Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp về căng thẳng Nga-Ukraine
Hôm 31/01, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp theo yêu cầu của Hoa Kỳ để thảo luận về việc Nga tăng cường quân đội gần biên giới với Ukraine.
Sau bài diễn văn khai mạc của nhà ngoại giao Nga Vasily Nebenzya, Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield cho biết Hoa Kỳ triệu tập cuộc họp này để bảo vệ hòa bình và an ninh. Bà cho biết các cuộc đàm phán không phải về Hoa Kỳ và Nga, mà là về hòa bình và an ninh của các quốc gia thành viên.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Hãy tưởng tượng quý vị sẽ bất an thế nào nếu quý vị có 100,000 quân đóng ở biên giới của mình.”
Trong bài diễn văn khai mạc, ông Nebenzya đã đề cập đến lời kêu gọi bình tĩnh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước khi bác bỏ những tuyên bố về sự xâm lược của Nga, nói rằng những tuyên bố đó là “chuyện hoang đường”.
“Trong hoạt động này, họ không nhìn nhận rằng chúng tôi là một mối đe dọa,” đặc phái viên Nga nói về bình luận của ông Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov rằng “không có cơ sở để tin” rằng Moscow đang chuẩn bị một cuộc xâm lược ngay tức thì, mặc dù cho biết thêm rằng “các tình huống rủi ro” là “có nguy cơ xảy ra và có thể xảy ra trong tương lai.”
Bà Thomas-Greenfield đã bác bỏ tuyên bố của ông Nebenzia nói rằng Hoa Thịnh Đốn đang cố gắng “tạo ra sự hoảng loạn” và sử dụng “ngoại giao phóng thanh” (*) bằng cách triệu tập cuộc họp công khai đầu tiên của Hội đồng Bảo an về tình hình Ukraine-Nga.
Trong khi Moscow đã ra tín hiệu rằng họ sẽ cố gắng chặn cuộc họp của Hội đồng Bảo an nếu họ giành được sự ủng hộ của 9 quốc gia từ cơ quan 15 thành viên này, thì Hoa Kỳ đã giành được một cuộc bỏ phiếu để tiếp tục cuộc họp về Ukraine, với 10 phiếu thuận và hai phiếu chống. Cùng với Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, và Trung Quốc, Nga là một trong năm cường quốc có quyền phủ quyết thường trực trong hội đồng này.
Sau cuộc bỏ phiếu, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về các Vấn đề Chính trị Rosemary DiCarlo đã tiến hành một cuộc họp công khai, sau đó là các bài diễn văn của 15 thành viên hội đồng. Bất kỳ hành động chính thức nào của Hội đồng Bảo an là vô cùng khó xảy ra, vì Nga có thể phủ quyết.
Chỉ có Trung Quốc và Nga bỏ phiếu phản đối cuộc họp công khai này, với đại sứ Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc, ông Trần Húc (Chen Xu), nói rằng Bắc Kinh yêu cầu hội đồng cần “ngoại giao trầm tĩnh” chứ không phải “ngoại giao micro”. (**)
Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm 31/01 rằng cuộc họp này là “một bước quan trọng trong việc tập hợp thế giới để cùng lên tiếng: bác bỏ việc sử dụng vũ lực, kêu gọi giảm leo thang quân sự, ủng hộ ngoại giao với tư cách là con đường tốt nhất tiến về phía trước, và yêu cầu mọi quốc gia thành viên chịu trách nhiệm về việc tự kiềm chế hành động xâm lược quân sự đối với các nước láng giềng của mình.”
Dự kiến sẽ có nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao hơn trong tuần này, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga cho đến nay vẫn chưa thể xoa dịu căng thẳng. Nga đã tập trung khoảng 100,000 quân gần biên giới với nước láng giềng phía nam của mình, và các cường quốc phương Tây khẳng định rằng Nga có kế hoạch xâm lược.
Nga đã nhiều lần phủ nhận ý định tấn công nhưng yêu cầu NATO hứa không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập liên minh này, đồng thời ngừng khai triển vũ khí của NATO gần biên giới Nga, và thu hồi lực lượng của họ khỏi Đông Âu. NATO và Hoa Kỳ đã bác bỏ những yêu cầu đó.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 31/01 cho biết “sự hoảng loạn do Hoa Thịnh Đốn thúc đẩy gây ra hoảng loạn ở Ukraine, nơi mọi người gần như đã bắt đầu chuẩn bị ra tiền tuyến.”
Cuộc họp quan trọng này diễn ra một ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố hôm 30/01 rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và hậu quả kinh tế đối với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin xâm lược Ukraine.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói với Fox News: “Tôi nghĩ chúng ta đã nói rất rõ với ông Putin về những hậu quả kinh tế có thể xảy đến với ông ấy và người dân Nga nếu ông ấy… xâm lược Ukraine.”
Chú thích của dịch giả:
Theo ABC News, cả micro (microphone) và loa phóng thanh (megaphone) đều có chức năng khuếch đại âm thanh để nhiều người có thể nghe được.
Trong thế kỷ 21, các phương tiện truyền thông khác nhau như Internet đã trở nên phổ biến và hầu như ai cũng có thể bày tỏ ý kiến và lan truyền quan điểm của mình thông qua các phương tiện truyền thông này. Những người nổi tiếng, bao gồm cả các chính trị gia, có thể sử dụng các nền tảng giống như “micro” hay “loa phóng thanh” này để thu hút sự chú ý rộng rãi hơn.
Do đó, “ngoại giao micro” là một loại phương pháp ngoại giao sử dụng dư luận để tạo đà, tương tự như chiến thuật từ xa. Nói cách khác, thay vì giao tiếp trực tiếp, các chính phủ tấn công lẫn nhau thông qua các phương tiện truyền thông, để nhiều người hơn có thể biết đến “thông tin tiêu cực” của đối phương. Loa phóng thanh phát ra âm thanh lớn hơn micro, nên “ngoại giao phóng thanh” là một cấp độ cao hơn của “ngoại giao micro”.
Theo NTD News
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: