Hơn 14.000 chuyên gia y tế ký vào bản kiến nghị chống lại các chính sách phong tỏa
Hơn 14.000 nhà khoa học và các bác sỹ y khoa đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị phản đối các biện pháp phong tỏa được thiết lập để hạn chế sự lây lan của COVID-19, vì cho rằng các biện pháp này đang gây ra “những thiệt hại không thể khắc phục được”.
Tính đến ngày 8/10, hơn 9.400 bác sỹ y khoa và 4.900 nhà khoa học thuộc lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng đã cùng với hơn 120.000 người khác ký tên vào bản kiến nghị. Bản kiến nghị này được tạo ra vào ngày 4/10 và có giáo sư y khoa đại học Harvard Tiến sỹ. Martin Kulldorff, giáo sư đại học Oxford Tiến sỹ Sunetra Gupta, và giáo sư trường Y đại học Stanford Tiến sỹ Jay Bhattacharya là đồng tác giả.
“Với tư cách là các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, chúng tôi quan ngại sâu sắc về những tác động gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần do các chính sách COVID-19 hiện hành gây ra, và chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận mới gọi là Bảo vệ Tập trung (Focused Protection)”, theo bản kiến nghị có tiêu đề là Tuyên bố Great Barrington (Great Barrington Declaration) – dựa theo tên của thị trấn tại tiểu bang Massachusetts nơi nó được ký kết.
Bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt các chính sách phong tỏa hiện hành, nó cũng cho biết thêm rằng các chính sách này đang tạo ra “những tác động tàn phá” đối với sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo các bác sỹ, một số tác động tàn phá này bao gồm tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn, kết quả bệnh tim mạch tồi tệ hơn, các đợt thăm khám sàng lọc ung thư ít đi và sức khỏe tâm thần của người dân suy giảm. Họ lập luận rằng điều này trong tương lai sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao quá mức, tầng lớp lao động và thế hệ trẻ sẽ là những người “gánh chịu nặng nề nhất.”
“Bắt học sinh nghỉ học là một sự bất công nghiêm trọng”, bản kiến nghị tiếp tục. “Giữ nguyên các biện pháp này cho đến khi có vaccine sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được, những người chịu thiệt thòi về quyền lợi đã bị tổn hại một cách không tương xứng.”
Thay vào đó, các bác sỹ này kiên định với một cách tiếp cận thay thế là tập trung bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, trong khi nỗ lực để đạt được cái gọi là khả năng miễn dịch cộng đồng (herd immunity), mà họ mô tả là “Bảo vệ Tập trung”.
“Cách tiếp cận nhân ái nhất (compassionate approach) mà cân bằng giữa các rủi ro và lợi ích của việc đạt được miễn dịch cộng đồng là cho phép những người có nguy cơ tử vong rất nhỏ (minimal risk of death) được sống cuộc sống bình thường để xây dựng khả năng miễn dịch đối với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên, trong khi bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ [lây nhiễm dẫn đến tử vong] cao nhất”, các bác sỹ tuyên bố.
“Những người không dễ bị tổn thương nên được phép tiếp tục cuộc sống bình thường ngay lập tức”, bản kiến nghị cho biết thêm.
Các biện pháp an toàn bao gồm ở nhà khi không khỏe và rửa tay thường xuyên có thể giúp đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, bản kiến nghị nêu rõ. Trong khi đó những người trưởng thành trẻ tuổi “có nguy cơ thấp” có thể quay trở lại văn phòng thay vì làm việc ở nhà.
“Các nhà hàng và các doanh nghiệp khác nên mở cửa. Các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và các hoạt động văn hóa khác nên tiếp tục”, các bác sỹ khuyên nhủ. “Những người có nhiều rủi ro hơn có thể tham gia nếu họ muốn, trong khi toàn xã hội được hưởng sự bảo vệ bởi những người đã xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng.”
Bác sỹ Gupta, Kulldorff và Bhattacharya đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Vào tháng 8, Tiến sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cho biết Hoa Kỳ không cần thêm một đợt phong toả nào nữa để kiềm chế COVID-19, miễn là người dân Hoa Kỳ áp dụng “năm hoặc sáu biện pháp y tế công cộng cơ bản”.
Ông Fauci, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm xử lý virus corona của Toà Bạch Ốc, nói với chương trình radio “Pulse Check” của Politico vào ngày 5/8 rằng “chúng ta có thể vượt qua điều này mà không cần phải quay trở lại trạng thái đóng cửa”, nhưng chỉ khi mọi người tuân theo những biện pháp y tế cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, và vệ sinh kỹ lưỡng.
Trong hướng dẫn về ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh liệt kê sáu biện pháp để giữ gìn sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của con virus gây chết người này bao gồm: rửa tay, tránh tiếp xúc gần với người khác, luôn luôn che mũi và miệng khi ở xung quanh những người khác, luôn luôn che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó rửa tay ngay lập tức trong vòng ít nhất 20 giây, làm sạch và khử trùng hàng ngày các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Tom Ozimek đã đóng góp vào bản tin này.