Hoa tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn được đặt tại nơi bức tượng Nữ thần Dân Chủ bị dỡ bỏ
Sinh viên Trung Quốc đại lục thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ
Một sinh viên Trung Quốc đại lục đã bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989 trong khuôn viên trường Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK), nơi đặt bức tượng Nữ thần Dân Chủ trước khi bị chính quyền dỡ bỏ hồi năm ngoái (2021). Anh cho là người Trung Quốc Đại lục nên có trách nhiệm hơn trong việc tưởng niệm cuộc đàn áp này.
Anh Lý, một sinh viên của trường CUHK, người đặt bó hoa tưởng niệm tại chính nơi mà bức tượng đã được đặt, cảm nhận rằng bức tượng vẫn luôn hiện diện trong tâm khảm anh.
Anh cũng chỉ ra rằng người dân ở Trung Quốc Đại lục nên có trách nhiệm hơn trong việc tưởng niệm vụ thảm sát này. Thế nhưng, sự thật hoàn toàn trái lại, khi mà vụ thảm sát này chủ yếu được người Hồng Kông và người Đài Loan tưởng nhớ đến. Ngay cả các bạn cùng lớp với anh ở Trung Quốc cũng không biết thực hư về cuộc đàn áp này.
“Quốc tịch của tôi là Trung Quốc Đại lục và tôi tin rằng đây là lý do tại sao tôi có trách nhiệm tưởng nhớ [đến cuộc đàn áp này] nhiều hơn,” anh nói.
Anh Lý phần nào lo lắng khi anh có ý định mua hoa dành cho ngày tưởng niệm này.
“Liệu có cảnh sát hay nhân viên bảo vệ nào ngăn không cho tôi đặt hoa tại vị trí mà bức tượng đã bị dỡ bỏ không? Thật là nhẹ nhõm khi tôi đến địa điểm này và thấy đã có hoa [được đặt sẵn ở đó rồi] – vẫn có những người cùng chí hướng với mình.”
Anh nói rằng sau khi đến Hồng Kông học tập, anh mới có cơ hội biết về vụ thảm sát này. Anh đã nắm bắt tình hình từ các cuộc hội thảo, giáo viên, và các bạn đồng học của mình.
Mặc dù vậy, anh cũng biết rằng năm 1989 đã xảy ra một phong trào dân chủ của sinh viên.
Anh kể lại rằng anh đã tham gia buổi thắp nến tưởng niệm hồi năm 2019 tại Công viên Victoria, nơi diễn ra buổi lễ cầu nguyện dưới ánh nến truyền thống, như một tục lệ thường niên để tưởng niệm vụ thảm sát.
Và khi Phong trào biểu tình chống lại Dự luật Luật Chống dẫn độ Sửa đổi vào năm 2019 xảy ra, anh ấy đã đọc được quảng cáo của chiến dịch về cuộc tụ họp ngày 04/06 và cuộc biểu tình ngày 09/06.
Anh Lý giải thích: “Lúc đó, Hồng Kông có nhiều quyền tự do hơn. Các cuộc biểu tình và phong trào này không được phép diễn ra ở Trung Quốc Đại lục. Tôi đến Hồng Kông và nghĩ rằng Hồng Kông có lẽ thuộc về một phần của văn hóa phương Tây, vì vậy tôi muốn tham gia, cảm thấy rằng trong một xã hội dân chủ thì người dân được khuyến khích [thể hiện] quyền của mình.”
Tuy nhiên, những năm sau đó chính phủ Hồng Kông đã cấm đoán các cuộc tụ họp thường niên như vậy.
Ngay cả khi không được phép tụ tập công khai, anh Lý tin rằng đối với những người quan tâm đến vụ thảm sát, họ vẫn sẽ tự mình tưởng niệm theo cách riêng của họ.
Anh Lý sẽ trở về Trung Quốc Đại lục sau khi tốt nghiệp và anh sẽ tiếp tục tưởng nhớ tới vụ thảm sát.
“Tôi có thể thử nhiều cách khác nhau để tưởng niệm, có thể là tự mình tưởng niệm hay tổ chức một sự kiện tưởng niệm nhỏ,” anh nói.
Tượng Nữ thần Dân Chủ bị dỡ bỏ mãi trường tồn
Không có bất kỳ thông báo trước nào, tượng Nữ thần Dân Chủ đã bị trường CUHK dỡ bỏ trước rạng sáng ngày 24/12 năm ngoái.
Dựa trên một bức tượng tương tự được dựng lên trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Kinh năm 1989, tượng Nữ thần Dân Chủ đã được chế tác và là một trong những biểu tượng quan trọng của lễ tưởng niệm liên quan ở Hồng Kông.
Năm ngoái, ở Hồng Kông, không chỉ bức tượng Pillar of Shame (Quốc Thương Chi Trụ) bị Đại học Hồng Kông dỡ bỏ, mà một bức phù điêu ở Đại học Lĩnh Nam cũng bị phá bỏ.
Tất cả các tượng đài liên quan đến vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn đều bị cấm ở Trung Quốc Đại lục và những di tích này cũng dần trở thành một chủ đề cấm kỵ ở Hồng Kông.
Anh Lý nói rằng anh đã rất choáng váng khi hay tin từ bạn bè của mình rằng bức tượng đã bị dỡ bỏ.
Anh chỉ trích hành động xóa ký ức về vụ thảm sát của trường CUHK chỉ vì họ muốn thể hiện lòng trung thành với chính quyền.
“Sau khi bức tượng Nữ thần Dân Chủ bị dỡ bỏ, tôi có một cảm giác ấn tượng hơn. Chúng tôi từng tản bộ và tụ tập ở đây với sự hiện diện của bức tượng. Nhưng bây giờ bức tượng này đã không còn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn cố ý nhìn quanh không gian nơi bức tượng từng được đặt. Mặc dù bức tượng không còn tồn tại về mặt vật lý, nhưng nó vẫn mãi hiện hữu trong tâm khảm tôi.”
Một sinh viên trường CUHK đã kêu gọi hoạt động “Đi tìm Nữ thần Dân Chủ”, và sau đó mời tất cả giáo viên và sinh viên tham gia tìm kiếm các bức tượng Nữ thần nhỏ trang trí, để lưu giữ ký ức về lễ tưởng niệm này.
Khi xét thấy sự kiện này có nguy cơ chính trị, hoạt động này đã được rút ngắn và kết thúc đột ngột.