Hollywood lún sâu vào ‘vũng lầy’ kiểm duyệt Trung Quốc, gạt bỏ tự do ngôn luận
Theo một báo cáo mới của nhóm nhân quyền PEN America, Hollywood đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía Trung Cộng để kiểm duyệt các bộ phim, đe dọa đến tự do ngôn luận.
Áp lực kiểm duyệt ngày càng gia tăng của Hollywood
Bản báo cáo cho biết, Bắc Kinh đã sử dụng sức hấp dẫn của thị trường phim khổng lồ ở Trung Quốc, để buộc các hãng phim Hollywood kiểm soát hoặc thay đổi nội dung các bộ phim thông qua yêu cầu kiểm duyệt trực tiếp hoặc thông qua xu hướng tự kiểm duyệt đang gia tăng tại các hãng phim này. Báo cáo này dựa một phần vào các cuộc phỏng vấn với những người trong ngành.
Năm nay, thị trường điện ảnh Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua phòng vé Hoa Kỳ. Trong năm 2019, doanh thu từ thị trường tỷ dân này đã đạt mức 11.4 tỷ USD. Bắc Kinh chỉ cho phép 34 bộ phim quốc tế được trình chiếu tại nước này mỗi năm.
Bản báo cáo phát hành ngày 5/8 cho biết: “Bắc Kinh đã gửi một thông điệp rõ ràng đến giới làm phim, rằng các nhà làm phim mà chỉ trích Trung Quốc sẽ bị trừng phạt, nhưng những người tuân theo yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ của họ sẽ nhận được ‘phần thưởng’. Sản xuất ở Hollywood, kiểm duyệt bởi Bắc Kinh”.
“Trên thực tế, Trung Cộng nắm giữ quyền lực lớn quyết định việc một bộ phim Hollywood có thể thu về lợi nhuận hay không và giám đốc các hãng phim biết điều đó”.
Bản báo cáo đã thu thập rất nhiều trường hợp Hollywood tự kiểm duyệt trong nỗ lực xoa dịu Trung Cộng. Chẳng hạn, lá cờ Đài Loan đã được gỡ bỏ khỏi áo khoác của Tom Cruise trong phần tiếp theo của phim “Top Gun” sắp ra mắt. Một phân cảnh trong bộ phim về xác sống năm 2013 tên “World War Z” (“Thế chiến Z”) đã được thay đổi để bỏ đi nội dung ngụ ý Trung Quốc là nguồn gốc của sự bùng nổ xác sống (zombie).
Hollywood tiếp tay cho Trung Cộng làm xói mòn tự do ngôn luận
Trong một tuyên bố, ông James Tager – tác giả chính của bản báo cáo và là phó giám đốc nghiên cứu và chính sách tự do ngôn luận tại PEN nhận định: “Dù một số thay đổi này có vẻ như là một sự thay đổi nhỏ: loại bỏ hình cờ Đài Loan ở đây hoặc xóa bỏ một phần cốt truyện nhỏ ở kia, thì việc liên tục cắt giảm vì kiểm duyệt như vậy đối với tự do văn hóa và nghệ thuật, sẽ tắt đi những tiếng nói trái chiều và có thể làm lệch đi những nhận thức toàn cầu được định hình bởi những bộ phim có sức ảnh hưởng”.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr lên tiếng chỉ trích Hollywood hồi tháng trước vì đã “quỳ phục” trước Trung Cộng chỉ vì lợi nhuận.
Ngày 16/7, ông Barr nói: “Mỗi năm tại lễ trao giải Oscar, công dân Hoa Kỳ thường được rao giảng rằng đất nước này thiếu đi những lý tưởng công bằng xã hội của Hollywood. Nhưng giờ đây, Hollywood lại thường xuyên kiểm duyệt các bộ phim do chính mình sản xuất để chiều lòng Trung Cộng – kẻ vi phạm nhân quyền có quyền lực nhất thế giới”.
Áp lực từ Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở những bộ phim dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Báo cáo dẫn lời ông Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Nam California, người đã cảnh báo rằng chế độ này “sẽ tập trung vào tất cả mọi thứ có chứa yếu tố về Trung Quốc trong đó”.
Giáo sư Rosen nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng nếu bạn làm một việc gì đó mà không dành cho Trung Quốc, ví dụ một bộ phim độc lập dành cho một thị trường nhỏ, thì [Trung Cộng] sẽ không chú ý và sẽ không gây tác động tới bộ phim bom tấn của bạn. Họ sẽ làm”.
Một nhà sản xuất từng làm việc cho một số dự án do Trung Quốc tài trợ đã nói với PEN rằng: “Hầu hết mọi người không dám chống đối Trung Quốc, bởi vì họ lường trước được việc ‘Tôi sẽ không bao giờ được làm việc nữa’”.
PEN nhấn mạnh rằng nhiều nhà sản xuất và nhà biên kịch được phỏng vấn đã yêu cầu không được công khai danh tính, vì lo sợ bị trả thù về tài chính và gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp nếu họ công khai chỉ trích tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng ở Hollywood.
Bản báo cáo cũng nói rằng các sản phẩm chung giữa các hãng phim Hoa Kỳ và Trung Quốc có điều kiện đi kèm là yêu cầu kiểm duyệt. Kiểu hợp tác chung này cho phép Hollywood thâm nhập vào thị trường Trung Quốc theo một cách khác. Những sản phẩm chung kiểu này đã cho phép Trung Cộng thúc đẩy quảng bá thông điệp chính trị của mình. Chẳng hạn, bộ phim hoạt hình “Abominable” năm 2019 có sử dụng hình ảnh một tấm bản đồ có đường 9 đoạn do Trung Cộng sử dụng để đề ra các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Các tuyên bố này của Bắc Kinh vốn bị một số quốc gia Đông Nam Á phản đối và bị tòa án quốc tế phán quyết là bất hợp pháp vào năm 2016.
Khoản đầu tư ngày càng tăng từ Trung Quốc vào Hollywood cũng mang lại áp lực gián tiếp, buộc các nhà làm phim phải làm hài lòng các nhà kiểm duyệt ở Trung Quốc. “Các nhà đầu tư có các ưu đãi mạnh mẽ để đảm bảo rằng các đối tác Hollywood của họ và Ban Tuyên giáo Trung ương của [Trung Cộng] thống nhất với nhau”, báo cáo khẳng định.
Tác giả: Cathy He