Học thuyết kinh tế kiểu ông Tập của Trung Quốc: Rất nhiều khẩu hiệu kinh tế, Chính phủ kiểm soát nhiều hơn
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang đàn áp lĩnh vực tài chính, hạn chế ngoại thương, và nhìn chung là đẩy nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi ảnh hưởng của thị trường để hướng tới một (nền kinh tế) kế hoạch hóa tập trung và mang tính xã hội.
Để kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Trung Quốc cộng sản, Bộ Ngoại giao đã công bố một bức thư, ca ngợi “sáu mặt trận (việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư ngoại quốc, đầu tư trong nước và kỳ vọng của thị trường) và đảm bảo sáu ưu tiên (công ăn việc làm, sinh kế, phát triển các thực thể thị trường, an ninh lương thực và năng lượng, hoạt động ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp, và vận hành trơn tru ở cấp cộng đồng).”
Bất chấp những bảo đảm của tuyên bố này, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, phần lớn là do các quyết định về chính sách của Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của ông Tập.
Một số khẩu hiệu của ông Tập không đặc biệt lạ, chẳng hạn như “điều chỉnh theo chu kỳ,” đơn giản có nghĩa là các hành động về chính sách được thực hiện qua các chu kỳ kinh doanh. Những khẩu hiệu khác, chẳng hạn như “Giấc mơ Trung Hoa,” thì được đánh cắp từ phương Tây, nhưng được chuyển hoá thành một phiên bản cộng sản.
“Giấc mơ Trung Hoa” thường được so sánh với giấc mơ Mỹ, mặc dù cả hai khá khác biệt. Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một cá nhân về việc tự vươn lên bằng những nỗ lực của chính bản thân, trong bối cảnh có quyền tự do định đoạt số phận của chính mình.
Ngược lại, giấc mơ của Trung Quốc là giấc mơ của những người theo chủ nghĩa tập thể về “việc hồi sinh” và củng cố đất nước – mục tiêu của ông Tập là biến Trung Quốc trở thành một quốc gia lãnh đạo thế giới.
“Thịnh vượng chung” là một khẩu hiệu, lại được định nghĩa bằng một khẩu hiệu khác, “xây dựng thành công một xã hội khá giả toàn diện.”
Người ta sẽ tưởng rằng giáo dục sẽ là một phần quan trọng của “sự thịnh vượng chung,” nhưng đây chính là một trong những lĩnh vực mà ông Tập đang cắt giảm. Lĩnh vực gia sư của Trung Quốc được định giá 120 tỷ USD, nhưng sau khi ông Tập tuyên bố đàn áp ngành này, 67 tỷ USD giá trị cổ phiếu đã bị xóa sổ trong vòng 48 giờ.
Ngoài ra, thị trường của các lớp học tiếng Anh, từng có thời là thành phần lớn nhất trong chi phí gia sư, đã bị cắt giảm còn một phần mười. Nếu không có các lớp tiếng Anh bổ sung này, người Trung Quốc sẽ càng ít được trang bị hơn để tương tác với thế giới — thêm một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hướng nội.
Chính sách mới của ông Tập, hạn chế đời sống dân sự và kinh tế, đã được gọi một cách chế giễu là “Thỏa thuận Đỏ Mới” (Red New Deal). Các khía cạnh về quyền tự do cá nhân và doanh nghiệp tư nhân mà ông Tập đang hạn chế bao gồm: phương tiện truyền thông xã hội, người nổi tiếng và câu lạc bộ người hâm mộ, những người có “thu nhập quá cao,” các công ty fintech, công ty trò chơi điện tử (gaming), dịch vụ gọi xe, xe đạp đi chung, khai thác Bitcoin, hầu hết các khía cạnh của lĩnh vực bất động sản, hiện thực ảo, và giao dịch chứng khoán tần suất cao. Việc loại bỏ những lĩnh vực này, và các hoạt động khác mà ông Tập không thích, là nhằm giúp xây dựng một “xã hội hài hòa”.
Trong thời kỳ Mao Trạch Đông, có một khẩu hiệu: “Tấn công ác bá địa phương, chia đất canh tác.” Ngày nay, ông Tập gọi đó là “tái phân phối của cải”—một cấu phần của “sự thịnh vượng chung” nhằm làm cho mọi người bình đẳng hơn tại một trong những nền kinh tế lớn, bất bình đẳng nhất trên thế giới. Việc phân phối của cải, trên thực tế, là đàn áp các tỷ phú và người nổi tiếng, những người đại diện cho “các vị thế chính trị không đúng đắn.”
Ông Tập nói rằng “những người có thu nhập cao nên đóng góp nhiều hơn cho xã hội” thông qua hoạt động từ thiện và đóng thuế cao hơn. Để đạt được mục tiêu này, ông Tập đã kiềm chế những cá nhân giàu có và có địa vị cao, những người mà ông coi là “có thu nhập quá cao.” Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao việc bắt giữ, phạt tiền, hoặc trừng phạt người giàu lại có thể khiến người nghèo trở nên giàu có hơn.
Nhìn qua, “Lưu thông kép” là một khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa khác có vẻ cân bằng. Theo các khái niệm thuật ngữ chặt chẽ nhất, nó có nghĩa chính là tập trung vào cả nền kinh tế bên trong và các nền kinh tế bên ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này có nghĩa là tập trung ít hơn vào xuất cảng và tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa. Nên “Lưu thông kép” [chẳng qua] là một cách khác nữa nói tránh đi cho việc Trung Quốc hướng nội. Một lý do cho chính sách này có thể là do thuế quan của Hoa Kỳ và xu hướng chung của các công ty sản xuất ngoại quốc đang rời bỏ Trung Quốc.
Dù lý do cho việc lưu thông kép là gì, thì thật trớ trêu khi ông Tập đã nói với mọi người rằng hãy tập trung vào nền kinh tế trong nước vào thời kỳ phong tỏa do COVID-19, thời điểm mà ông hạn chế tất cả các loại hình kinh doanh và dịch vụ trong nước, phi xuất cảng, bao gồm cả nhà hàng, du lịch, nhà bán lẻ, tiệm cắt tóc, phòng tập thể dục, câu lạc bộ đêm, quán bar, và rạp chiếu phim. Ông Tập tác dương những lợi ích của một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi chính sách Không-Covid của ông Tập lại khiến lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Ông chủ của những chuỗi công nghiệp” là một chủ thuyết của ông Tập, có nghĩa là chính quyền địa phương và cấp tỉnh chịu trách nhiệm “hợp lý hóa các chuỗi cung ứng công nghiệp,” đặc biệt là các chuỗi bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trên thực tế, việc điều hành các chuỗi công nghiệp dẫn đến hạn ngạch bị áp đặt lên các chính quyền địa phương. Và để đáp ứng các hạn ngạch đó, các chính quyền địa phương đã đưa ra bất kỳ quyết định thiển cận nào, nhiều quyết định trong số đó đã đẩy nợ của họ lên mức không thể giải quyết được. Nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc— bao gồm cả trái phiếu và cái gọi là “nợ ẩn,” các khoản vay mờ ám, không rõ ràng, được thực hiện thông qua các công ty vỏ bọc —ước tính là 47 ngàn tỷ nhân dân tệ.
Một chủ thuyết khác của ông Tập, “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ” nhằm khuyến khích mọi người không đầu tư vào bất động sản. Chính sách này được đưa ra vào năm 2017, tuy nhiên, đến năm 2021, các gia đình có tới 70% tài sản của nhiều thế hệ của mình gắn liền với bất động sản. Hơn nữa, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa bởi bong bóng nợ bất động sản trị giá 5 ngàn tỷ do các vụ vỡ nợ gây ra.
“Một ngân hàng, một chính sách” có thể được hiểu là sự chuẩn hóa các chính sách giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó có nghĩa là khi các ngân hàng địa phương bị lung lay dưới một núi nợ xấu và các giao dịch ngoại bảng mờ ám, Bắc Kinh đang chọn lựa ngân hàng nào sẽ được cứu trợ và ngân hàng nào sẽ được phép sụp đổ. Với các gói cứu trợ, luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đạo đức. Về cơ bản, bằng cách cứu trợ một tổ chức tài chính, chính phủ ân thưởng cho tổ chức này về hành vi xấu hoặc gây rủi ro của họ. Các gói cứu trợ gửi một tín hiệu đến các ngân hàng khác rằng họ cũng không nên lo sợ khi đánh liều với những rủi ro thiếu thận trọng, bởi vì các cơ quan trung ương sẽ cứu họ.
Ngoài các gói cứu trợ, Bắc Kinh đã thực hiện các bước khác, chẳng hạn như sáp nhập và mua lại, cũng như cho phép các ngân hàng tái cấu trúc và tổ chức lại, thậm chí cho phép các ngân hàng nhỏ, chưa niêm yết, bất kể đang gặp khó khăn về tài chính, huy động vốn thông qua các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Khẩu hiệu kinh tế tổng quát dẫn lối cho nền kinh tế mới của Trung Quốc là Trung Cộng mong muốn “hướng dẫn” các công ty tư nhân khám phá “một hệ thống doanh nghiệp hiện đại với các đặc thù của Trung Quốc.” Điều này có nghĩa là Đảng muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các quyết định của các công ty để đảm bảo rằng họ tuân theo một đường lối đúng đắn, do nhà nước xác định.
Kết quả là, các doanh nghiệp nhà nước ngày càng mở rộng, tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn, bao gồm cả các khoản vay ngân hàng, trong khi tiêu diệt đi các công ty tư nhân và giảm tỷ lệ sản lượng kinh tế của khu vực tư nhân.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: