Các học viên Pháp Luân Công thắp nến tưởng niệm tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles
LOS ANGELES — Hôm 23/04, khoảng 200 học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles để thương tiếc sự hy sinh của các học viên bị bức hại tàn bạo ở Trung Quốc.
“Hàng năm cứ ngày ngày này chúng ta sẽ luôn tưởng nhớ [họ],” Tiến sĩ Lý Hữu Phủ (Youfu Li), chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Tây Nam Hoa Kỳ, nói trong buổi lễ.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 23 năm sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa của 10,000 học viên Pháp Luân Công vào ngày 25/04/1999.
Vào ngày hôm đó, các học viên đã xếp hàng trên đường phố của Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh để kêu gọi chế độ cộng sản Trung Quốc chấm dứt việc bắt bớ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công.
Ông Lý nói, “Các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng một cách thức ôn hòa và hợp lý mà chưa một ai từng thấy vào thời điểm đó.”
Sự kiện thỉnh nguyện này nhằm đáp lại các vụ bắt bớ các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân — thành phố lớn thứ tư của Trung Quốc, nằm ở phía đông Bắc Kinh.
Từ ngày 18 đến ngày 24/04/1999, một số học viên đã đến các cơ quan chính phủ của Thiên Tân để làm rõ sự thật về một bài viết được đăng trên một tờ báo của trường đại học nhằm vu khống Pháp Luân Công vào thời điểm đó.
Nhưng trong thời gian này, Sở Công an Thiên Tân đã phái cảnh sát chống bạo động đến đánh đập các học viên Pháp Luân Công đến thỉnh nguyện, dẫn đến việc gây thương tích các học viên này và bắt giữ 45 người.
Để kêu gọi trả tự do cho họ, những người ủng hộ các học viên bị giam giữ đã được thông báo tại Tòa thị chính Thiên Tân rằng họ nên đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, vì Cục Công an đã can thiệp.
Ông Âu Phương Hằng (Fangheng Ou) đã đích thân trải qua những gì được gọi là Sự kiện ngày 25/04.
“Vào thời điểm đó, mọi người đều tự nguyện đi đến Bắc Kinh,” ông Âu nói với The Epoch Times. “Suy nghĩ của tôi là ‘Tôi muốn bảo vệ [Pháp Luân Đại Pháp] và duy trì danh dự của [Pháp Luân Đại Pháp].”
Ông Âu, một cựu kỹ sư cao cấp từ một thành phố phía đông bắc Bắc Kinh, Thẩm Dương, cho biết khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 04/1996, ông nghĩ “Pháp Luân Đại Pháp thực sự rất tốt.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên triết lý đạo đức về chân, thiện, và nhẫn.
Ông Âu cho biết trước khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, mọi người đều chuẩn bị tâm lý.
“Có hai khả năng xảy ra cho chuyến đi này: một có thể là quý vị sẽ bị bắt, hai là có thể giải quyết được vấn đề này. Cho dù tình huống có như thế nào đi chăng nữa, thì điều đó vẫn không thể ngăn chúng tôi đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện,” ông nói.
Nhớ lại cảnh tượng lúc đó, ông Âu cho biết khi đến Bắc Kinh vào sáng ngày 25/04/1999, mọi người đều yên lặng.
Ông nói, “Lúc này hai bên đường đông nghịt người, nên chúng tôi đã ngồi xuống một cách trật tự, vừa đọc sách vừa ngồi thiền. Nếu buổi trưa đói bụng, mọi người vào quán nhỏ mua thứ gì đó để ăn.”
Ông cho biết tất cả các học viên Pháp Luân Công tại hiện trường đã yên lặng chờ đợi từ sáng cho đến tối.
“Mọi người chỉ đang chờ đợi. Họ đang chờ đợi điều gì? Chờ đợi các nhà lãnh đạo quốc gia gặp mặt họ,” ông nói.
Trong cuộc thỉnh nguyện ôn hòa này, các học viên Pháp Luân Công đã đưa ra ba yêu cầu: trả tự do cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát Thiên Tân bắt giữ, cho phép xuất bản các sách của Pháp Luân Công, và cung cấp cho các học viên Pháp Luân Công một môi trường pháp lý để thực hành môn tu luyện này.
Vào khoảng 9 giờ tối, mọi người nghe nói rằng sự việc đã được giải quyết, ông Âu cho hay.
“Mọi người đều rất vui và nói rằng họ có thể quay trở về nhà,” ông nói, và cho biết thêm rằng mọi người đã nhặt rác và những thứ bị vứt bỏ trên đường khi quay ra về.
Ngay sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bịa đặt sự kiện này như một “cuộc bao vây” đã diễn ra, nhưng không hề có chuyện đó, ông Âu khẳng định.
Ông nói: “Thi thoảng cảnh sát vũ trang nói nhỏ với nhau, và sau một thời gian dài, họ cũng cảm thấy rằng họ không cần phải canh chừng khi chúng tôi ngồi ở đó. Không có xung đột. Mọi người đều bình tĩnh.”
Chưa đầy hai tháng sau Sự kiện ngày 25/04, ĐCSTQ — dưới lãnh đạo đương thời Giang Trạch Dân — đã khai triển một chiến dịch trên toàn quốc vào ngày 20/07/1999, nhằm “xóa sổ” Pháp Luân Công, sau khi môn thiền định này đã thu hút được khoảng 100 triệu học viên ở Trung Quốc.
Các học viên đã bị giam giữ, tra tấn, cưỡng bức lao động nô lệ, và phải chịu áp lực lớn cũng như bị “cải tạo” vì không chịu từ bỏ tín ngưỡng của họ. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã qua đời do bị tra tấn hoặc cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Người ta phát hiện rằng việc ĐCSTQ đang sát hại các tù nhân lương tâm và lấy nội tạng của họ trên một quy mô đáng kể là điều “chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa” — với các học viên Pháp Luân Công là nguồn chính — theo một tòa án nhân dân độc lập ở London vào tháng 06/2019.
Tiến sĩ Dana Churchill, đại biểu Bờ Tây Hoa Kỳ của Tổ chức Các bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), nói chuyện tại cuộc mít tinh này: “Đây là một tội ác ghê rợn phản nhân loại cần phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt.”
Hai thập niên phản kháng ôn hòa
Khi màn đêm buông xuống, các học viên Pháp Luân Công ở Los Angeles đã lặng lẽ thắp nến thương tiếc các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo đến mức mất đi sinh mệnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Minghui.com, một trang web ghi lại cuộc bức hại này, đã có 4,776 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến tử vong.
Ông Michael Diệp (Michael Ye), trợ giảng ngành Kinh tế tại Đại học miền Nam California và là người điều hành cuộc mít tinh này cho biết, vì ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Ông Diệp nói, “Bảo vệ tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công cũng là bảo vệ tự do và tín ngưỡng của người dân Trung Quốc. Việc họ tuân theo ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ cũng là tôn trọng các giá trị cốt lõi và tinh thần của dân tộc Trung Hoa và thậm chí cả nền văn minh thế giới.”
Hiện có gần 400 triệu người Trung Quốc đã thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, theo Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc Toàn Cầu có trụ sở tại New York.
Trên thế giới, hơn 2 triệu người đã ký vào bản kiến nghị “Chấm dứt ĐCSTQ” do trung tâm dịch vụ này điều hành.
Ông Jack Bradley là phóng viên tin tức hàng ngày của The Epoch Times ở Nam California.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: