Học làm cha mẹ: Làm thế nào thay đổi một đứa con ngỗ nghịch?
Khi mâu thuẫn phát sinh, chúng ta đừng vội cho rằng bản thân chịu thiệt thòi, mà cần nghĩ rằng liệu mình đã nhận được bài học gì sau sự việc này? Bởi vì sự việc đã phát sinh rồi, thay vì than ngắn thở dài thì hãy duy trì một tâm thái tích cực.
Trần Minh (hóa danh) là một em học sinh trong lớp tôi giảng dạy. Cậu bé thường xuyên quậy phá trong lớp, bắt nạt và đánh nhau với bạn bè. Một lần, Trần Minh phạm lỗi và bị cha mẹ đánh đòn, để lại trên cơ thể hàng chục vết thương bầm tím. Sau khi tôi thực hiện một số liệu pháp tâm lý, cậu bé đã dần dần có chuyển biến tốt và không còn phạm sai lầm đó nữa.
Từ những liệu pháp tâm lý
Hôm ấy Trần Minh đánh con trai tôi khiến mắt thằng bé bị tổn thương. Tôi đến gặp em và nói: “Là người ai cũng từng phạm lỗi, trong đó có cả thầy giáo như ta. Thầy không rõ cha mẹ con sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, vì vậy thầy hy vọng con sẽ tìm một căn phòng riêng và nói chuyện điện thoại với thầy”. Câu nói của tôi quả thật đã nhắm trúng tâm lý của Trần Minh, rốt cuộc không có đứa trẻ nào muốn bị cha mẹ đánh đòn. Khi vắng mặt cha mẹ, cuộc điện thoại giữa chúng tôi chính là hỏi gì đáp nấy. Sau khi hai thầy trò bí mật chuyện trò với nhau, Trần Minh đã đặt niềm tin vào tôi, em ấy biết rằng tôi đang bảo vệ em, và em cũng nguyện ý kể cho tôi nghe những khó khăn của mình.
Trần Minh kể rằng em không có bạn, vô cùng tịch mịch cô đơn. Tôi nói: “Nếu muốn có bạn, trước tiên con cần biết gánh trách nhiệm. Con trai của thầy rất ham học, nhưng mắt của bạn ấy lại bị con làm đau mất rồi. Hai ngày nay bạn ấy không thể đến trường, con có thể giúp bạn ấy không? Ở trên lớp con hãy gắng tập trung nghe giảng, tiếp thu những gì thầy cô giảng dạy rồi ghi chép lại vào vở thật chi tiết“. Kết quả, trong hai ngày ấy em rất ngoan, vô cùng nghiêm túc nghe giảng, khiến cho các thầy cô giáo kinh ngạc không thôi.
Lầm lỗi có phải chỉ là lỗi?
Khi mâu thuẫn phát sinh, chúng ta đừng vội cho rằng bản thân chịu thiệt thòi, mà cần nghĩ rằng liệu mình đã nhận được bài học gì sau sự việc này? Bởi vì sự việc đã phát sinh rồi, thay vì than ngắn thở dài thì hãy duy trì một tâm thái tích cực. Trong văn hoá truyền thống có rất nhiều ngạn ngữ như vậy, ví dụ tiếng Mân Nam của người Trung Quốc có câu: “Đánh gãy xương cốt, ngược lại càng dũng mãnh”. Ý tứ là xương cốt tuy đã gãy rồi, nhưng khi được nối lại rồi thì sẽ càng cường tráng khỏe mạnh hơn. Chữ “Thác” (错) nghĩa là lầm lỗi, bên trái của chữ Thác là bộ Kim (vàng), bên phải là chữ Tích (xưa), nghĩa là làm thế nào để từ những sai lầm trong quá khứ mà nhận được giáo huấn, biến thành bài học để hoàn thiện chính mình.
52 vết bầm tím trên thân
Vào ngày khai giảng, một em học sinh vừa nhìn thấy tôi liền chạy ngay đến, báo cho tôi rằng có bạn học sinh bị cha mẹ đánh đến mức toàn thân có 52 vết bầm tím xanh đen. Cậu bé ấy chính là Trần Minh, vốn hay gây rối trong lớp lại hay đánh nhau với bạn bè. Lần này có lẽ cậu bé pha trò tinh nghịch, bị người ta mách cho phụ huynh biết, phụ huynh vừa nghe thấy liền nổi trận lôi đình: “Tại sao dạy mãi mà không sửa!“, và như thế một trận đòn liên tiếp giáng xuống.
Trần Minh là đứa trẻ rất thông minh, nhưng vì sao không thể kiểm soát được cảm xúc của bản thân? Tôi biết rằng cha mẹ Trần Minh vì bận bịu công việc nên thường xuyên về nhà muộn, lại lo lắng con trai ở một mình sẽ buồn, nên có khi về nhà rất muộn rồi vẫn dắt cậu bé ra ngoài chơi. Về đến nhà đứa trẻ rất mệt, không thể ngủ ngon, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể trạng ngày hôm sau. Nếu muốn cho cậu bé không phát tiết nóng nảy, kỳ thực là điều rất khó.
Đối với tình huống của Trần Minh, tôi đặc biệt làm ba việc: Thứ nhất, thường xuyên liên lạc với mẹ em. Thứ hai, tìm đến phụ huynh của bạn học gần nhà và nhờ vị ấy lặng lẽ giúp đỡ cậu bé. Thứ ba, thường xuyên gọi điện thoại riêng cho em. Trong thời gian này em vẫn phạm lỗi như trước, giống như một loại thói quen quán tính. Tuy nhiên qua thời gian, chúng tôi quan sát thấy Trần Minh càng ngày càng hòa nhã hơn. Cuối cùng, mẹ em gọi điện cho tôi: “Cảm ơn thầy, nếu không có thầy thì con trai tôi đã bị đuổi học từ lâu rồi. Dẫu thằng bé có chuyển trường đi nơi khác, thì cũng không thể bình an ở đó mà học tập cho đến khi tốt nghiệp”.
Nhìn thấy bộ mặt của bản thân, giải quyết được vấn đề cảm xúc
Trong tâm lý học, nếu một người có 1/3 thời gian không lành mạnh về mặt cảm xúc, thì tâm trí họ đã bật đèn báo động đỏ rồi. Vậy làm thế nào mới có thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân một cách nhanh chóng và hiệu quả? Có hai bước: Đầu tiên, hãy nghe nhạc. Âm nhạc là một loại biên độ sóng lên xuống, tâm trạng của con người cũng là một loại biên độ sóng như vậy. Sử dụng các tần số âm nhạc nhẹ nhàng và sáng sủa là cách tuyệt vời để điều chỉnh cảm xúc. Thứ hai, hãy vẽ tranh. Khi người ta tập trung vào các hành vi cụ thể, nội tiết tố cảm xúc trong cơ thể sẽ được điều chỉnh cân bằng.
Một số công ty lớn thường xuyên phát nhạc ở nơi làm việc, giấy bút cũng luôn sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, thậm chí có cả tiếng nước chảy êm dịu. Tôi đã từng gặp sếp của một công ty khá nổi tiếng, triết lý quản lý của ông chính là như vậy.
Nắm vững hai điều này bạn sẽ tìm lại được chính mình. Hãy thực hiện hai bước kể trên và nhìn xem bạn có thấy khuôn mặt (biểu tượng cảm xúc) của mình không? Cảm xúc của bạn thay đổi như thế nào? Ví dụ, trong mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng, thông thường người trong cuộc chỉ nhìn vào đối phương, cảm thấy đối phương thật là xấu xí đáng ghét, hiếm có ai lại nhìn vào khuôn mặt của mình, và như thế mâu thuẫn sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng khi chúng ta tự nhìn vào bản thân, bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn, và từ đó vấn đề sẽ được giải quyết thật nhẹ nhàng.