Hội nghị tại Quốc hội Lithunia: EU, Hoa Kỳ, Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên chung tay nỗ lực chống lại ảnh hưởng ép buộc của Trung Quốc
Quốc hội Lithunia đã tổ chức một hội nghị quốc tế vào ngày 24/05/2021 để giải quyết những hậu quả tiềm tàng do Trung Cộng cưỡng bức kinh tế đối với Lithuania và các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu (EU) gây ra.
Theo một tuyên bố của Quốc hội Lithunia, hội nghị này tập trung vào việc Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương như thế nào trong việc ứng phó với Trung Cộng nhằm chống lại những nỗ lực của nhà cầm quyền này để “thống trị thế giới và ngăn chặn sự phá hủy trật tự thế giới hiện nay ở cả hai bờ Đại Tây Dương dựa trên các giá trị của dân chủ tự do.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Lithuania và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Âu Châu Radvilė Morkūnaitė-Mikulėnienė cho biết tại hội nghị rằng “trong năm thứ hai, ảnh hưởng của Trung Quốc được coi là một trong những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng ta.”
Ông Morkūnaitė-Mikulėnienė nói, các khía cạnh quan trọng nhất của bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào với Trung Quốc đều là “các giá trị chung của nền dân chủ Tây Phương của [Liên minh Âu Châu], các nguyên tắc căn bản về nhân quyền, [và] pháp quyền,”.
Hợp tác xuyên Đại Tây Dương
Ông Reinhard Bütikofer, thành viên Nghị viện Âu Châu đại diện cho Đức và là Chủ tịch Phái đoàn Nghị viện Âu Châu về Bang giao với Trung Quốc, cho biết tại hội nghị rằng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Âu Châu không chỉ cần hợp tác với Hoa Kỳ mà còn với các nước cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc, hoặc New Zealand.
Ngoài ra, ông Bütikofer khuyên nên tăng cường mối bang giao của Âu Châu với Đài Loan bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế với hòn đảo này, nâng cấp các mối quan hệ chính trị với hòn đảo này, thể hiện sự đoàn kết khi Đài Loan đối mặt với sự khiêu khích từ Trung Cộng, ủng hộ mọi nỗ lực đưa Đài Loan vào hoạt động của các tổ chức quốc tế như WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), đồng thời giúp Đài Loan chống lại thông tin sai lệch từ phía Trung Cộng.
Ông Anders Fogh Rasmussen, người sáng lập tổ chức Liên minh các Nền Dân chủ và là cựu tổng thư ký NATO cho biết, “lo sợ về phản ứng của Trung Quốc đã khiến Âu Châu đóng băng mối bang giao với Đài Loan.” Ông khuyến nghị “mở lại các cuộc đàm phán chính trị cho một thỏa thuận đầu tư song phương [với Đài Loan].”
Ông Bütikofer nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực [cạnh tranh] với Trung Quốc trên khắp Âu Châu thông qua việc tham gia vào các dự án chung với Đài Loan như thiết lập một kênh truyền hình bằng tiếng Quan thoại cho Âu Châu.
Ông Rasmussen nói rằng ngoài việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương và làm việc với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Âu Châu cũng cần hợp tác với Vương quốc Anh.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác mạnh mẽ giữa Âu Châu và Hoa Kỳ nhằm bảo vệ hệ thống quy tắc và thể chế mở, tôn trọng các quyền và tự do cá nhân như cũng như nền kinh tế dựa trên thị trường.
Ông Risch cho rằng cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc được hoan nghênh nhưng chỉ khi có sự công bằng. Ông nói: “Chúng ta phải yêu cầu nguyên tắc cầu có đi có lại nhiều hơn, và sự tuân thủ của Trung Quốc đối với nền pháp quyền và các chuẩn mực quốc tế.”
Ông Risch nhận định rằng, “Chúng ta không thể tiếp tục mô hình hiện nay khi mà chúng ta giữ lời hứa với Trung Quốc, nhưng họ lại không thực hiện những cam kết về phía mình.”
Chống lại sự cưỡng ép kinh tế
“Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đều đưa ra một giả định chiến lược: chúng tôi cho rằng với sự can dự về kinh tế và chính trị, Trung Quốc sẽ phải thay đổi. Chúng tôi nghĩ rằng theo thời gian, Trung Quốc sẽ trở nên giống Hồng Kông hơn. Đáng buồn thay, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Hồng Kông đã trở nên giống Trung Quốc hơn,” ông Rasmussen giải thích.
Ông Bütikofer nói, ngay cả cách tiếp cận mà Âu Châu sử dụng 10 năm trước để ứng phó với Trung Quốc cũng không thể áp dụng ngày nay vì “Trung Quốc của ông Tập Cận Bình không phải là Trung Quốc của 10 năm trước đây, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình hung hãn hơn ở trong nước, và hiếu chiến hơn trên trường quốc tế”. Ông cho biết thêm rằng Trung Quốc tai tiếng về việc không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình, và đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, nước này đã không thực hiện những gì đã hứa và cố gắng bắt nạt các nước.
Theo ông Risch, Trung Quốc sử dụng cưỡng ép kinh tế như một hình thức hợp pháp để đạt được các mục tiêu chính trị của mình.
Để thúc đẩy Trung Quốc thực hiện theo các quy tắc quốc tế và tuân theo các thông lệ kinh tế công bằng, ông Bütikofer khuyên nên thực hiện một số biện pháp. Những biện pháp này nên bao gồm các biện pháp chống bán phá giá để ngăn Trung Quốc bán các sản phẩm nhập cảng với giá thấp hơn giá trị hợp lý, sàng lọc đầu tư ngoại quốc, các biện pháp chống trợ cấp để ngăn chặn việc nhập cảng hàng hóa từ các nhà sản xuất được nhà cầm quyền Trung Cộng trợ cấp, các công cụ chống ép buộc để bảo vệ các nước Âu Châu khỏi kiểu ép buộc mà Trung Quốc sử dụng đối với Úc, và lệnh cấm nhập cảng các sản phẩm do lao động khổ sai sản xuất.
Ông Bütikofer nói rằng, “Nếu chúng ta theo đuổi một lộ trình xây dựng một liên minh các nền dân chủ và các quốc gia cùng chí hướng muốn chia sẻ việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, và nếu chúng ta không đánh đổi nhân quyền để lấy các mục tiêu kinh tế hoặc khí hậu, thì chúng ta có thể thành công trong việc đối đầu với Trung Cộng.”
Ông Rasmussen đề nghị phát triển các công cụ tương tự như Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO, xác định nguyên tắc phòng thủ tập thể, nhằm giải quyết các hành vi cưỡng ép kinh tế mà Trung Cộng sử dụng để bịt miệng những người có khả năng chỉ trích.
Điều 5 quy định rằng một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của Liên minh.
Tương tự như vậy, tất cả các quốc gia nên tập hợp để hỗ trợ các nhà sản xuất bị đe dọa vì sự gia tăng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, ông Rasmussen cho biết và nói thêm rằng công cụ này nên “bao gồm một khoản tín dụng để bảo lãnh cho những công ty phải đối mặt với sự ép buộc.”
Ông Rasmussen cũng nhận định rằng Âu Châu cũng phải giải quyết các lỗ hổng chiến lược của mình trong các chuỗi cung ứng quan trọng, hoặc các nguyên liệu thô quan trọng như các nguyên tố đất hiếm. “Trung Quốc gần như độc quyền trong việc chế biến các vật liệu này, điều đó đã [giúp Trung Cộng] hình thành nên DNA của những cuộc cách mạng công nghệ và xanh.”
Ông Rasmussen khuyến nghị rằng Âu Châu nên xem xét tất cả các nguồn bao gồm Greenland, nơi có mong muốn phát triển ngành công nghiệp nguyên liệu thô xanh và bền vững, đồng thời giúp xây dựng một liên minh công nghệ của các nền dân chủ.
Ông Risch nhấn mạnh mối đe dọa do ảnh hưởng của Trung Cộng trong các trường đại học ở Hoa Kỳ gây ra đối với các công nghệ mới xuất hiện. Ông nói tiếp rằng điều này cũng tạo cơ hội cho Trung Cộng tuyên truyền và đàn áp các cuộc thảo luận về các vấn đề như Tây Tạng hay Đài Loan. Ông cũng mong được hợp tác với các đồng nghiệp Âu Châu để giải quyết những vấn đề này.
Ông Risch cho hay, một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác giữa Hoa Kỳ và EU có thể là sàng lọc các khoản đầu tư ngoại quốc của Trung Cộng.
Ông Risch khuyên cả Hoa Kỳ và EU nên giải quyết các tranh chấp trong mối quan hệ thương mại của riêng họ để “thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại các chính sách phản thị trường tự do của Trung Quốc.” Ông cũng nói thêm rằng, “Chúng ta cũng nên làm việc để bảo đảm và củng cố cơ sở hạ tầng quan trọng, từ mạng lưới năng lượng và các chuỗi cung ứng đến các cảng và các [hệ thống] cáp ngầm.”
Lithuania dám đối đầu với Trung Cộng
Ông Risch khen ngợi “chính phủ Lithuania vì đã thu hút sự chú ý đến rủi ro của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng.”
Hôm 22/05, Lithuania đã rút khỏi nền tảng “17 + 1” của Bắc Kinh, một sáng kiến của Trung Quốc mà quốc gia Baltic này đã tham gia vào năm 2012.
Trung Cộng chính thức ra mắt nền tảng – ban đầu được đặt tên là nền tảng “16 + 1” – vào tháng 04/2012, để tăng cường hợp tác với 11 quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu ở Trung và Đông Âu và năm quốc gia vùng Balkan. Sau khi Hy Lạp tham gia sáng kiến này vào tháng 04/2019 nền tảng này được đổi tên thành “17 + 1.”
Sáng kiến này kêu gọi các nước tham gia hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, y tế, thương mại và công nghệ.
Hôm 20/05, Quốc hội Lithuania đã thông qua một nghị quyết lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm nhân quyền và diệt chủng hàng loạt, có hệ thống và nghiêm trọng của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, là những tội ác không thể dung thứ đối với nhân loại.
Dự luật kêu gọi Trung Cộng ngay lập tức chấm dứt những tội ác đó và mọi vi phạm nhân quyền, chấm dứt nạn diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, và trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm.
Dự luật cũng tuyên bố rằng luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông đã làm suy yếu các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống,” kêu gọi Trung Cộng thu hồi luật này.
Ông Bütikofer khen ngợi Lithuania đã “dám đứng lên vì những gì [mà] đất nước này tin tưởng,” khi nói thêm rằng ông hy vọng “các quốc gia khác sẽ đi theo sự dẫn đầu của Lithuania” và cũng rút khỏi nền tảng “17 + 1.”
Do Ella Kietlinska thực hiện
Với sự đóng góp của Frank Fang
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: