Học giả nổi tiếng người Trung Quốc mô tả Taliban là ‘Quân Giải phóng’ của Afghanistan
Một giáo sư có mối liên hệ mật thiết với Trung Cộng gần đây đã vấp phải tranh cãi sau khi mô tả Taliban là “Quân đội Giải phóng Nhân dân” (PLA) của riêng Afghanistan, tên chính thức của lực lượng quân sự của Trung Cộng.
Trong một video đăng hôm 03/08, ông Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), một giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, kêu gọi mọi người loại bỏ nhận thức tiêu cực mà họ có thể có về nhóm phiến quân này. Ông Vương cũng là một nghiên cứu viên đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới Đương đại, một tổ chức tư vấn được điều hành bởi cơ quan cao cấp của Đảng, thuộc Vụ Quốc tế của Ủy ban Trung ương Trung Cộng.
Taliban “đã bị Hoa Kỳ [tuyên truyền] yêu ma hóa, nhưng chính là người anh em tốt của Trung Quốc,” ông Vương viết trong một bài đăng trên mạng xã hội đính kèm video này.
Bình luận của ông được đưa ra vài tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan trước khi Hoa Kỳ lên kế hoạch rời khỏi đất nước này, và vài ngày sau khi Trung Cộng tiếp đón một phái đoàn đại diện của Taliban tại thành phố Thiên Tân để thể hiện sự ủng hộ đối với nhóm phiến quân này.
Trong video, ông Vương nói rằng việc PLA đã đánh bại chính phủ Trung Quốc Quốc Dân Đảng, vốn có nhiều năm được Hoa Kỳ hỗ trợ, trong cuộc nội chiến Trung Quốc những năm 1940, giống như việc Taliban có thể tiêu diệt chính phủ Afghanistan do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Đoạn video dài 4 phút của ông trên Xigua Video, một nền tảng tương tự như YouTube ở Trung Quốc, kể từ đó đã bị xóa, mặc dù trên YouTube vẫn có bản sao với phụ đề tiếng Anh. Kênh của vị giáo sư này có 710,000 người theo dõi.
Nhận xét của ông Vương đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet Trung Quốc. Một số cư dân mạng phẫn nộ khi cho rằng ông Vương ví nhóm phiến quân này với PLA, một quân đội lớn được hiện đại hóa vượt trội so với lực lượng của Taliban. Những người khác cho rằng nhận xét của vị giáo sư này, dù có thể là không cố ý, nhưng đã phản ánh bản chất bạo lực chung của PLA và Taliban.
Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cũng lưu ý những điểm tương đồng giữa PLA và Taliban, nói rằng “cả hai đều có ý thức hệ và cả hai đều được quân sự hóa.”
Cả hai nhóm đều ủng hộ ý tưởng rằng “quyền lực chính trị nảy sinh từ nòng súng,” một cụm từ được đặt ra bởi lãnh đạo đầu tiên của Trung Cộng Mao Trạch Đông, ông Kondapalli nói với The Epoch Times. Trong khi đó, cả hai đều có một nghị trình về ý thức hệ: mục tiêu của PLA là gìn giữ chủ nghĩa cộng sản, trong khi Taliban theo đuổi một tiểu vương quốc Hồi giáo.
Trong video của mình, ông Vương cũng kêu gọi khán giả của mình “từ bỏ cái gọi là ‘bạo lực,’ ‘chủ nghĩa khủng bố,’ và các phán xét khác” liên quan đến Taliban, đồng thời hiểu nhóm này từ các học thuyết Hồi giáo và truyền thống bộ tộc. Ông Vương nói thêm: “Chúng ta cần phải từ bỏ sự tuyên truyền yêu ma hóa bởi một số cuốn tiểu thuyết, phim Mỹ, hoặc dư luận.”
Ông kết thúc video của mình với câu: “Họ [Taliban] biết rất rõ rằng Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh. Vì vậy, nếu muốn kiểm soát tình hình, họ phải hợp tác với Trung Quốc.”
Nhận xét của ông Vương phù hợp với thể văn tường thuật tuyên truyền của Trung Cộng kể từ khi Taliban nắm quyền, tập trung vào việc ca ngợi nhóm phiến quân này, đồng thời khiển trách Hoa Kỳ về cách họ giải quyết việc rút quân khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, các chiến dịch tuyên truyền của Trung Cộng đã vấp phải một số phản đối trong nước. Tuần trước, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Cộng là tờ Nhân dân Nhật báo đã rút lại một video giải thích lịch sử của nhóm phiến quân này, sau khi nhận được phản ứng dữ dội từ các cư dân mạng phàn nàn rằng video đó đã ‘tẩy trắng’ lịch sử bạo lực của Taliban. Video này đã bỏ qua mọi tham chiếu đến các dính líu của nhóm này với chủ nghĩa khủng bố, quá khứ bạo lực, hoặc đàn áp phụ nữ.
Trong nước, ông Vương được biết đến như một người ủng hộ trung thành của Trung Cộng. Ông Vương đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc và thực hiện các bài diễn văn tại các diễn đàn do nhà nước bảo trợ nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình. Ông cũng đã xuất bản gần chục cuốn sách về BRI, trong đó có ba cuốn được viết bằng Anh ngữ.
Ông Michael Yon, một ký giả chiến trường sống ở Afghanistan từ năm 2008 đến năm 2011, nói với The Epoch Times, miêu tả tích cực của Trung Cộng về Taliban có liên hệ tới lợi ích kinh tế của họ ở Afghanistan.
Theo ông Yon, Trung Cộng muốn có BRI và khoáng sản, chẳng hạn như lithium, ở Afghanistan, do đó họ cần tẩy trắng cho Taliban để biện minh cho các chính sách đối ngoại của mình.
Ông Yon cho biết, “Trung Cộng vào cuộc và chỉ giao dịch với một số nhà môi giới quyền lực. Họ [Trung Cộng] trả nợ cho Taliban, và sau đó họ lấy được tất cả tài nguyên và đất đai của chúng tôi. Vậy nên, người dân địa phương bị loại ra [khỏi giao dịch này]. Đó cũng là cách duy nhất mà họ có thể đối phó ở Afghanistan.”
Bà Terri Wu là một phóng viên đưa tin tổng thể có trụ sở tại khu vực đô thị thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: