Hơn 100 lãnh đạo thế giới ủng hộ thỏa thuận nhằm đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030
Hôm 01/11, chính phủ Anh Quốc thông báo rằng hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã cùng cam kết ủng hộ một thỏa thuận nhằm ngăn chặn cũng như đảo ngược nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
Các nhà lãnh đạo đại diện cho hơn 86% [diện tích] rừng trên thế giới đã đồng ý làm việc cùng nhau về Tuyên bố của các Lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng Đất tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, hay còn gọi là Hội nghị các Bên 26, tại Glasgow, Scotland.
Các nhà lãnh đạo trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Colombia Iván Duque, và Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu để thảo luận về các vấn đề chính liên quan đến sự nóng lên toàn cầu và đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mới.
Downing Street cho biết các cam kết này được hỗ trợ bằng 12 tỷ USD (8.75 tỷ bảng Anh) quỹ công từ 12 quốc gia tài trợ trong giai đoạn bốn năm từ năm 2021 đến năm 2025. Khoản tài trợ này sẽ hướng tới việc hỗ trợ các nước đang phát triển, khắc phục nạn cháy rừng, khôi phục đất đai bị suy thoái, và thúc đẩy quyền của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương.
Một khoản nữa trị giá 1.5 tỷ USD (1.1 tỷ bảng Anh) tiền đầu tư tư nhân sẽ đến từ 11 quốc gia và các nhà tài trợ hảo tâm sẽ được sử dụng để bảo vệ các khu rừng ở Lưu vực Congo, nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới, và “vô cùng quan trọng đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như phát triển bền vững trong khu vực,” chính phủ này cho biết.
Mười bốn quốc gia và các nhà tài trợ hảo tâm cũng cam kết tài trợ ít nhất 1.7 tỷ USD trong vòng bốn năm để “nâng cao quyền sở hữu rừng của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ vai trò của họ như những người bảo vệ rừng và thiên nhiên,” Downing Street cho biết.
Một khoản khác trị giá 7.2 tỷ USD (5,3 tỷ bảng Anh) tài trợ của khu vực tư nhân cũng đã được huy động.
Vùng đất được thỏa thuận tài trợ trải dài từ các khu rừng phía bắc của Canada và Nga đến các khu rừng mưa nhiệt đới của Brazil, Colombia, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo — với diện tích hơn 13 triệu dặm vuông.
Úc, Brazil, Trung Quốc, Đức, Israel, Nhật Bản, và Nga nằm trong số hơn 100 quốc gia tán thành thỏa thuận này.
Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson nói, “Những hệ sinh thái tràn đầy sự sống tuyệt vời này — những thánh đường của thiên nhiên — là những lá phổi của hành tinh chúng ta. Rừng hỗ trợ các cộng đồng, sinh kế, cung cấp lương thực, và hấp thụ khí carbon mà chúng ta bơm vào bầu khí quyển. Chúng rất cần thiết cho chính sự sống của chúng ta.”
“Với những cam kết chưa từng có hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của nhân loại với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người coi sóc cho nó.”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, “Indonesia may mắn là quốc gia giàu carbon nhất trên thế giới với những khu rừng nhiệt đới rộng lớn, rừng ngập mặn, đại dương và vùng đất than bùn. Chúng tôi cam kết bảo vệ các bể chứa carbon quan trọng này và vốn tự nhiên của chúng tôi cho các thế hệ tương lai.”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hỗ trợ các con đường phát triển bền vững nhằm tăng cường sinh kế của các cộng đồng — đặc biệt là người bản địa, phụ nữ, và nông hộ nhỏ.”
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, mặc dù đã tán thành thỏa thuận trên.
Chính phủ Anh Quốc cho biết, hiện tại, gần 23% lượng khí thải toàn cầu đến từ hoạt động sử dụng đất như khai thác gỗ, phá rừng, và trồng trọt.
“Đó là một tin tốt khi có một cam kết chính trị để chấm dứt nạn phá rừng từ nhiều quốc gia như vậy. … Việc các dân tộc bản địa cuối cùng đã được công nhận là những người bảo vệ rừng chính là điều đặc biệt đáng hoan nghênh,” ông Simon Lewis, giáo sư ngành khoa học về thay đổi toàn cầu tại Đại học College London, cho biết trong một tuyên bố.
“Tuy nhiên, thách thức thực sự không nằm ở việc đưa ra các thông báo, mà là đưa ra các chính sách và hành động hiệp đồng mang tính liên kết để thực sự giảm thiểu nạn phá rừng trên toàn cầu.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: