Hơn 100 lao động Trung Quốc bị bắt giữ vì nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Lực lượng chức năng biên phòng Việt Nam gần đây đã bắt giữ hơn 100 lao động nhập cư Trung Quốc bị đưa lậu sang Việt Nam từ Quảng Tây, một khu tự trị ở miền nam Trung Quốc giáp với Việt Nam. Trong khi đó, các cư dân mạng cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang xây một bức tường dọc biên giới Việt – Trung để ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lao động nhập cư.
Thất nghiệp là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc do một lượng lớn các công ty và đầu tư nước ngoài rời khỏi đất nước này. Ngày càng nhiều người lao động Trung Quốc đi tìm việc làm ở các nước láng giềng, nhưng nhiều người trong số họ đã vượt biên trái phép.
Hôm 25/10, Lực lượng Chức năng Biên phòng Việt Nam đã bắt được hai nhóm lao động Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Quảng Tây. Theo các kênh truyền thông Việt Nam, Cục Biên phòng Công an tỉnh Lạng Sơn, miền Bắc Việt Nam đã bắt giữ 76 công dân Trung Quốc, và Cục Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam đã bắt giữ 25 công dân Trung Quốc.
Đài Châu Á Tự do (RFA) đưa tin hôm 28/10, trong cuộc thẩm vấn, những người bị bắt giữ tiết lộ rằng họ vốn làm việc ở Quảng Đông nhưng bị mất việc làm – kể từ đầu năm 2019, nhiều công ty nước ngoài đã rời tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam. Khi các công nhân này biết rằng công ty của họ đã chuyển đến Việt Nam, họ dự định đến Đà Nẵng ở Việt Nam để tìm việc làm.
Đài RFA đã phỏng vấn ông Guo Haiguang, người đứng đầu một nhóm doanh nghiệp Đài Loan tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Ông cho biết từ năm ngoái, nhiều người Trung Quốc đại lục đã đưa lao động nhập lậu vào Việt Nam để tìm việc làm.
“Trong những năm gần đây, có nhiều người từ phía bắc di chuyển vào đây, nhập lậu qua biên giới theo các đường mòn. Họ vượt biên chủ yếu từ Quảng Tây, và một số đến từ Vân Nam”, ông nói.
Ông Guo nói với đài RFA trong cuộc phỏng vấn rằng các công ty nước ngoài thường không thuê người nhập cư bất hợp pháp, nhưng các nhà máy nhỏ do người Trung Quốc làm chủ ở Việt Nam có thể thuê họ.
“Những người khác không dám, chỉ có người Trung Quốc đại lục dạn dĩ hơn, nhưng họ không phải là công ty lớn, chỉ là các công ty nhỏ”, ông nói. Người ta tin rằng các công ty Trung Quốc này ở Việt Nam đang tuyển dụng lao động nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc để tiết kiệm chi phí lao động.
Đài RFA trích dẫn tài khoản mạng xã hội Trung Quốc “Chuyện ở Việt Nam (Things in Vietnam)” trên mạng xã hội Tencent Weibo, báo cáo một vụ việc khác về việc công nhân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ. Theo bài đăng, Công an tỉnh Lạng Sơn và đội cảnh sát giao thông địa phương đã phối hợp bắt giữ 20 lao động từ Quảng Tây nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và 3 tài xế người Việt đã giúp họ. Hai trong số các tài xế có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy.
Một cư dân mạng đã đăng một đoạn video trên mạng xã hội Twitter cho thấy gần 1.000 kỹ thuật viên người Trung Quốc tại đèo Hữu nghị biên giới Trung – Việt ở Quảng Tây hôm 20/10. Họ đang trên đường đến Việt Nam để tìm việc làm.
10月20日,中越边境友谊关,大批中国人出关到越南打工! — 李 庆 Qing Li (@LQ0068) October 21, 2020
从“三十年河东,三十年河西”到“八年河东,八年河西”,我们走在“习近平新时代中国特色社会主义思想”的光辉大道上,步子越来越大,只争朝夕 …… 这风水轮流转,转的越来越快了 …… pic.twitter.com/I0m3aYH4rA
Các cư dân mạng tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng một bức tường bê tông dọc biên giới Việt – Trung để ngăn công dân Trung Quốc vượt biên trái phép. Biên giới đất liền Trung Quốc – Việt Nam dài khoảng 807 dặm (1.300 km). Theo một cư dân mạng đã đăng một đoạn video lên mạng xã hội Twitter, bức tường (cao khoảng 6 feet) sẽ được xây dọc theo toàn bộ biên giới.
广西中越边境正在建数百公里墙,以后全国边境44000公里全部建墙 。 — 冷山时评 (@lengshanshipin) October 11, 2020
美国建墙是防止你进,中共建墙是防止你逃! https://t.co/omONlH5VPr
Nhà kinh tế nổi tiếng He Qinglian đã viết trong một bài báo gần đây rằng trong nhiều thập kỷ, cho đến năm 2019, người lao động Việt Nam lẻn sang Trung Quốc để tìm việc làm; nhưng kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nhanh chóng trong năm nay, tình hình đã thay đổi.
Bà cho rằng việc nhập cư bất hợp pháp bị đảo ngược giữa Trung Quốc và Việt Nam cho thấy sự thịnh vượng của nền kinh tế Trung Quốc đã tàn phai, môi trường đầu tư trở nên xấu đi và Trung Quốc không còn là “công xưởng của thế giới” khi ngày càng nhiều công ty rời khỏi nước này – một phần của sự dịch chuyển toàn cầu to lớn trong ngành sản xuất hiện đang diễn ra.
Một doanh nhân đến từ tỉnh Quảng Tây, họ Chen, nói với đài RFA trong một cuộc phỏng vấn: “Sự phát triển kinh tế của Việt Nam giống như Thâm Quyến hồi đó… nên xu hướng chuyển dịch lao động sang Việt Nam về cơ bản là không thể tránh khỏi”.