Hoàn thiện câu chuyện của bạn để cuộc sống tốt đẹp hơn
Cô Linda Olson có một câu chuyện rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Là một tác giả, diễn giả và nhà khai vấn, cô đã chia sẻ câu chuyện của mình và về sức mạnh của các bài diễn thuyết ấn tượng ở TED TALK, và trong cuốn sách được mang tên (tạm dịch): “Điều cốt lõi trong câu chuyện của bạn: Nắm bắt và kể lại một cách thuần thiện, tự tin và đầy thuyết phục”.(Your Story Matters: Own Your Story and Tell It With Clarity, Confidence & Impact)
Ngay từ khi còn nhỏ, cô Olsen đã phải trải qua một biến cố ngoài sức tưởng tượng và điều này đã dẫn dắt cô đi theo một hành trình chữa lành, hướng nội và vị tha. Từ đó, cô hiểu được sức mạnh cũng như khả năng kết nối và giúp đỡ người khác thông qua các câu chuyện. Ngày nay, công việc của cô Olson là giúp đỡ các công ty và cá nhân hình thành và kể lại những câu chuyện của riêng họ, hướng đến sự kết nối và tác động tốt hơn.
Khi phải đối mặt với tác động của đại dịch, nhiều người trong chúng ta đang hướng nội và sống nội tâm hơn. Việc chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình, can đảm nhìn vào những khoảnh khắc quan trọng và chia sẻ câu chuyện của chúng ta với người khác có thể chắp cánh cho một sự kết nối và thấu hiểu sâu sắc hơn cho tất cả mọi người. Liệu chúng ta có thể đạt được sự sáng suốt trong việc nỗ lực kể ra những câu chuyện của chính mình không?
Tôi đã hỏi cô Olson cách chúng ta có thể bắt đầu bóc tách câu chuyện của một người, đạt được sự sáng suốt và tìm thấy những điều ý nghĩa hơn từ kinh nghiệm sống. Dưới đây là những gì cô ấy chia sẻ.
The Epoch Times: Đối mặt với một bi kịch khủng khiếp, bạn đã dũng cảm bước ra khỏi nỗi tuyệt vọng và vượt qua nó. Bạn có thể cho độc giả của chúng tôi biết một chút về câu chuyện của bạn?
Cô Linda Olson: Câu chuyện của tôi bắt đầu từ một bi kịch nghiệt ngã nhưng may mắn thay, mọi thứ qua rồi.
Khi ấy tôi 14 tuổi, cậu em trai yêu dấu mới 2 tuổi của tôi bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe kéo. Tôi chính là người đã lái chiếc xe kéo ấy. Bạn sẽ sống tiếp như thế nào đây khi vừa trải qua những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời mình?
Vạn sự khởi đầu nan. Đối với tôi, đơn giản chỉ là làm thế nào để bước ra khỏi giường và đặt một chân đối diện với người khác.
Bước ra khỏi giường đồng nghĩa với việc đối diện với nỗi sợ hãi ở khắp nơi: sợ hãi khi phải đối diện với gia đình khi mà tôi đã phá tan cuộc sống của họ, sợ hãi phải đối diện với một cộng đồng lên đến 500 người khi mà thông tin lan truyền đi rất nhanh chóng, rồi nỗi sợ trước phản ứng của bạn bè ở trường học.
Tuy nhiên, sâu thẳm trong tôi có một điều gì đó đã cho tôi dũng khí để bước về phía trước, các bước có thể nhỏ đến đâu không quan trọng. Cha mẹ đã dạy tôi cần phải kiên nhẫn vượt qua khó khăn, và đây là phép thử lớn nhất đối với tôi và gia đình của tôi. Bằng cách nào đó, từng thành viên trong gia đình tôi đều đang từng bước từng bước thoát ra, để không bị mắc kẹt trong câu chuyện của mình.
The Epoch Times: Đâu là những lợi ích từ việc chia sẻ câu chuyện của chúng ta?
Cô Linda Olson: Có nhiều lợi ích từ việc chia sẻ câu chuyện của chúng ta, thông thường sẽ có 3 lợi ích chính.
Trước hết, câu chuyện là cách tốt nhất giúp kết nối với mọi người. Một câu chuyện hay sẽ thu hút sự chú ý của chúng ta và hướng chúng ta quan tâm tới diễn giả hoặc người đang chia sẻ.
Tiếp theo, câu chuyện là cách tốt nhất để ảnh hưởng hoặc tác động đến ai đó. Chúng ta có thể chia sẻ rất nhiều con số và dữ liệu nhưng không gì có tác động mạnh mẽ như một câu chuyện hoặc một trải nghiệm hay và xúc động.
Cuối cùng, đó là cách tốt nhất để ai đó có thể trải nghiệm cùng bạn. Chúng ta càng dễ bị tổn thương thì người nghe càng thấy mình ở trong đó nhiều hơn, đặc biệt là khi câu chuyện của chúng ta tác động đến họ. Sự yếu đuối thường đem lại cho người nghe sự thấu cảm. Khi mức độ kết nối ấy diễn ra, chúng ta đang trải nghiệm nhau với mức độ tin cậy sâu sắc. Đôi khi điều đó xảy ra với một người mà chúng ta vừa mới gặp.
Trong thời kỳ này, khi mà toàn thế giới đang gặp khủng hoảng, chúng ta không cần phải tìm kiếm đâu xa để thấy hoặc biết ai đó đang cần sự giúp đỡ. Khi chúng ta tiếp cận họ bằng sự thiện lương, chúng ta không chỉ thắp sáng câu chuyện của họ, mà trải nghiệm trao yêu thương ấy còn làm bừng sáng câu chuyện của chính chúng ta.
The Epoch Times: Làm cách nào để xác định và dựng nên câu chuyện của một người có thể cải thiện cuộc sống của họ?
Cô Linda Olson: Xác định câu chuyện là bước đầu tiên nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi. Nếu chúng ta không hài lòng với cuộc sống của mình vào lúc này và thấy mình tiêu cực hay dễ kích động với những thứ xung quanh, chúng ta có thể chọn cách thay đổi thái độ và hành vi của mình. Tất cả đều phụ thuộc vào việc chúng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn với cuộc sống của mình và biết rằng chúng ta có một sự lựa chọn. Hoặc là chúng ta bị mắc kẹt trong chính câu chuyện của mình, hoặc là chúng ta chọn cách học hỏi từ hoàn cảnh của chính mình, thay đổi thái độ và hành vi, và tập trung cải thiện cuộc sống của chúng ta.
The Epoch Times: Bước đầu tiên mà bạn khuyên ai đó nên thực hiện khi thử chắp nối câu chuyện của họ là gì?
Cô Linda Olson: Theo tôi, bạn có thể chiêm nghiệm lại cuộc đời mình và ghi lại từng bước ngoặt, hay nói cách khác, hãy viết ra những điều quan trọng xảy ra trong cuộc sống đã tạo ra sự thay đổi trong hướng đi, trong suy nghĩ và trong cuộc đời của bạn.
The Epoch Times: Giữa một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng mà chúng ta hiện nay đang đối diện, bạn có nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chúng ta cố gắng phát triển câu chuyện của mình không?
Cô Linda Olson: Đây chắc chắn là một thời điểm tốt để trước hết nhìn lại câu chuyện của chúng ta về những gì chúng ta làm, về tất cả mọi thứ. Liệu chúng ta đang đối phó hay hành xử một cách có sáng suốt trước những gì đang xảy ra xung quanh ta? Nếu như chúng ta chỉ đang đối phó trước rất nhiều thay đổi mà chúng ta cần thực hiện trong khoảng thời gian này, lấp đầy tâm trí mình bằng những tin tức tiêu cực, thì có khả năng chúng ta cũng đang đối phó với những khủng hoảng nhỏ hơn trong cuộc sống của mình. Mặt khác, nếu chúng ta đối diện với thay đổi với sự sáng suốt và nỗ lực hết sức để giữ an toàn, thực hiện những điều chỉnh cần thiết và giúp đỡ người khác mọi lúc mọi nơi, thì đó có thể là điều mà chúng ta làm được khi gặp phải những khủng hoảng khác trong cuộc sống.
Đây cũng là một thời điểm thích hợp để củng cố hoặc phát triển mạch câu chuyện của chúng ta. Chúng ta có thể làm điều đó thông qua một số cách đơn giản mà tạo ra sự khác biệt rõ ràng. Một trong số đó là nuôi dưỡng lòng biết ơn. Mỗi sáng thức giấc, tôi biết ơn vì tôi vẫn còn sống, khỏe mạnh và bình an.
Tiếp theo, chúng ta có thể củng cố câu chuyện của mình thông qua sự can đảm. Bằng cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Khi nhớ ra mình là ai, chúng ta có thể hành xử dựa trên những ưu điểm thay vì nhược điểm và chia sẻ với những ai đang bị tổn thương sâu sắc.
Cuối cùng, chúng ta có thể thông qua sự thuần tịnh để củng cố câu chuyện của mình. Trải qua những khủng hoảng chúng ta thường dừng lại để suy ngẫm, đánh giá về cuộc sống và về các thay đổi mà chúng ta cần thực hiện. Tâm thuần tịnh sẽ hướng chúng ta trao đi từ một trái tim rộng lượng, dẫn lối mở đường từng bước tiếp theo và khiến chúng ta tự tin tiến về phía trước, giúp kết nối với những người cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Barbara Danza là một bà mẹ hai con, có bằng MBA, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô thường đi sâu vào những thách thức và cơ hội của cha mẹ trong thời hiện đại. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, sự nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.
Thành Trang biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: