Học cách ứng xử trí tuệ để cuộc sống hôn nhân ngày thêm nồng thắm
Một đời của hai người có được bao nhiêu chuyện thú vị? Tình cảm vợ chồng thể hiện ở đâu? Chính là thể hiện ở một chén canh, một bát cơm, một thìa dầu trong đời sống hàng ngày.
“Hôm nay sao im lặng thế này, em đang nghĩ gì thế?” Chồng quay đầu lại nói chuyện với tôi.
“David, em đột nhiên cảm thấy chúng ta rất thích hợp làm vợ chồng của nhau”. Đi trên con đường núi vắng bóng người, chúng tôi chầm chậm bước đi lên đỉnh núi.
“Anh cũng cảm thấy như thế”. Chồng mỉm cười nhìn tôi.
Nhớ lại những năm kết hôn vừa qua, có một ngày tôi bỗng nhiên nghĩ thông suốt hết thảy.
Những gì tôi và chồng có với nhau là chìa khóa quan trọng giúp tôi biết sống một cuộc sống giá trị. Tôi vốn ghét cuộc sống buồn tẻ, đơn giản, tôi thích đi du lịch, cũng dễ nổi hứng làm một việc gì đó. Nhưng chồng thì khác, trước mỗi sự việc anh ấy đều thận trọng làm từng bước, quyết định bất kỳ việc gì cũng đều suy nghĩ chu toàn mới thực hiện. Chúng tôi có tính cách khác biệt như vậy, nhưng lại kết hôn với nhau. Tôi từng nghĩ rằng chúng tôi có hợp nhau không?
Sau khi kết hôn, tôi mới suy nghĩ anh ấy có phải là người dành riêng cho mình hay không?
Nếu như, không có người ấy tiến vào cuộc đời tôi, thì có lẽ tôi vẫn đang là người kiêu ngạo luôn tự cho mình là đúng, và “chỉ sống trong thế giới của riêng mình” thực sự là điều quá buồn tẻ!
Hòa hợp với chồng sau khi kết hôn đã cho tôi cơ hội bình tĩnh nhìn lại thái độ và cách hành xử của bản thân mình. Nếu không hiểu được nguyên nhân đằng sau sự vui mừng, tức giận, buồn bã của con người, lại thiếu đi sự đồng cảm, nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ, thì rất khó để tìm ra lối thoát cho những mâu thuẫn và cảm xúc tiêu cực.
Có lẽ, đó là do tính cách dưỡng thành. Hai bên xuất thân từ những gia đình khác nhau, mỗi người đều có giá trị khác nhau, khi chung sống với những người xung quanh, nếu ý kiến hai bên không giống nhau thì sẽ đụng đến quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, tôi lại thường đóng vai hợp tác, hòa đồng, và không phát biểu ý kiến, dù trong lòng cảm thấy không vui cũng sẽ không thể hiện thái độ, mà lại chọn cách tránh xa đối phương.
“Bạn trong lòng âm thầm chấm điểm người khác, cuối cùng không nói một lời mà kết án tử hình đối với họ”. Lúc còn là sinh viên, một bạn nam đã nói với tôi như vậy. Tôi vẫn luôn không hiểu ý nghĩa của câu này, bây giờ làm một người vợ rồi mới hiểu được ý vị của nó.
Rất nhiều việc không thể dùng cách trốn tránh suốt cả một đời được.
Sau khi kết hôn, hằng ngày có bạn cùng phòng, bạn cùng chơi, bạn ăn cơm, bạn lữ hành, có lúc còn sẽ biến thành cha hờ, con hờ, thầy hờ… Tôi thường băn khoăn không biết “chồng thật” nên có dáng vẻ như thế nào? Thực ra, đó là dáng vẻ nguyên thủy nhất của anh ấy, không phải dáng vẻ mà tôi “quen biết”.
Học cách ứng xử trí tuệ, khiến mối quan hệ hôn nhân càng lúc càng nồng thắm
Mấy ngày trước, nhìn thấy một người bạn đăng trên Facebook rằng cậu con trai 5 tuổi đáng yêu của cô ấy đã nhờ cô ấy giục chồng đừng về nhà quá muộn. Cậu con trai nói: “Mẹ ơi, mẹ phải giáo huấn bố, giáo huấn bố”. Người bạn lúc ấy không kịp phản ứng, cứ tưởng đang nói chuyện với đứa con trai đến tuổi nổi loạn.
Sau đó, tôi hỏi bạn tôi về phản ứng tức thì của cô ấy. Cô ấy nói, “Cơ hội giáo dục đấy! Nói với con sự diệu kỳ của chữ Hán. “Giáo huấn” có nghĩa là rút kinh nghiệm từ trong thất bại, vì vậy phải dùng từ “kiến nghị” (gợi ý) và “đề tỉnh” (nhắc nhở) thay thế”. Đồng thời, tôi cũng nói với con rằng bố làm việc rất vất vả, vì bố phải làm thêm giờ nên sẽ về muộn hơn bình thường, vì vậy con hãy quan tâm đến bố hơn mới đúng”.
Tôi nghe xong lời bạn nói thì vô cùng bội phục, có thể đối diện với đứa trẻ thơ ngây mà có thể lý trí đưa ra sự hướng dẫn, dạy dỗ nhẹ nhàng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và trí tuệ rất lớn.
Điều này khiến tôi nhớ lại những cuộc trò chuyện hàng ngày với chồng, tôi thường phản ứng theo chủ ý hoặc cố ý, đôi khi cố tình mỉa mai, chỉ trích, thờ ơ. Mà những cuộc trò chuyện như vậy không thể trải nghiệm để rút ra bài học trước khi kết hôn.
Ví dụ: chồng tôi rất chú trọng nhà cửa sạch sẽ, mỗi lần nhìn thấy gián là như thấy kẻ thù, phải đánh chết cho bằng được. Gần đây thời tiết ấm lên, bếp cũng bắt đầu bị kiến và gián xâm nhập.
Vợ: “Sáng nay em thấy trong bếp có một con gián đang nằm “chổng vó” (ý là bốn chân của nó chổng lên trời).
Chồng: “Em đánh chết nó chưa?”
Vợ: “Như vậy ác quá, em để nó tự sinh tự diệt”.
Chồng: “Có gì đâu, (đánh côn trùng) là sở trường của anh”.
Anh chồng háu ăn thích xem các chương trình ẩm thực, lâu lâu lại muốn tôi nấu theo công thức.
Chồng: “Tối nay em định nấu món gì?”
Vợ: “Cơm rang.”
Chồng: “Vậy thì phải thêm hành lá xắt nhỏ, cà rốt bào sợi, hành tây thái sợi …”
Vợ: “David, hôm nay để anh trở thành “đầu bếp sành điệu” trong một đêm thì sao?”
Chồng: “Bếp không phải chiến trường chính của anh”.
Vợ: “Chiến trường chính của anh ở đâu?”
Chồng: “Là công ty, anh kiếm tiền nuôi vợ.”
Bất đồng giữa vợ và chồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng nguyên nhân của chiến tranh lạnh thường là do một bên quá to tiếng hoặc nói điều gì đó xúc phạm.
Vợ: “Tại sao vừa rồi anh lại hung dữ với em?”
Chồng: “Anh chỉ nói to một chút thôi.”
Vợ: “Vậy lần sau em cũng phải nói to hơn một chút nữa!”
Chồng: “Tai của anh không bị làm sao”.
Vợ: “Lần sau không cần to tiếng như thế, em sẽ to tiếng lại đấy”.
Chồng: “… (trong im lặng)”
Một hôm, chồng tôi đi làm về muộn, tôi giục anh ấy nhanh chóng tắm rửa, sau khi ăn một món ăn khuya thì có thể đi ngủ ngay.
Chồng: “Giờ muộn lắm rồi. Đi tắm sẽ ảnh hưởng mọi người trong nhà”.
Vợ: “Vậy ý anh là gì?”
Chồng: “Cơ thể anh rất thơm. Sáng mai anh sẽ đi tắm.”
Vợ: “Anh ra sô-pha ngủ đi.”
Kết quả là chỉ trong chốc lát, anh chồng đã thay bộ đồ ngủ rồi chạy lên giường nằm.
Chồng: “(đồ ngủ) đã được giặt sạch, rất thơm ~”
Trò chuyện trong đời sống hàng ngày giữa hai người có vẻ dở khóc dở cười, nhưng nó cho thấy rằng người chồng và người vợ có thể vun đắp không gian cho một mối quan hệ tốt đẹp. Đôi khi, cố gắng thấu hiểu hoàn cảnh của nhau sẽ khiến tình cảm của hai bên càng thêm bền chặt. Suy cho cùng, muốn có một gia đình hạnh phúc thì không nên nhìn vào đúng sai của sự việc, mà là nên giải quyết tình cảm cá nhân hiện tại, bao gồm cả việc liệu bạn có sẵn sàng bao dung những thiếu sót và những thói quen xấu của đối phương hay không.
Tuy nhiên, tại sao lại có tình trạng giao tiếp kém? Điều này cũng làm tôi nhớ đến người đời xưa thường dạy con cái “khéo ăn khéo nói”.
Ý nghĩa của “khéo ăn khéo nói” rất sâu sắc. Trước tiên, bạn phải hiểu được ý nghĩa diễn đạt của đối phương, học cách lắng nghe và hiểu đúng ý, sau đó phản hồi ý kiến của đối phương. Trong quá trình ấy, hai bên không nên có thái độ kiêu ngạo, hoặc gấp gáp ngắt lời đối phương để thể hiện quan điểm của bản thân, như vậy mới có thể giao tiếp hiệu quả.
Nhà văn Dale Carnegie từng nói rằng: “Nếu bạn đúng, hãy cố gắng nhẹ nhàng và khéo léo để người kia đồng ý với bạn; nếu bạn sai, hãy thừa nhận điều đó một cách nhanh chóng và nghiêm túc. Điều đó hiệu quả và thú vị hơn nhiều với việc tự mình tranh cãi.”
Giữa vợ và chồng nên dệt nên bản kế hoạch cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà giao tiếp là một bài học quan trọng. Lời nói giảm nhẹ lực sát thương khi đối mặt với những điều không vừa ý, mới có thể cùng nhau giải quyết hoàn hảo.
Không có nửa kia hòa hợp một cách tuyệt đối, nhưng một người biết cách trưởng thành và điều chỉnh tâm tính sẽ là “người bạn đời tốt nhất”.
Tác giả: Ỷ Phương
Mạt Lỵ biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: