Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ tưởng nhớ vị bác sỹ tố giác người Trung Quốc
Hôm 30/12/2020, Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc (NSC) đã chỉ trích Trung Cộng trên Twitter, tuyên bố rằng đại dịch hiện nay sẽ khác rất nhiều nếu Trung Cộng không kiểm duyệt bác sỹ tố giác Lý Văn Lượng.
“Vào ngày này cách đây một năm, bác sỹ Lý Văn Lượng đã đưa ra lời cảnh báo trên mạng xã hội với các đồng nghiệp trong ngành y của mình về các cụm ca viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán,” NSC viết trong một loạt các tweet. “Chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt anh ấy và buộc anh phải thú nhận tội tung tin đồn và gây rối trật tự xã hội.”
NSC nói thêm: “Nếu những lời cảnh báo của anh ấy được chú ý thì đã có thể ngăn được vô số ca tử vong.”
Anh Lý Văn Lượng, một bác sỹ nhãn khoa, là người đã cảnh báo về một đợt bùng phát “viêm phổi không rõ nguyên nhân” trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 30/12/2019. Sau khi lời cảnh báo của anh ấy được lan truyền trên mạng, anh đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát vào ngày 03/01/2020 và bị khiển trách vì đã “lan truyền tin đồn.”
Tại đó, anh bị buộc phải ký vào một “bản tuyên bố thú nhận.” Tờ biên bản này đã cáo buộc anh “gây rối trật tự xã hội” và “vi phạm pháp luật” vì những hành vi trên mạng của mình và cảnh báo bác sỹ Lý rằng anh sẽ bị “trừng trị bởi pháp luật” nếu còn tiếp tục thực hiện những “hành vi bất hợp pháp như vậy.”
Sau đó, bác sỹ Lý đã qua đời vào ngày 07/02/2020 sau khi bị nhiễm virus trong lúc vô tình điều trị cho một bệnh nhân nhiễm bệnh.
Chính quyền Trung Cộng cuối cùng đã tiến hành một cuộc điều tra về trường hợp của bác sỹ Lý và trừng phạt hai cảnh sát. Kết quả điều tra đã khiến nhiều người dân Trung Quốc nổi giận, một số người đã nói rằng những viên chức này chỉ là những kẻ thế tội.
NSC cũng đã đăng trên Twitter một bài diễn văn trước đó của ông Matthew Pottinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc về Á Châu, tại Đại học Virginia.
Trong bài diễn văn hồi tháng 5, ông Pottinger đã ca ngợi bác sỹ Lý vì sự dũng cảm của anh khi quyết định tiết lộ những điều mình phát hiện trên mạng xã hội của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng không phải là cảnh sát Trung Quốc đã đưa ra quyết định khiển trách bác sỹ Lý trong lúc tức giận.
“Bất cứ ai bị xúi giục để tin rằng đây chỉ là một vụ việc về những cảnh sát địa phương quá khích, thì hãy lưu ý rằng: Chính quyền trung ương Trung Quốc đã từng phát sóng một bản tin về chuyện bác sỹ Lý đã ‘lan truyền tin đồn,’” ông Pottinger cho biết.
Kể từ khi bác sỹ Lý qua đời, nhiều cư dân mạng Trung Quốc vẫn tiếp tục để lại bình luận dưới bài đăng cuối cùng của anh vào ngày 01/02 trên tài khoản Weibo, trong đó anh thông báo rằng mình đã có kết quả dương tính với virus gây ra COVID-19. Weibo là một nền tảng nhắn tin của Trung Quốc giống như Twitter.
Hôm thứ Năm (31/12/2020), nhiều cư dân mạng đã để lại lời nhắn Chúc mừng năm mới tới bác sỹ Lý, trong khi một số người viết rằng họ vẫn không quên được những gì đã xảy ra vào ngày 30/12/2019.
Lý Văn Lượng là một trong những bác sỹ hoặc nhà báo công dân đã bị Trung Cộng bịt miệng khi chế độ này tìm cách ngăn chặn những thông tin quan trọng về giai đoạn đầu của đợt bùng phát [dịch bệnh] ở Vũ Hán, là tâm điểm của dịch bệnh virus này.
Sự đàn áp của Bắc Kinh đối với bác sỹ Lý cũng từng được UN Watch, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Geneva, nhắc đến và họ đã xếp Trung Quốc là kẻ vi phạm nhân quyền hàng đầu thế giới vào năm 2020.
“Dồn ép một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung, bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, nghiền nát Tây Tạng, bịt miệng những người can đảm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về virus Vũ Hán như bác sỹ Lý Văn Lượng và nhà báo công dân Trương Triển, đồng thời bóp nghẹt tự do ở Hồng Kông,” tổ chức phi chính phủ này đã viết về Trung Quốc hôm 30/12/2020.
Cô Trương, một cựu luật sư 37 tuổi đã trở thành nhà báo công dân và bắt đầu đưa tin ở vùng tâm dịch Vũ Hán hồi đầu tháng 02/2020. Cô thường chỉ trích Trung Cộng trong việc ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 trong các bài báo của mình trước khi đột ngột biến mất vào hồi tháng 5. Một tháng sau, các nhà chức trách Trung Quốc xác nhận rằng cô đã bị bắt.
Đầu năm nay, cô Trương đã bị kết án 4 năm tù sau khi bị kết tội ““gây gổ và kích động rắc rối,” một tội danh mà ĐCSTQ thường sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã bị các tổ chức nhân quyền trên thế giới và nhiều quan chức của các nước phương Tây chỉ trích nặng nề vì quyết định bỏ tù cô Trương của mình.
Frank Fang
Nguyệt Minh biên dịch
Xem thêm: