Học viên Pháp Luân Công qua đời sau khi bị hôn mê trong nhà tù Trung Quốc
Một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã qua đời sau khi rơi vào tình trạng hôn mê trong khi bị giam giữ. Đây là nạn nhân mới nhất được xác minh trong cuộc đàn áp không ngừng của Trung Cộng đối với đức tin này.
Tháng 07/2019, ông Diêu Tân Nhân (Yao Xinren) đến từ tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã bị bắt tại nơi làm việc. Tháng 04/2020, ông bị xuất huyết não trong khi đang bị giam tại Trung tâm Giam giữ Trương Gia Câu và phải phẫu thuật não tại Bệnh viện Nhân dân Long Khẩu, theo thông tin từ Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông đã rơi vào hôn mê sau cuộc phẫu thuật đó và vẫn ở trong khoa chăm sóc đặc biệt. Ngày 04/02, các nhân viên an ninh nội địa của thành phố này và các nhân viên tòa án địa phương đã rút thiết bị hỗ trợ sự sống của ông Diêu mà không xin phép gia đình ông. Họ ra lệnh đưa ông đến một cơ sở chăm sóc người cao tuổi có tên là Viện dưỡng lão Quận Đông Giang, mặc dù cơ sở này không có bất kỳ khả năng điều trị y tế chuyên nghiệp nào.
Ông Diêu qua đời một tuần sau đó vào ngày 11/02, trong đêm giao thừa của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Câu chuyện của ông là lời nhắc nhở mới nhất về những điều kiện hà khắc mà hàng triệu người có đức tin hiện đang phải đối mặt ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công–một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn cùng với một bộ các bài tập chậm rãi, tĩnh tại–được giới thiệu cho công chúng Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 1992 và đến cuối thập niên đó đã thu hút từ 70 đến 100 triệu người theo tập.
Lo ngại rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công sẽ thách thức quyền cai trị của mình, vào tháng 07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp có hệ thống nhắm vào môn tu luyện này, đưa các môn đồ vào trại giam, trại lao động và các cơ sở khác, nơi mà họ thường xuyên bị tra tấn. Minghui.org đã xác minh rằng hàng nghìn nạn nhân như ông Diêu đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp này, nhưng người ta cho rằng số người tử vong thực sự là cao hơn nhiều.
Theo báo cáo của Minghui, ở tuổi 51 ông Diêu được mô tả là có thân hình “cao lớn và khỏe mạnh.” Trước đây, ông từng làm việc tại mỏ than quốc doanh Lương Gia ở thành phố Long Khẩu của tỉnh Sơn Đông, nhưng bị mất việc do cuộc đàn áp. Ông phải nhận những công việc lặt vặt để nuôi con trai đang học cao học.
Khi đang phát tờ rơi Pháp Luân Công vào năm 2003, ông Diêu đã bị bắt và sau đó bị kết án bốn năm tù. Chính quyền địa phương đã buộc ông và một số học viên bị bắt khác đi tuần hành trên các con phố để cố gắng làm nhục họ, theo lời chứng của một học viên Pháp Luân Công địa phương khác cũng bị buộc phải trải qua hình thức ngược đãi này.
Kể từ khi bị bắt vào năm 2019, các nhân viên cảnh sát địa phương đã giam giữ ông mà không qua xét xử và liên tục theo dõi luật sư mà gia đình ông đã thuê để bào chữa cho ông. Một phiên tòa ban đầu được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 02/2020 đã bị hoãn lại do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Khi vợ của ông Diêu nhìn thấy đầu của ông bị băng bó vào ngày 24/04/2020 sau cuộc phẫu thuật não, bà đã bật khóc và yêu cầu cảnh sát trưởng Quách Phú của địa phương giải thích, nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Mặc dù ông Diêu đang trong tình trạng bất tỉnh, nhưng nhiều nhân viên công quyền vẫn túc trực cả ngày lẫn đêm bên ngoài căn phòng ICU nơi ông đang được điều trị để ghi chép về bất kỳ người nào đến thăm hỏi, và nói với những người đi qua rằng họ “đang theo dõi một tên tội phạm.”
Trong cuộc gặp vào tháng 05/2020 với các quan chức tòa án Long Khẩu, một thành viên trong gia đình học viên Pháp Luân Công này đã hỏi họ, “Trước đây ông Diêu Tân Nhân hoàn toàn ổn. Làm thế nào mà ông ấy lại thành ra như thế này? Đó có phải là do bị đánh đập không?” theo báo cáo của Minghui.org.
Cảnh sát đã từ chối yêu cầu của gia đình để xem lại cảnh quay camera an ninh tại trung tâm giam giữ, nói rằng họ không có giấy phép từ cơ quan cảnh sát cấp cao hơn.
Chính quyền Trung Cộng không có dấu hiệu nới lỏng cuộc đàn áp này, ngay cả khi đại dịch đang diễn ra. Trong năm 2020, hơn 15,000 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát bắt giữ hoặc phải bị buộc trải qua một số hình thức quấy rối khác, với gần 3,600 trường hợp bị đột nhập vào nhà riêng. Chỉ trong tháng 01/2021 đã có 482 vụ bắt giữ trên 155 thành phố, theo đó trong số những người bị bắt có hàng chục học viên từ 70 tuổi trở lên.
Do Eva Fu thực hiện
Tấn Hưng biên dịch
Xem thêm: