Hokusai: ‘Kẻ say họa’
Nhiều người biết đến họa sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai với bức tranh in nổi tiếng “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” của ông. Vâng, Hokusai là “một kẻ say họa”, như ông từng tuyên bố ở một trong những chữ ký của mình, trợ lý giám tuyển của Quỹ Tài Trợ Nghệ Thuật Nhật Bản, Frank Feltens, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Hokusai cực kỳ thích vẽ, Feltens giải thích. Các bức tranh của Hokusai trong hơn sáu thập kỷ là một phần của cuộc triển lãm kéo dài một năm mà Feltens làm giám tuyển: “Hokusai: Kẻ Say Họa” tại Bảo Tàng Quốc Gia Nghệ Thuật Châu Á Smithsonian (Phòng trưng bày Nghệ thuật Freer và Phòng trưng bày Arthur M. Sackler). Triển lãm cho thấy tình yêu lớn lao của Hokusai dành cho hội họa.
Triển lãm khai mạc vào tháng 11 năm 2019, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của người sáng lập Phòng Trưng Bày Freer, Charles Lang Freer. Và đây sẽ là một trong những buổi triển lãm đầu tiên mà du khách có thể ghé thăm khi bảo tàng mở cửa trở lại, ngày diễn ra vẫn chưa được công bố.
Triển lãm tập trung vào 120 tác phẩm của Hokusai từ bộ sưu tập Freer, bộ sưu tập lớn nhất thế giới gồm các bản phác thảo và tranh vẽ của Hokusai. Freer đã quy định trong di chúc rằng bộ sưu tập của ông không bao giờ được đem khỏi phòng trưng bày.
Hokusai (1760–1849) sống trong thời kỳ Edo của Nhật Bản (1603–1867), khi đất nước gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài và văn hóa truyền thống Nhật Bản đang trong thời kỳ hưng thịnh.
Feltens chia sẻ thông tin về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản và cách mà Hokusai trở thành một họa sĩ. Anh cũng đưa ra một vài ví dụ về những bức tranh rất đa dạng và đầy thú vị của Hokusai.
The Epoch Times: Hokusai là một họa sĩ lao động không biết mệt mỏi cho đến ngày ông mất. Hãy cho chúng tôi biết Hokusai đã trở thành một họa sĩ như thế nào?
Frank Feltens: Hokusai sinh ra ở Edo, ngày nay là Tokyo. Khi còn là một cậu bé, ông học việc trong một xưởng in. Vậy nên thay vì học để trở thành một họa sĩ, ông học cách khắc các mộc bản, cách in và sau cùng trở thành một nhà thiết kế in ấn. Lúc đầu, ở tuổi thiếu niên và thuở đôi mươi, ông in những hình minh họa chủ yếu dành cho những quyển kibyoshi “bìa vàng”; về cơ bản đây là những cuốn tiểu thuyết rẻ tiền.
Tiến lên những nấc thang của sự nghiệp, ông thể hiện tài năng phi thường ngay từ đầu và bắt tay với việc tạo ra những bản in phức tạp hơn. Sau cùng ở độ tuổi 30, ông quyết định đa dạng hóa sản phẩm của mình và đồng thời trở thành họa sĩ.
Vào cuối những năm 60 hoặc đầu những năm 70, Hokusai quyết định trở thành một họa sĩ độc quyền, mà đối với ông, đó là một nghề cao quý và thể hiện được kỹ năng nghệ thuật của ông hơn là khía cạnh thương mại và sự lao lực của nghề in.
The Epoch Times: Tại sao anh nghĩ rằng Hokusai đã chờ đợi quá lâu để trở thành một họa sĩ khi ông ấy tin rằng đó là một truyền thống cao quý?
Feltens: Đơn giản vì đức khiêm nhường của ông. Trong hệ thống học việc truyền thống của Nhật, điều quan trọng nhất là học và học cách quan sát, hơn là sản xuất hay sáng tạo cái riêng của mình.
Ba mươi là một khởi đầu tương đối muộn đối với một họa sĩ, nhưng đó không phải là điều hiếm thấy ở Nhật Bản. Rất nhiều người đổi sang nghiệp họa sĩ từ một nghề khác ở độ tuổi 30.
Những ai được học vẽ trực tiếp từ thời ấu thơ và niên thiếu thường được sinh ra hoặc làm con nuôi tại một trong những xưởng vẽ lớn như Kano hoặc Tosa, những xưởng vẽ gia truyền có ở khắp Nhật Bản. Hokusai không thuộc những xưởng vẽ đó mà là trong ngành công nghiệp tranh mộc bản, vì vậy trước hết ông tập trung vào con đường đó cho việc học của mình.
The Epoch Times: Vui lòng cho chúng tôi biết Hokusai có tiếp nhận sự ảnh hưởng của nghệ thuật nào không? Ví dụ, ông có được truyền cảm hứng từ các văn hóa khác nhau đến từ Edo, Tokyo ngày nay không?
Feltens: Đúng vậy. Nhật Bản đã bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong thời kỳ Edo. Mạc phủ Tokugawa, nhà cai trị quân sự phong kiến, chỉ cho phép nhập khẩu rất hạn chế và có chỉ thị nghiêm ngặt đối với các mặt hàng tuyển lựa từ ngoại quốc, nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Biên giới của quốc đảo Nhật Bản quản lý mềm mỏng hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ. Rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu: ví như sách khoa học phương Tây, tranh ảnh phương Tây, tranh ảnh từ Trung Quốc và những nơi tương tự.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tiếp xúc và tiếp thu nhiều từ hội họa Phục Hưng phương Tây ở những phương diện như phối cảnh một điểm tụ, tranh in mộc bản (có độ tương phản mạnh giữa ánh sáng và bóng đổ).
Tôi luôn nghĩ Hokusai là người tuyệt vời nhất trong thời đại của ông, nếu không muốn nói là của cả thời Edo. Ông hợp nhất những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Đông Tây. Và đó là một trong những lý do, tôi nghĩ rằng tác phẩm của ông vẫn rất phổ biến cho đến ngày nay, bởi vì nó trông rất Nhật Bản nhưng nó cũng hấp dẫn người phương Tây với những quan niệm thường có khi nói về nghệ thuật nên được thể hiện như thế nào: đối tượng xa gần trong không gian, phối cảnh, tính tự nhiên, chú ý đến khuôn mặt, chú ý đến sự miêu tả và tỷ lệ chính xác. Thực ra, tất cả những khía cạnh đó không đóng vai trò chính trong hội họa truyền thống Nhật Bản, vì thẩm mỹ được hiểu theo một cách khác. Nhưng Hokusai đã kết hợp tất cả những điều này vào các tác phẩm của mình và tạo ra một thứ gì đó, vào thời của ông, rất nổi bật và vẫn cực kỳ nổi bậc cho đến ngày nay.
Nói chung, thước đo đánh giá đỉnh cao trong hội họa truyền thống Nhật Bản (được viết bởi các nhà bình luận từ cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 19) là luôn học hỏi từ quá khứ và biến kiến thức đó thành một điều gì đó mới mẻ.
The Epoch Times: Một trong những bức tranh rất bắt mắt của Hokusai là “Suikoden”. Hãy cho chúng tôi biết về bức tranh đó.
Feltens: Đó là một trong những bức yêu thích của tôi. “Suikoden” về cơ bản là một câu chuyện đạo đức, làm việc tốt sẽ được phúc báo. Nó mô tả một câu chuyện nổi tiếng của Trung Hoa về một nhóm gồm 100 tên cướp. Câu chuyện truyền thống Trung Hoa này có tên là “Thủy Hử”. Những kẻ ngoài vòng pháp luật tất nhiên sống ở rìa xã hội, nhưng cuối cùng những tên cướp này đã giúp hoàng đế thắng trận, vì vậy ông đã ân xá và chào đón họ hòa nhập lại xã hội.
Đó là một câu chuyện khá phức tạp của Trung Hoa, rất phổ biến trên sân khấu Nhật Bản, đặc biệt là nhà hát Kabuki, và vì vậy có nhiều vở kịch về câu chuyện này. Hokusai đã tạo ra một số tác phẩm in bằng cách sử dụng “Suikoden” làm chủ đề. Rõ ràng, ông chưa đọc câu chuyện gốc mà là xem kịch, đây là cách thưởng thức văn học phổ biến trong một số thời điểm nhất định.
Bức tranh là một tác phẩm chưa hoàn thành; chúng tôi không biết liệu nó có chủ ý vậy hay Hokusai chưa hoàn thành nó. Nếu là cố tình bị bỏ dở, nó có thể là một tài liệu hướng dẫn học trò cách vẽ. Ví dụ, trong hội họa truyền thống Nhật Bản, loại tác phẩm đa sắc này đòi hỏi khá nhiều công sức, vậy nên chúng thường không được vẽ bởi một họa sĩ duy nhất mà được thực hiện bởi người thầy và các học trò của ông, rất mang tinh thần của xưởng vẽ Phục Hưng. Có nhiều sự trùng hợp trong các tác phẩm Phục Hưng và Nhật Bản, mà không phải là do chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhau.
Trong hội họa truyền thống của Nhật Bản, thầy sẽ đi nét viền, tạo bố cục và mọi thứ mà bạn thấy ở đây là trắng-đen. Sau đó, các trò sẽ được yêu cầu tô màu quần áo và các họa tiết trên trang phục, cùng tất cả các phụ kiện mà những nhân vật này có. Cuối cùng, thầy sẽ lại vẽ khuôn mặt của các nhân vật.
Nhưng Hokusai đã đảo ngược quá trình đó ở đây, vì có thể thấy một số khuôn mặt của những nhân vật đang vẽ dở đã được tô màu, do đó Hokusai đã bước ra khỏi quy trình truyền thống. Đối với tôi, chỉ một điểm đó thôi đã tóm gọn toàn bộ con người Hokusai, bởi vì ông đặc biệt chú ý đến tướng mạo và tính cách, tính cá nhân của đối tượng – và đó không chỉ ở con người mà còn ở những vị Thần, hay thậm chí chỉ là những con sóng biển.
Nếu bạn nghĩ về bức tranh “Sóng Lớn”, ông đang xem xét bản chất của con sóng là gì. Và vì vậy “Suikoden” của Hokusai là một tuyên ngôn đối với tôi, một tuyên ngôn không chủ ý, nói với người xem rằng Hokusai đặt nhân vật (bản chất của một cái gì đó) lên hàng đầu và sau đó chuyển đến các đặc điểm hình thể.
Giải thích thêm về những thanh màu đen mà bạn thấy ở đây. Đó là những cartouches (một kiểu chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại) với dòng chữ bằng vàng đề tên của từng tên cướp. Nếu bức tranh đã được hoàn thành, nó sẽ là một bức tranh cuộn vô cùng xa hoa.
Một bức tranh xa hoa như thế này, được vẽ bằng những màu sắc lộng lẫy trên lụa, sẽ khá đắt vào thời điểm đó, vậy đây từng là đơn đặt hàng của ai đó khá giàu có. Khi ông vẽ những bức tranh cuộn, và gần như trong suốt sự nghiệp họa sĩ của mình, ông là một họa sĩ rất được săn đón, một trong những họa sĩ được săn đón nhiều nhất trong thời đại của ông.
The Epoch Times: Xin anh kể về cặp tranh cuộn treo về tiều phu và người đánh cá.
Feltens: Chúng được thực hiện trong sáu tháng cuối đời của ông. Nếu bạn nhìn kỹ các bức tranh và nếu có cơ hội bạn có thể xem trên trang web của chúng tôi, bạn sẽ nhận thấy rằng chữ ký và các nét viền trong tranh không phải là những đường ổn định như trong những bức tranh trước đó của Hokusai, thậm chí cả những tranh trước đó chỉ một hoặc hai năm. Có thể thấy bàn tay run rẩy của một người đàn ông già yếu, không làm chủ được cơ thể của mình nữa.
Ngư – Tiều là những chủ đề mang nhiều ý nghĩa văn hóa ở Nhật Bản. Họ là những chủ đề trong nhà hát kịch Noh, là hình thức sân khấu thời trung cổ của Nhật và vẫn tiếp tục cho đến nay. Nhưng họ cũng là hiện thân của Hokusai trong cuộc sống sau này. Khuôn mặt cả hai nhân vật đầy mãn nguyện với thành quả dưới chân. Lão tiều và lão ngư kết thúc một ngày lao động vất vả và họ đang bày ra thành quả lao động của mình. Và theo cách đó, một phép ẩn dụ nhỏ cho thấy cuộc đời của Hokusai sắp kết thúc.
Bài phỏng vấn này đã được chỉnh sửa cho rõ ràng và ngắn gọn.
Để tìm hiểu thêm về triển lãm “Hokusai: Mad about Painting” tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á Smithsonian, Washington, bao gồm cả ngày mở cửa trở lại, hãy truy cập Asia.si.edu.