Hội thảo trực tuyến: Thế giới phải liên minh chống lại những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc
Theo một hội nghị trực tuyến, thị trường béo bở và các cơ hội kinh tế của Trung Quốc đã khiến phương Tây không tập trung vào–hoặc khoan dung hơn–với những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, nhưng năm 2020 đã chứng kiến mọi người thức tỉnh về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, và mối đe dọa rộng lớn hơn của chế độ cộng sản đối với thế giới.
Hôm 14/01, các chuyên gia về nhân quyền và các vấn đề quốc tế đã cùng nhau tham dự một sự kiện hội thảo trực tuyến với chủ đề “Con đường phía trước, Phần II: Bảo vệ Nhân quyền ở Trung Quốc” để xem xét tình hình lạm dụng nhân quyền của Trung Cộng trong năm vừa qua, và tìm cách ngăn chặn các hành vi tàn ác của đảng này trong tương lai.
Ông Benedict Rogers, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, tuyên bố: “Chúng tôi chỉ trích và chống lại sự đàn áp của Trung Cộng, nhưng chúng tôi không chống lại Trung Quốc hay người dân Trung Quốc.”
Ông Rogers giải thích, “đúng vậy, chính vì tôi yêu con người và nền văn hóa Trung Quốc, nên tôi muốn nền văn minh vĩ đại và cổ xưa này thành công, và tôi muốn người dân Trung Quốc có được những nhân quyền mà chúng ta luôn có nhưng không quá coi trọng ở các quốc gia của chúng ta, những quyền mà họ đã bị khước từ quá lâu, nhưng họ xứng đáng được hưởng.”
Sự kiện này do Viện Macdonald-Laurier tổ chức, như một phần của một loạt các cuộc thảo luận về các vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, chẳng hạn như chiến dịch đàn áp đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công, vốn bắt đầu từ năm 1999, cũng như đàn áp và ngược đãi đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Mông Cổ.
Hội thảo cũng đề cập đến các chính sách kinh tế và an ninh ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, Đài Loan và thế giới nói chung, cũng như cách mà các chính phủ của thế giới tự do và Liên Hiệp Quốc đã thờ ơ hoặc thậm chí đồng lõa trong việc để những hoạt động này của Trung Cộng tiếp tục mà không bị kiểm soát.
Ông Rogers cho rằng đã đến lúc các quốc gia phải sát cánh cùng nhau, và đoàn kết chống lại Trung Cộng.
“Tôi nghĩ đã đến lúc phải đoàn kết. Tôi nghĩ thế giới tự do cần sát cánh cùng nhau,” ông nói và lưu ý rằng “đây cũng là lúc cần phải có những hành động thực tế và cụ thể. Rất rõ ràng rằng có những tuyên bố mạnh mẽ—những tuyên bố mà chúng ta đã thấy xuất hiện ngày càng nhiều hơn và rất được hoan nghênh—nhưng chỉ có những tuyên bố mạnh mẽ không thôi thì không thể đạt được kết quả mong muốn.”
Thỏa thuận với Ma quỷ: Tiền của Trung Cộng làm thế giới im lặng
Theo hội thảo trực tuyến, những vi phạm nhân quyền đã tồn tại ở Trung Quốc kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Trung Cộng kiểm soát vào năm 1949.
Khi gia nhập Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, Trung Cộng đã khẳng định sự chấp thuận của quốc gia mình đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Sau đó, đảng này đã ký kết một loạt các công ước khác liên quan đến nhân quyền, theo ông Dean Baxendale, đồng chủ tịch của hội thảo và là chủ tịch của Quỹ Dân chủ Trung Quốc.
“Bất chấp tư cách là một bên ký kết các công ước này và việc Trung Quốc được cho là đã chấp thuận học thuyết nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Trung Cộng đã tự khiến quốc gia mình trở thành một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới,” ông Dean phê phán.
Hội thảo trực tuyến cho thấy sự chấp thuận ngầm của các tổ chức quốc tế và các tổ chức kinh tế và chính trị đã cho phép Trung Cộng thoát khỏi những vi phạm nhân quyền của mình. Ví dụ, một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc hồi tháng 03/2020 đã chỉ ra 83 thương hiệu toàn cầu—bao gồm Amazon, Apple và Nike—đã thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
“Trong nhiều năm, Canada và các nước đồng minh được cho là cùng chung các giá trị với chúng ta dường như đã tính toán tham gia vào một thỏa thuận với ma quỷ—thông qua ngoại giao mà có được cơ hội kinh tế và thương mại với Bắc Kinh—để đổi lấy sự im lặng của chúng ta trước sự lạm dụng có hệ thống và được ghi chép rõ ràng của Trung Cộng đối với những nhóm người thiểu số tôn giáo và sắc tộc,” ông Baxendale chỉ trích.
Thức tỉnh và hợp tác toàn cầu
Theo hội thảo trực tuyến, cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với Hồng Kông và việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ và người Mông Cổ của đảng này trong năm 2020 là lời cảnh tỉnh cho mọi người trên khắp thế giới. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ giám sát và xuất cảng “chủ nghĩa chuyên chế công nghệ” là những mối đe dọa thực sự đối với tất cả mọi người trong xã hội kỹ thuật số hiện đại.
Bà Carolyn Bartholomew, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc tuyên bố: “Những người sẵn sàng làm ngơ trước những thủ đoạn lạm dụng nhân quyền khủng khiếp của Trung Quốc ngay trong chính Trung Quốc giờ đây buộc phải đối mặt với việc Trung Quốc đang cố gắng xuất cảng một loạt các thủ đoạn đó.”
Bà Bartholomew cho rằng khi có nhiều người hơn nhận ra các mối đe dọa của Bắc Kinh, các cộng đồng nhân quyền sẽ có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy các chính sách cứng rắn hơn về an ninh quốc gia và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
“Kể từ tháng 08/2018, khi Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng có tới gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ theo đạo Hồi khác [hiện đang bị giam giữ] trong những nơi mà người Trung Quốc gọi là trại cải tạo, càng ngày càng có nhiều cá nhân dũng cảm đã đứng ra hành động để phơi bày sự thật về cuộc sống đằng sau các bức tường của các trại,” bà Rahima Mahmut–giám đốc dự án người Anh của tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC) đồng thời là cố vấn của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC)–cho biết.
Hôm 12/01/2021, Canada và Anh Quốc đã công bố các biện pháp nhằm ngăn chặn hàng hóa sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương xâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương tự, hôm 13/01, Tổng thống Donald Trump cũng đã cấm nhập cảng tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương.
“Chúng tôi hoan nghênh hành động này, đó là một hành động nhỏ, nhưng là bước đi đầu tiên của Anh Quốc và Canada. Chúng tôi cảm thấy rằng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt rõ ràng đối với các cá nhân và công ty đang lạm dụng quyền của người Duy Ngô Nhĩ, là rất quan trọng,” bà Mahmut nhấn mạnh.
Con đường phía trước: các hành động toàn cầu, liên minh và biện pháp trừng phạt
Hội thảo cũng tìm hiểu các đề nghị cho một phản ứng toàn cầu phối hợp—điều này nói thì dễ hơn là làm, theo bà Mareike Ohlberg, thành viên cao cấp của Chương trình Á Châu tại Quỹ Marshall Đức.
Bà Ohlberg tuyên bố, “chúng tôi đã chứng kiến ngày càng nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới nhận thức được về thách thức [mang tính toàn cầu này]. Tuy nhiên, việc tìm ra chính sách đúng đắn đối với Trung Quốc thường giống như cứ tiến lên được một bước, thì bị lùi lại hai bước.”
Các tham luận viên của hội thảo đã đưa ra các ý tưởng giúp chống lại các hành vi lạm dụng nhân quyền trong nước của Trung Cộng, cũng như việc ngăn chặn xuất cảng chương trình nghị sự độc tài của nó.
Là chủ tịch phái đoàn quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và đồng chủ tịch IPAC, thành viên Nghị viện Âu Châu Reinhard Butikofer đã ủng hộ cho ý tưởng về một “liên minh các nền dân chủ,” vốn không những vượt ra ngoài những lời hứa suông về tổ chức, mà còn dẫn đến những nỗ lực thiết thực giữa các quốc gia dân chủ đề “tương trợ và bảo vệ lẫn nhau” trong việc chống lại Trung Cộng.
Ông Butikofer nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng tinh thần sẵn sàng không dung thứ cho những mưu toan của Trung Quốc nhằm tách biệt và chia rẽ các quốc gia Âu Châu và các quốc gia dân chủ khác để đàm phán đơn phương với từng nước một là điều trên thực tế rất cần thiết, ngoài việc tổ chức một hội nghị lớn. Nếu chúng ta không đoàn kết các nền dân chủ trong cuộc sống thường nhật, thì liên minh sẽ không tồn tại.”
Nghị sỹ Anh Quốc Stephen Kinnock, Bộ trưởng đối lập phụ trách Á Châu của Đảng Lao Động, đã đề nghị hai “trụ cột chiến lược” mà Anh Quốc có thể áp dụng. Một là giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Cộng bằng cách xây dựng cơ sở công nghệ của riêng mình, và hai là tăng cường liên minh với các nước dân chủ khác.
Cụ thể, ông Kinnock cho rằng Anh Quốc nên đưa các đảng viên Trung Cộng vào danh sách trừng phạt Magnitsky của mình. Ông Kinnock nêu rõ Đạo luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 của Anh Quốc không đủ mạnh để thực thi trách nhiệm giải trình về nhân quyền của các tập đoàn và chuỗi cung ứng; thay vào đó, ông Kinnock đề nghị ban hành luật giống như Luật Nghĩa vụ Cẩn trọng của Doanh nghiệp Pháp năm 2017, vốn có thể trực tiếp trừng phạt các công ty vi phạm hoặc hưởng lợi bất chính từ vi phạm nhân quyền.
Giáo sư luật Irwin Cotler–cựu Bộ trưởng Tư pháp thuộc Đảng Tự Do–hiện đang là chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg và đồng chủ tịch IPAC Canada–đã liệt kê 10 biện pháp có thể thực hiện để chống lại các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc:
- Hỗ trợ công việc của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc;
- Thiết lập một liên minh dân chủ liên chính phủ song song để bảo đảm công lý và sự ổn định;
- Nâng cao quyết tâm của nghị viện trong việc coi các hành vi tàn ác hàng loạt chống lại người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng;
- Khởi xướng hỗ trợ toàn cầu cho các lệnh trừng phạt Magnitsky;
- Thực hiện biện pháp cấm nhập cảng các sản phẩm sản xuất bởi lao động nô lệ và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác hàng loạt;
- Kêu gọi Liên Hiệp Quốc chỉ định một cuộc điều tra quốc tế, độc lập và công bằng về các hành vi tàn ác hàng loạt ở Tân Cương;
- Kêu gọi các hành động pháp lý để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus COVID-19;
- Tạo khung pháp lý về nhập cư và tỵ nạn cho người Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ trốn chạy khỏi sự đàn áp;
- Lên tiếng phản đối việc Trung Cộng giám sát người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại;
- Vận động Hiệp hội Luật sư Quốc tế và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ để vạch trần sự chà đạp của Trung Cộng đối với pháp quyền và các luật sư nhân quyền.
Ông Đằng Bưu (Teng Biao), một luật sư của Trung tâm Chính sách Nhân quyền Carr ở tiểu bang Massachusetts, tuyên bố mối đe dọa của Trung Cộng “không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn là vấn đề của toàn cầu.”
“Nếu thế giới tiếp tục xoa dịu cộng sản Trung Quốc, đó sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người. Và các giá trị phương Tây cũng như nền dân chủ tự do và xã hội cởi mở sẽ gặp nguy hiểm. Về cơ bản chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình về Trung Cộng,” ông Đằng Bưu chỉ rõ.
Theo người chủ trì hội thảo và thành viên cao cấp Charles Burton của Viện Macdonald-Laurier, có khoảng 6,000 người đã xem hội thảo trực tuyến này. Các câu hỏi của khán giả thể hiện mong muốn tìm hiểu về những gì thanh niên, dân thường và cộng đồng Hoa kiều có thể làm để góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn của Trung Cộng.
“Sau cùng, vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc sẽ liên quan đến tất cả chúng ta,” bà Ohlberg khẳng định.
Andrew Chen
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: