Học viên Pháp Luân Công chết trong khi bị giam giữ ở Trung Quốc vì tín ngưỡng của mình
Bà Đinh Quế Anh (Ding Guiying), một cư dân thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, đã bị kết án tù bí mật vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công và mới đây đã chết trong trại giam, theo một báo cáo hôm 09/02 của Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Hoa bao gồm các bài tập thiền định đơn giản, chậm rãi và các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối thập kỷ này, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó.
Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của môn tu luyện này, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch xóa sổ có hệ thống nhằm vào Pháp Luân Công vào tháng 07/1999. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác, và hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Vào ngày 28/08/2019, khoảng 7 giờ tối, các nhân viên an ninh nội địa (một cơ quan đặc biệt chuyên dập tắt bất đồng chính kiến ở Trung Quốc đại lục) của quận Quan Độ, thành phố Côn Minh, đã đột nhập vào nhà bà Đinh Quế Anh mà không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào và đã tịch thu các vật dụng cá nhân của bà.
Bà Đinh đã chống cự lại việc bắt bớ và nhưng vẫn bị cưỡng chế bắt đi và đưa vào xe cảnh sát.
Bà Đinh, ở độ tuổi 70, đã bị giam giữ tại trung tâm giam giữ Côn Minh. Gia đình bà đã bị cấm đến thăm bà.
Gia đình bà đã kiên trì tìm đến bộ phận an ninh nội địa và yêu cầu thả bà khỏi trung tâm giam giữ.
Vào giữa tháng 01/2021, gia đình bà Đinh bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ Nhà tù nữ số 2 của tỉnh Vân Nam, ở thành phố Côn Minh. Họ cho biết bà Đinh đã bị giam giữ tại đây và đã qua đời lúc 8:53 sáng ngày 15/01, sau nỗ lực chữa trị không thành công một “căn bệnh đột ngột”–đã xảy đến vào trước đó một ngày.
Hôm 19/01, thi thể của bà Đinh đã được quản giáo vận chuyển đến lò hỏa táng.
Chỉ sau khi bà Đinh mất, gia đình bà mới nhận được “lệnh giam giữ” từ nhà tù, nói rằng bà Đinh “đã bị một tòa án ở quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh kết án 04 năm tù giam vào ngày 10/07/2020.”
Đây không phải là lần đầu tiên bà Đinh bị bức hại.
Vào ngày 11/05/2011, bà Đinh và hơn mười học viên Pháp Luân Công khác đã bị cơ quan an ninh nội địa địa phương bắt cóc trong một cuộc càn quét dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Chu Vĩnh Khang, lúc bấy giờ là Giám đốc Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật của Trung Cộng, theo trang Minghui.org.
Cơ quan này từng nắm quyền lực bao trùm rộng khắp, giám sát tất cả các khía cạnh của bộ máy an ninh của Trung Cộng, bao gồm cả trại giam, nhà tù, tòa án và cảnh sát. Trong khi ông Chu còn tại vị, với tư cách là giám đốc an ninh, ông ta đã chỉ thị cơ quan này và các phòng 610 địa phương đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Phòng 610 là một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật được thành lập vào năm 1999 với mục đích duy nhất là đàn áp Pháp Luân Công. Cơ quan này có quyền lực tuyệt đối ở mọi cấp chính quyền của Trung Cộng và ảnh hưởng của nó vượt lên trên tất cả các tổ chức chính trị và tư pháp khác.
Ngay sau vụ bắt cóc đó, bà Đinh đã bị kết án 03 năm tù giam tại Nhà tù nữ số 2 của tỉnh Vân Nam. Bà bị cưỡng bức lao động và tra tấn cho đến khi được thả vào giữa tháng 04/2014.
Biệt giam và các buổi tẩy não là những phương thức tra tấn phổ biến được sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại nhà tù nữ Vân Nam này, theo một báo cáo được trang Minghui.org đăng tải hôm 30/01/2021.
Báo cáo nói trên cũng cho biết các quản lý nhà tù sẽ để các cai ngục và các tù nhân khác tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích bằng tiền bạc và việc giảm án tù.
Theo số liệu thống kê mới nhất trên trang Minghui.org, tính đến ngày 11/02, đã có 4,363 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã chết do hậu quả của cuộc bức hại. Các chuyên gia về nhân quyền cho biết con số thực có thể còn cao hơn nhiều do khó khăn trong việc truyền thông tin nhạy cảm ra ngoài đại lục.
Tổng cộng 921 nhà lập pháp đến từ 35 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới đã ra tuyên bố chung vào Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12 năm ngoái (2020) để lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài hàng thập kỷ của chính quyền Trung Cộng.
Cũng trong ngày này, Hoa Kỳ đã trừng phạt một quan chức Trung Cộng vì vai trò của ông này trong các vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, khiến ông này trở thành trường hợp bức hại Pháp Luân Công đầu tiên bị trừng phạt.
Do Samuel Allegri và Rank Yue thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: