Học cách trân trọng vẻ đẹp qua họa phẩm ‘Ảo ảnh đã mất’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim
Đôi khi chúng ta để cơ hội vụt qua kẽ tay mà quên mất rằng cuộc đời của chúng ta sẽ kết thúc trong chớp mắt.
Gần đây tôi đang thảo luận với một người bạn về nhận thức muộn màng. Bạn đã bao giờ tự nhủ: “Nếu tôi có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ làm việc đó khác đi chưa?”, hoặc “Nếu tôi biết điều đó thì bây giờ tôi đã biết nên làm gì rồi”?
Những bài tập chiêm nghiệm như vậy có thể chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng đón nhận một tương lai có chủ đích hơn hoặc khiến chúng ta hoài niệm về quá khứ.
Bức tranh “Ảo ảnh đã mất” (còn được gọi là “Buổi tối”) của hoạ sĩ Charles Gleyre mô tả nỗi buồn và sự suy tư có thể là bắt nguồn từ những cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Hoạ sĩ Charles Gleyre và ‘Ảo ảnh đã mất’
Gleyre là một họa sĩ Thụy Sĩ ở thế kỷ 19 chủ yếu làm việc ở Pháp. Ông đã sử dụng kiến thức học thuật của mình để sáng tác những bức tranh lãng mạn, trong đó nổi tiếng nhất là tác phẩm “Ảo ảnh đã mất.”
“Ảo ảnh đã mất” là bức tranh được lấy cảm hứng từ một ảo ảnh mà Gleyre đã trải qua khi còn là một chàng trai trẻ trên bờ sông Nile trong chuyến viễn du ở Ai Cập. Gleyre vẽ bức “Ảo ảnh đã mất” vào năm 1843 ở độ tuổi 37, gần 10 năm sau khi gặp phải ảo giác, và gửi bức tranh đến cuộc thi triển lãm của Salon Pháp, nơi tác phẩm đã đạt huy chương vàng và được Nhà nước Pháp mua lại.
Phiên bản được nhìn thấy ở đây là một bản sao được vẽ vào năm 1867 bởi Gleyre và Léon Dussart – học trò của ông theo yêu cầu của doanh nhân và nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ William Thompson Walters.
Bức tranh miêu tả một người đàn ông ở bên phải bố cục gục đầu và vai xuống trong u sầu. Mặt trăng trên bầu trời màu tím và vàng biểu thị ánh hoàng hôn, và mặt trời lặn gần như làm bóng hình người đàn ông chìm dần vào đêm tối.
Ông đặt chiếc đàn lia của mình trên đất, khi ông ngồi trên bến và nhìn một chiếc thuyền chở hàng chục người ra khơi.
Không giống như người đàn ông, các nhân vật được chiếu sáng theo cách mà tất cả các đặc điểm của họ đều được hiện lên rõ ràng; như thể mỗi người đều được chiếu sáng bằng một nguồn sáng riêng biệt.
Ngoại trừ thần Cupid, người lái thuyền, tất cả các nhân vật khác đều là nữ. Các cô nàng sôi nổi vỗ tay, chơi nhạc cụ và ngâm thơ. Những người thụ động hơn thì quan sát và chăm chú lắng nghe những người khác. Khi con thuyền chầm chậm trôi đi, thần Cupid rải những cánh hoa xuống làn nước.
Trân trọng giá trị của những điều đẹp đẽ
Có một số điểm đặc biệt của bức tranh này và ý nghĩa rõ ràng được nhắc đến.
Người đàn ông đang u sầu khi thấy những nữ nghệ sĩ trên thuyền này ra đi. Đây có phải chỉ đơn thuần là người đàn ông chứng kiến những khát vọng tuổi trẻ của mình trôi đi theo dòng khi ông đang bước gần đến giai đoạn xế chiều của cuộc đời?
Thần Cupid, một biểu tượng đại diện cho tình yêu say đắm và nồng nàn, đang tung những cánh hoa xuống biển, như thể những cánh hoa này tượng trưng cho sự đánh mất những mối quan hệ lãng mạn.
Những quý cô như nàng thơ, tất cả như biểu trưng cho các loại hình nghệ thuật truyền tải vẻ đẹp, đang trôi đi như thể người đàn ông đã đánh mất những gì đẹp đẽ của cuộc đời, nỗi mất mát bao trùm ông trong niềm bi ai mà ông đang gặm nhấm.
Và điều gì đã khiến ông bỏ lỡ cơ hội nhiều đến vậy? Đó có phải là cây đàn lia mà bây giờ ông đang đặt nó bên cạnh mình? Có khả năng là ông đã tập trung vào luyện tập kỹ thuật điêu luyện của đàn lia đến mức bỏ quên cuộc đời không? Có phải ông đã bận tâm đến mức bỏ lỡ tất cả khung cảnh tươi đẹp xung quanh mình, vẻ đẹp mà ông chỉ vừa có thể nhận thấy khi nó thoát ra trong màn đêm của cuộc sống?
Tất cả điều này có thể đúng, nhưng cách giải thích này dường như bỏ qua một quan điểm khác được ngụ ý bởi tiêu đề bức tranh. Gleyre đề cập đến tất cả những gì đã bị đánh “mất” chỉ là “ảo ảnh.”
Ảo ảnh là yếu tố quan trọng đối với các họa sĩ lãng mạn, một sự cân bằng quan trọng cho công cuộc tìm kiếm chân lý khoa học trong thế kỷ 18 và 19. Ảo ảnh, trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ xoa dịu tinh thần con người đã bị bỏ rơi để hướng đến khoa học khách quan và lý tính.
Có lẽ nỗi sầu muộn mà người đàn ông đang nếm trải không chỉ giới hạn ở nỗi mất mát cá nhân. Có lẽ ông tượng trưng cho một thời đại mà mọi người đã đánh mất quyền tiếp cận với những điều đẹp đẽ đã từng rung động tâm khảm con người.
Có phải những điều mỹ diệu này – thơ ca, lịch sử và âm nhạc – đã từng được biểu đạt bởi những nàng thơ và rất nhiều câu chuyện nổi bật của nhân loại đã bị gạt sang một bên bởi một cuộc truy tìm chân lý khoa học lạnh lùng và đầy toan tính? Hoặc, những nàng thơ cho rằng không còn nơi nào dành cho họ, nên họ đành giương buồm ra khơi, đến một nơi nào đó, một thời gian nào đó, một thời đại nào đó sẽ thấu hiểu họ một lần nữa?
Đây có phải là lý do tại sao người đàn ông đặt chiếc đàn lia bên cạnh mình? Bởi vì có một sự thiếu hụt lòng tôn trọng đối với những nỗ lực theo đuổi âm nhạc của ông trong một thế giới ngày càng lạnh lùng, mang tính phân tích và khoa học? Sự u uất của ông có phải là do cực đoan của khoa học này gây ra?
Có phải ông gần như khuất lấp vì những chân lý khoa học được cho phổ quát đã che giấu bản tính độc đáo riêng biệt vốn có của mình để thấu hiểu cái đẹp và theo đuổi nghệ thuật sáng tạo? Hay người đàn ông bị khuất lấp vì sự sáng tạo không phải là hướng đến vẻ đẹp và sự tự biểu đạt bản thân, như được nhìn thấy ánh sáng của những nhân vật trên thuyền?
Có lẽ tác phẩm nghệ thuật này không phải là một bản cáo trạng về khoa học theo cách như vậy, mà là một minh chứng cho mất mát bởi sự cực đoan, khách quan hóa có tính toán do Chủ nghĩa khoa học gây ra — một mất mát mà chúng ta sẽ chiêm nghiệm lại bằng câu tục ngữ, “Nếu tôi biết điều đó thì giờ tôi đã biết nên làm gì rồi…”
Có lẽ tác phẩm nghệ thuật này khuyến khích chúng ta cần suy nghĩ cẩn trọng khi nhìn về tương lai, một nhận thức tươi mới và tôn trọng vẻ đẹp được thể hiện bởi tâm hồn con người, một vẻ đẹp mà “ảo ảnh” giúp cân bằng sự cực đoan của khoa học.
Thông điệp và cảnh báo trong bức tranh thật sâu sắc, khuyến khích chúng ta xem xét cách mà mọi người có thể cân bằng kỷ nguyên khoa học của chúng ta, cuộc sống của chúng ta và những nỗ lực theo đuổi của chúng ta bằng sự trân trọng hơn vẻ đẹp của cuộc sống trước khi nó trôi qua phía chân trời và vĩnh viễn xa khuất tầm nhìn.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những hình ảnh và biểu tượng tâm linh mà ý nghĩa đã bị mất đi trong trí tưởng tượng của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim,” chúng tôi giải thích nghệ thuật thị giác theo những cách sâu sắc về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đang phải vật lộn tìm kiếm, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho hành trình trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).