Hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập: Cuộc họp phí thì giờ? Không hẳn
Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng đã hội đàm thông qua một hội nghị trực tuyến hôm 15/11.
Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh như vậy, ban bình luận (mà tác giả bài viết này là một thành viên) đã làm việc quá sức để dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Và ngay sau đó, đã có hàng triệu từ được viết ra (mỗi ngày) về những gì đã diễn ra và tất cả những điều này có nghĩa là gì – nhìn chung với rất ít quan tâm đến bất kỳ độ tương thích nào với những gì mà họ đã viết trong thời gian chuẩn bị [trước khi diễn ra hội nghị].
Trong tình huống này, thật dễ dàng để mô tả những gì đã diễn ra. Ông Biden đã thể hiện “vị thế” của mình. Và ông Tập cũng tuyên bố rõ về “vị thế” của mình với “người bạn cũ” Biden của ông ta. Thật chẳng có gì để lấy làm ngạc nhiên.
Nhưng ở đây có một cái nhìn sâu sắc hơn bởi theo một số cách quan trọng, nó hữu ích hơn so với những gì mà người ta vẫn tưởng.
Hiếm khi tại các cuộc họp như thế này, một bên lại xuống nước, hoặc cả hai bên đồng thời nhận ra rằng sự khác biệt giữa họ chỉ là một sự hiểu lầm lớn.
Và không có điều gì trong cuộc họp giữa Biden-Tập cho thấy hai bên sẵn sàng thỏa hiệp hay lùi một bước.
Thật vậy, ngay sau đó, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) tiếp tục điều một lượng lớn phi cơ quân sự đến Đài Loan, và Hải quân Trung Quốc đã điều một tàu ngầm hạt nhân đi xuống giữa Eo biển Đài Loan – nổi hẳn lên mặt biển để gây chú ý.
Và Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã đánh đuổi một tàu tiếp viện của Philippines đang trên đường tiếp tế cho Thủy quân Lục chiến Philippines trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Thomas thứ Hai) — bên trong vùng biển của Philippines. Đây là một hành động khiêu khích và thử thách đối với quyết tâm của Hoa Kỳ.
Cũng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có xu hướng thực hiện bất kỳ cử chỉ nào sau đây để giảm căng thẳng hoặc bày tỏ thiện chí:
- Giảm sức ép đối với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông.
- Rút lực lượng PLA từ biên giới Ấn Độ trở về, ngừng – hoặc chí ít là làm chậm lại – việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong cùng một khu vực mà tốt nhất là được tận dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự (nhưng có lẽ chỉ về mặt quân sự), và giảm bớt sự hiện diện của họ trên Cao nguyên Tây Tạng.
- Nới lỏng việc xâm phạm vào vùng lãnh hải của Indonesia.
- Phóng thích các trại tập trung ở Tân Cương.
- Thả ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và các nhân vật đại diện cho tự do khác của Hồng Kông khỏi nhà giam.
- Giảm bớt việc xây dựng lực lượng quân sự.
- Ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.
- Chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Úc.
Có thể nói một cách hợp lý rằng những cuộc họp như thế này là vô ích. Nhưng có một sự hữu ích nhất định là các bên có thể đánh giá lẫn nhau — và xem liệu có không gian nào cho sự linh động hoặc thỏa hiệp – hoặc đánh hơi được sự yếu nhược (hoặc phát hiện ra sức mạnh) – hay không, trong trường hợp giả định rằng những con ong thợ đã không đoán biết trước được điều đó.
Và một số chuyên gia lập luận rằng các cuộc họp trực tiếp – thậm chí là trực tuyến – cho phép những người tham gia gặp gỡ (và nghĩ về) nhau như những con người và do đó, làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột trong khi tăng cơ hội “đột phá”.
Có lẽ vậy. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp là sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu và/hoặc giới chức cao cấp của các quốc gia tham dự một cuộc họp, chỉ một thời gian ngắn sau, quân đội của họ bắt đầu tàn sát lẫn nhau.
Dù sao đi nữa, ít ra đã có một kết quả rất hữu ích trong cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Biden-Tập, ngay cả khi không bên nào chịu thay đổi lập trường của mình.
Quý vị thấy đấy, các tuyên bố và bài diễn văn chính thức của Trung Quốc trong cuộc họp mang lại cái nhìn sâu sắc về những gì mà Bắc Kinh đang lo ngại nhất. Và chính phủ Hoa Kỳ nên nhận ra rằng điều đó là hữu ích trong việc điều chỉnh chiến lược về Trung Quốc của mình.
Đài Loan: Bắc Kinh coi Đài Loan là một mối quan tâm cốt lõi và thề sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết, nếu cần, để đánh chiếm Đài Loan. Đây không chỉ đơn thuần là mong muốn chiếm hữu những gì mà Trung Cộng tuyên bố là lãnh thổ đã mất, mà sẽ còn là đòn giáng rất lớn về mặt chiến lược, quân sự, và chính trị đối với Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ hùng mạnh không thể bảo vệ 24 triệu công dân tự do ở Đài Loan, sẽ có những tác động lan truyền ra toàn thế giới – đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Các quan chức của TT Biden phải nhận ra mức độ ông Tập coi trọng Đài Loan, đồng thời phải đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có muốn hứng chịu một sự sỉ nhục toàn cầu còn kinh khủng hơn rất nhiều so với những gì đã xảy ra ở Afghanistan, mà sẽ làm giảm vị thế của Hoa Kỳ ở Á Châu – hay không.
Nhân quyền: Bắc Kinh phản đối việc “sử dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.” Điều này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc nhạy cảm đến thế nào về vấn đề nhân quyền và vấn đề đó có thể được vận dụng một cách hiệu quả như thế nào – đặc biệt khi được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc tẩy chay đầu tư kinh doanh và tài chính – như đã từng xảy ra với Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Áp lực thương mại và cấm vận công nghệ: Trung Cộng cho rằng Hoa Kỳ nên “ngừng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp của Trung Quốc.” Bắc Kinh hiện đang than phiền bởi vì điều đó gây tổn thất. Vấn đề này và các cuộc tẩy chay nhân quyền tiềm ẩn đang đe dọa cắt đứt khả năng tiếp cận ngoại hối của Trung Quốc, bao gồm thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc, xuất cảng, hoặc hạn chế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở ngoại quốc. Bắc Kinh không có đủ tiền tệ có thể chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của mình – và nếu dòng tiền cạn kiệt, nhà cầm quyền này sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng.
Nguồn cung năng lượng: Ông Tập đã đề cập đến sự cần thiết đối với cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, và cộng đồng quốc tế “để cùng nhau bảo vệ an ninh năng lượng toàn cầu.” Vấn đề này cũng nêu bật một điểm yếu lớn – đó là không có đủ nguồn năng lượng để cung cấp cho quốc gia.
Phát triển đòn bẩy quyền lực: Mặc dù đề cập đến “an ninh năng lượng toàn cầu” (về cơ bản có nghĩa là đề cập đến nhiên liệu hóa thạch), nhưng ông Tập cũng sử dụng cụm từ màu nhiệm “biến đổi khí hậu” như một cách để cố gắng bảo đảm hàng tỷ bạc mà Trung Quốc nhận được thông qua các hiệp định này vẫn tiếp tục chảy về. Như ông Tập đã nói, dòng chảy đó được chứng minh là chính đáng vì Trung Quốc là “quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới.” Bất chấp sức mạnh kinh tế không thể phủ nhận của Trung Quốc – điều được nước này huênh hoang ở các diễn đàn khác – trong các diễn đàn quốc tế như thế này, họ vẫn tiếp tục sử dụng một từ thậm chí còn quan trọng hơn – đó là “đang phát triển” – vì từ này trị giá hàng ngàn tỷ bạc đối với Bắc Kinh. Trong trường hợp của “biến đổi khí hậu”, việc khai triển đòn bẩy “nước đang phát triển” giăng bẫy khiến các nước “phát triển” phải “đi trước” và nhượng bộ, tự cản bước tiến kinh tế của họ để đạt được mức giảm thải carbon.
COVID-19 và nguồn gốc của nó: Ông Tập lưu ý rằng “chính trị hóa bệnh tật không mang lại điều gì tốt.” Không có gì ngạc nhiên khi Trung Cộng nhạy cảm quá mức về điểm này và đã cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý khỏi câu hỏi về nguồn gốc của COVID-19.
Các liên minh: Đề cập đến “liên kết nhóm và chia rẽ”, có lẽ Bắc Kinh đang nói về AUKUS – liên minh gần đây của Hoa Kỳ, Úc, và Anh Quốc – nhưng điều này nhấn mạnh nỗi sợ hãi của Trung Cộng về việc Hoa Kỳ và/hoặc các quốc gia cùng chí hướng kết hợp lại với nhau để giới thiệu một liên minh thống nhất chống lại áp lực quân sự, kinh tế, và chính trị của Trung Quốc. Trung Cộng muốn đối đầu với từng nước một hơn khi họ đang có lợi thế.
“Sự mong manh của chế độ”: ĐCSTQ tuyên bố rằng không một quốc gia nào nên thay đổi “chế độ” của quốc gia khác. Điều này cho thấy mối bận tâm của Bắc Kinh về sự ổn định của chế độ mình bất chấp sự gây hấn của họ – và tính dễ bị tổn thương của họ trước một chiến dịch chiến tranh chính trị được điều hành tốt.
Bắc Kinh đã tự bộc lộ ra các yếu huyệt của mình. Điều này sẽ mang đến cho Hoa Thịnh Đốn một ý tưởng tuyệt vời cho việc làm thế nào để phản công và tận dụng các yếu huyệt này ở vị trí nào. Trên thực tế, chính phủ cựu TT Trump đã nhắm vào hầu hết các mục tiêu này. Và chính phủ TT Biden đã giữ nguyên phần lớn các mục tiêu – mặc dù họ từ chối yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm về COVID-19 – hoặc ít nhất là họ đã không sẵn lòng hợp tác để xác định nguồn gốc của virus. Đội ngũ của TT Biden dường như cũng sẵn lòng cung cấp cho Bắc Kinh những gì nhà cầm quyền này muốn về “biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, nếu chính phủ TT Biden thực thi những điều mà Bắc Kinh bảo họ không được phép thực hiện, thì hội nghị thượng đỉnh kế tiếp của hai nhà lãnh đạo Biden-Tập cuối cùng có thể thực sự đem lại một điều gì đó thực chất để ban bình luận có thể viết.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Grant Newsham là một sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, và đồng thời là giám đốc điều hành, người đã sống và làm việc nhiều năm tại khu vực Á Châu/Thái Bình Dương. Ông từng là trưởng ban tình báo dự bị của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và là tùy viên Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo trong hai nhiệm kỳ. Ông là một thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: