Hội nghị Bộ chính trị Trung Cộng một lần nữa phân tích về bất động sản: Nguy cơ gia tăng
Gần đây, Trung Cộng đã tổ chức một cuộc họp của Bộ Chính trị để đặt ra kế hoạch cho công tác kinh tế của năm tới, và tuyên bố rằng nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế từ một “tầm cao chính trị” và thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh và ổn định” của thị trường bất động sản. Phân tích tin rằng điều này làm nổi bật sự gia tăng của các vấn đề bất động sản ở Trung Quốc đại lục.
Ngày 11/12, ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị Bộ Chính trị Trung Cộng, cơ quan ngôn luận cho biết cuộc họp đã nghiên cứu công tác kinh tế năm 2021, đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế hiện nay, đồng thời thừa nhận “tình hình dịch viêm phổi virus corona và ngoại cảnh vẫn còn nhiều bất ổn.” Ông cũng đề nghị “nâng cao nhận thức chính trị” và tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế từ “tầm cao chính trị.”
Ngoài việc “tập trung cải cách về mặt nhu cầu,” “tăng cường chống độc quyền và ngăn chặn sự phát triển hỗn loạn của nguồn vốn,” cuộc họp cũng đề cập đến thị trường bất động sản và nhấn mạnh về việc “thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.”
Cách đây vài ngày, hôm 03/12, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn của Trung Cộng tổ chức hội nghị chuyên đề, tại đây ông Hàn Chính một lần nữa nhấn mạnh việc xác định “Nhà là để ở, không phải dùng để đầu cơ,” “Tiếp tục thắt chặt việc điều tiết thị trường bất động sản,” …
Những cụm từ như “Nhà ở không đầu cơ”, “Phát triển ổn định” cũng được đưa vào “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và đề xuất mục tiêu viễn cảnh năm 2035.”
Ông Quách Thụ Thanh, chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và bảo hiểm của Trung Cộng đã viết bài báo trong cuốn sách hướng dẫn rằng, “Bất động sản là ‘tê giác xám’ có rủi ro tài chính lớn nhất ở Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.” Lý do ông đưa ra là, trong hơn 130 cuộc khủng hoảng tài chính lớn trên thế giới, thì có hơn 100 cuộc là có liên quan tới bất động sản. “Hiện tại, các khoản vay liên quan tới bất động sản ở Trung Quốc chiếm 39% các khoản vay tại ngân hàng, và còn có một lượng lớn tiền vốn trái phiếu, cổ phần, quỹ tín thác và các quỹ khác đầu tư vào ngành bất động sản.”
Bà Lý, giám đốc tiếp thị của một công ty bất động sản tại Trung Quốc đại lục nói với Epoch Times rằng, chính quyền đã nhiều lần đề cập đến việc “Nhà là dùng để ở, không phải đầu cơ,” tuy nhiên Trung Cộng không thể khống chế được hiện tượng này, hiện nay nguy cơ càng ngày càng tăng.
Bà trích dẫn tư liệu của Viện nghiên cứu Cric mà giới bất động sản thường tham khảo, cho biết mặc dù đưa ra liên tiếp hàng loạt chính sách, nhưng tổng vốn đầu tư trên thực tế vẫn tăng 17.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái (theo số liệu tháng 9). Về lâu dài, bất động sản không nên được sử dụng như một phương tiện ngắn hạn để kích thích nền kinh tế. Điều Trung Quốc cần là sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, rất khó thay đổi tình trạng này trong ngắn hạn, “giao dịch đất đai vẫn là phương pháp nhanh nhất, thô bạo nhất để chính quyền địa phương giải quyết khủng hoảng tài chính.”
Bà cũng phân tích thêm, các cơn sốt đầu cơ bất động sản đã lan rộng từ thành phố cấp 1, 2 đến các thành phố cấp 4, 5. Nhiều khái niệm khác nhau về “quận mới” và “quận công nghệ cao” đầy khắp các chính quyền cấp tỉnh. Bất động sản cũng bắt đầu chuyển thành đầu cơ, dùng đủ các loại hình thức và tên gọi khác nhau như “hoạt động công nghiệp,” “hoạt động thương mại,” “hoạt động du lịch văn hóa” chuyển đổi thành tài sản tự sở hữu, từ bất động sản công nghiệp sớm nhất (China Fortune Land Development) đến Bất động sản du lịch văn hóa (Wanda, Sunac), đến các loại hình bất động sản hưu trí, … nhưng cuối cùng thì cốt lõi vẫn là đầu cơ.
Bà nói, “Một mặt Trung Quốc mong muốn thoát khỏi tình trạng dựa vào bất động sản để kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, mặt khác thị trường tài chính nói chung lại ủng hộ sự ổn định ngắn hạn, giữa hai bên vì thế có sự mâu thuẫn. Tôi đã xem một bộ tài liệu, bất động sản năm 2019 về cơ bản chiếm 47% trong các khoản vay của ngân hàng, cao hơn so với con số 39% mà ông Quách Thụ Thanh nói, thực tế có thể còn cao hơn nữa.”
Lý Hằng Thanh, một học giả viện nghiên cứu thông tin và chiến lược Washington ở Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Tê giác xám” mà ông Quách Thụ Thanh nhận thấy sẽ làm sụp đổ rất nhiều ngành, “Thứ nhất là sụp đổ chính ngành bất động sản; thứ hai là ngành ngân hàng của Trung Quốc. Giống như toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính Wall Street năm 2008, trên thực tế là như vậy.”
“Khoản vay dưới chuẩn, khoản vay thứ cấp có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Vì vậy, đây là ngọn núi lửa thực sự đang ẩn dưới sự phồn vinh giả tạo.”
Lin ShiYuan
Thanh Mai biên dịch