Hơn 100 CEO hối thúc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật cạnh tranh với Trung Quốc
Hôm thứ Tư (15/06), các giám đốc điều hành của các công ty Alphabet, Amazon.com và Tập đoàn Microsoft đã kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ trước Trung Quốc, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn.
Những giám đốc điều hành đó và hơn 100 người khác đã ký một lá thư thúc giục Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, hai cơ quan đã thông qua các phiên bản khác nhau của luật này, đạt được một thỏa thuận và gửi dự luật cho Tổng thống Joe Biden ký. Các nhà lập pháp sẽ có đợt nghỉ vào mùa hè tháng Tám, sau đó hầu hết các nhà quan sát dự đoán các nhà lập pháp sẽ chuyển sự chú ý của họ sang cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu năm nay.
Bức thư viết, “Các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của chúng ta đang đầu tư vào ngành công nghiệp, công nhân và nền kinh tế của họ, và Quốc hội phải gấp rút hành động để nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.”
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (SIA), tổ chức ký kết lá thư, cho biết đây là nhóm lớn nhất cho đến nay gồm các nhà lãnh đạo công ty tán thành dự luật.
Dự luật nói trên bao gồm 52 tỷ USD tài trợ liên bang để mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, điều này diễn ra trong các nhà máy được gọi là “fabs”, chữ viết tắt cho các nhà máy chế tạo (fabrication plants).
“Các nhà lãnh đạo trong ngành của chúng ta đang chịu áp lực buộc phải tập hợp các nhà máy để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với vi mạch bán dẫn. Và họ không thể chờ đợi được,” Giám đốc điều hành SIA John Neuffer cho biết, đồng thời nói thêm rằng dự luật này sẽ “bảo đảm rằng nhiều nhà máy trong số đó sẽ được xây dựng ở Hoa Kỳ thay vì ở hải ngoại.”
SIA cũng đang kêu gọi tín thuế đầu tư cho hoạt động sản xuất và thiết kế chất bán dẫn trong luật cạnh tranh.
Lãnh đạo Đa số Hạ viện Dân chủ Steny Hoyer cho biết ông hy vọng các nhà lập pháp có thể hoàn thành dự luật này vào cuối tháng. Ông nói thêm rằng Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện của Đảng Cộng Hòa Mitch McConnell đã nói với ông rằng “ông ấy sẽ không làm bất cứ điều gì để phản đối hoặc tác động tiêu cực đến việc cân nhắc dự luật này.”
Do Jane Lanhee Lee, Moira Warburton và Stephen Nellis của Reuters thực hiện