trong năm nay, nhưng con đường quan trọng đối với chính phủ Ấn Độ và MSMEs [các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa] là làm cho sản xuất cạnh tranh hơn ở Ấn Độ và cải thiện quy mô,” LocalCircles viết.
“Nếu các sản phẩm chất lượng cao Made in India (sản xuất tại Ấn Độ) có thể được sản xuất trên quy mô lớn và giảm chi phí vốn cho MSME Ấn Độ thông qua sự hỗ trợ của chính phủ, thì các sản phẩm Made in India chắc chắn sẽ được người tiêu dùng Ấn Độ và thậm chí các thị trường bán lẻ khác trên thế giới ưa chuộng.”
Trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập hôm 15/8, ông Modi đã kêu gọi một Ấn Độ tự cường và nói rằng đất nước sẽ tạo ra các sản phẩm cho thế giới.
Ông nói “Đất nước chúng ta có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Điều cần thiết cấp bách là chúng ta bắt đầu làm gia tăng giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, và đưa đất nước lên một tầm cao mới.”