Học thuyết kinh tế kiểu ông Tập là một sự hoang đường, nhưng cho phép ông Tập củng cố quyền lực hơn nữa
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, người dân không chỉ đọc “Sách Đỏ nhỏ” của ông Mao Trạch Đông mà còn phải mang theo bên mình mọi lúc. Tương tự, “Tư tưởng Tập Cận Bình” về chủ nghĩa xã hội bản sắc Trung Quốc hiện là bắt buộc đối với tất cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở. “Tư tưởng Tập” cũng được giảng dạy tại các trung tâm học tập trên toàn quốc. Kể từ thời ông Mao, Ông Tập là nhà lãnh đạo đầu tiên đưa tư tưởng của mình vào hiến pháp của đất nước.
Một trung tâm nghiên cứu ngoại giao về “Tư tưởng Tập” đã mở cửa vào năm ngoái. Vào tháng Sáu, một trung tâm nghiên cứu về tư tưởng pháp quyền của ông Tập được thành lập. Và bây giờ, một trung tâm nghiên cứu khác về tư tưởng kinh tế của ông Tập đã được thông qua và sẽ được thành lập tại Bắc Kinh. Trung Cộng tuyên bố rằng một nhánh kinh tế học mới đã được tạo ra ở Trung Quốc, dựa trên các lý thuyết kinh tế của ông Tập, hay còn gọi là “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” (“Xiconomics”). Trung tâm này sẽ giúp phát triển các chính sách kinh tế, phù hợp với kế hoạch 30 năm của ông Tập được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”. Học thuyết của ông Tập đã trở thành một phần của hiến pháp Trung Quốc, cũng như điều lệ (hiến pháp) của Trung Cộng, có nghĩa là học thuyết của ông Tập không thể bị thách thức.
Truyền thông phương Tây thường gọi ông Tập là “chủ tịch” của Trung Quốc, nhưng chức danh này gây hiểu nhầm, vì các tổng thống thì được bầu chọn. Các chức danh chính thức của ông Tập là Tổng Bí thư Trung Cộng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Ông Tập thường được coi là nhà lãnh đạo toàn diện hoặc nhà lãnh đạo tối cao vì ông nắm giữ cả ba vị trí là lãnh đạo Đảng, quân đội, và đất nước. Bây giờ ông đang tiếp quản chính sách kinh tế, ông đã đảm nhận một số quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Quốc vụ viện CHND Trung Hoa. Ông Tập đã từng là người đứng đầu Nhóm dẫn đầu Trung ương về Cải cách sâu rộng Toàn diện và Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Các vấn đề Tài chính và Kinh tế, cả hai nhóm này thường do Thủ tướng lãnh đạo .
Một trong những chính sách kinh tế hàng đầu của ông Tập là chiến lược lưu thông kép, một chương trình tự lực, tập trung vào thị trường nội địa và được phát triển do hậu quả của suy thoái kinh tế COVID-19. Mục tiêu là chuyển nền kinh tế từ sản xuất xuất cảng sang hướng nhu cầu nội bộ và tiêu dùng. Khái niệm “lưu thông nội bộ” xuất hiện lần đầu tiên do căng thẳng thương mại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những người theo dõi Trung Quốc lo ngại rằng những chính sách này sẽ khiến Trung Quốc hướng nội hơn nữa, đồng thời các công ty và nhà đầu tư ngoại quốc sẽ phải đối mặt với những hạn chế gia tăng.
Ý tưởng tập trung vào nhu cầu nội bộ không phải là một ý tưởng mới đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước đây cũng đã hứa sẽ tăng tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, lần này, cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ, cũng như các căng thẳng thương mại với các quốc gia như Úc, cùng với sự thù địch chung của Trung Quốc giữa các đối tác thương mại ngoại quốc, đã tạo ra một bối cảnh thích hợp để Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào xuất cảng và nhiều hơn vào kinh tế trong nước.
Khi gặp khủng hoảng ở ngoại quốc, Trung Cộng tập trung sự chú ý về quê nhà. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chế độ này đã tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ, sử dụng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ một nền kinh tế đang thất bại. Giờ đây, với đại dịch, nền kinh tế của các đối tác thương mại cũng bị đình trệ. Do đó, Bắc Kinh đang tập trung vào việc tăng tiêu dùng nội bộ để khiến mọi thứ hoạt động trở lại.
Một lý do cho sự cường điệu xung quanh “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” là để thuyết phục người dân Trung Quốc rằng ông Tập là người hiểu biết tất cả, là một bậc thầy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chính sách công, pháp quyền, ngoại giao, quản lý nhà nước và kinh tế. Chi tiết chính xác về những gì Trung Cộng tin là một kỷ luật kinh tế mới và vẫn chưa được biết đến. Nhân dân Nhật báo ca ngợi công việc của ông Tập trong cải cách cấu trúc bên cung [của nền kinh tế] như một động lực thúc đẩy tăng trưởng. Có lẽ đây có thể là “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập”, ngoại trừ việc học thuyết này có rất ít ý nghĩa. Kinh tế học trọng cung tìm cách tăng sản lượng và việc làm bằng cách giảm sự tham gia của chính phủ vào nền kinh tế và trao nhiều quyền tự do tài chính và kinh doanh hơn cho khu vực tư nhân. Nói tóm lại, điều này hoàn toàn trái ngược với các chính sách hiện tại của ông Tập, vốn có đặc điểm là kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khu vực tư nhân và vai trò ngày càng tăng của khu vực công.
Cho đến nay, Xiconomics có vẻ giống như một màn đóng thế công khai hơn là một lý thuyết kinh tế thực tế. Học thuyết này gợi nhớ đến kinh tế học Juche của Triều Tiên, một trong nhiều lĩnh vực chuyên môn vô song của cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành. So sánh Triều Tiên với Hàn Quốc, người ta có thể đi đến kết luận rằng hệ thống Juche hoạt động không hiệu quả.
Đối với chiến lược lưu thông kép của ông Tập, Trung Quốc sẽ khó có thể thay thế lĩnh vực thương mại mạnh mẽ của mình bằng nhu cầu nội bộ. Người dân trung bình kiếm được quá ít và tiết kiệm quá nhiều để làm việc. Cho đến nay, kế hoạch này dường như không được thành công cho lắm. Từ tháng Giêng đến tháng Bảy, đầu tư tư nhân giảm 5.7%, trong khi đầu tư tài sản cố định giảm 1.6%. Trong cùng thời kỳ, doanh số bán lẻ giảm 9.9%. Có vẻ như người tiêu dùng Trung Quốc sợ phải chia tay tiền mặt của họ, và không biết điều gì đang chờ đợi họ sắp tới.
Liệu “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” có tồn tại hay không và liệu ông Tập có thực sự có một kế hoạch kinh tế mang tính cách mạng để cứu đất nước hay không vẫn còn phải xem. Điều chắc chắn là bằng cách nắm quyền kiểm soát khu vực kinh tế, ông ta hiện đã củng cố thêm quyền lực của mình ở quy mô không có nhà lãnh đạo nào có được kể từ thời ông Mao.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều hãng thông tấn quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Xem thêm: