Hoa sen nhập thế nhưng siêu phàm, gắn liền với Tiên cảnh và Phật quốc
Xưa nay, người Trung Quốc ca ngợi sự thánh khiết của hoa sen là Tiên tử, là quân tử. Trong văn hóa Nho gia, Phật gia, Đạo gia truyền thống của Trung Hoa, cũng đều lưu lại cảnh sắc của hoa sen. Người ta ký thác vào hoa chí nguyện của mình, nói lên tâm tình với thế gian tươi đẹp, mượn hoa ví von cho chí hướng tu hành, câu thông với Trời Đất và Thần linh, gửi thác tâm nguyện trở thành Tiên.
Liên hoa cũng là Hà hoa
Liên hoa (hoa sen) cũng chính là Hà hoa, nhưng không phải là hoa súng (Thùy liên). Hoa sen thuộc họ Hoa Sen (Nelumbonaceae), chi Hoa Sen (Nelumbo), còn bông súng thuộc họ Hoa Súng (Nymphaeaceae), chi Hoa Súng (Nymphaea). Phù cừ, phù dung đều là tên gọi khác của hoa sen. Trên toàn bộ cây sen, thì rễ, thân, hoa, lá, hạt, tâm, mỗi bộ phận đều có tên riêng và có tác dụng dưỡng sinh tuyệt vời.
“Liên” trong thời cổ đại dùng để chỉ hạt sen (liên tử). Từ điển “Nhĩ Nhã – Thích thảo” thời Tây Hán viết rất tường tận tên gọi các bộ phận của cây sen: “Hà, phù cừ, kỳ hành gia, kỳ diệp hà, kỳ bản mật, kỳ hoa hạm đạm, kỳ thực liên, kỳ căn ngẫu” (Hà, Phù cừ, thân gọi là gia, lá gọi là hà, phần thân chìm dưới nước gọi là mật, hoa của nó là hạm đạm, hạt gọi là liên, rễ gọi là ngẫu). Rõ ràng từ xưa đến nay, người ta đã sớm biết được công năng và cách dùng hoa sen.
Hoa sen trong văn học cổ đại
Hoa sen lưu danh trong tác phẩm văn học “Kinh thi” cổ xưa, lưu tiếng thơm trong “Sở từ”.
Bài thơ “Trạch bi” (Trạch ở đây ý chỉ đầm nước, ao lớn) trong “Kinh Thi – Quốc phong – Trần phong,” đã phản ánh rằng con dân Hoa Hạ biết đến hoa sen từ rất sớm. Ba chương bài “Trạch bi” dùng nhiều tên gọi khác nhau của hoa sen để ví von với người thiếu nữ: “Bỉ trạch chi bi, hữu bồ dữ hà”; “Bỉ trạch chi bi, hữu bồ dữ gian (gian cũng là liên, [1])”; “Bỉ trạch chi bi, hữu bồ hạm đạm”. (Các câu này đều có nghĩa là: Bên bờ đầm, có cây lau và cây hoa sen). Nụ hoa sen khi chưa nở được gọi là hạm đạm. Từ đó đến nay, liên, hà thường được sử dụng, đều chỉ chung một loại cây.
Trong “Ly tao kinh” của Khuất Nguyên đã dùng ‘Phù dung’ để gọi hoa sen, yêu thích mùi hương thanh dịu của nó:
“Chế kỵ hà dĩ vi y hề,
Tập phù dung dĩ vi thường;
Bất ngô tri kỳ diệc dĩ hề,
Cẩu dư tình kỳ tín phương …
Dân sinh các hữu sở nhạc hề,
Dư độc hảo tu dĩ vi thường.”
Tạm dịch:
Hái cây sen làm quần áo đẹp,
Cắt phù dung may xiêm áo dài.
Đời không biết đến mặc đời,
Tình ta vẫn hẳn vẹn mười thơm tho….
Đời ai cũng riêng ham từng món,
Như ta đây chỉ muốn làm xinh.
(Bản dịch của Nhượng Tống).
Ở đây mượn vẻ tịnh khiết của hoa sen làm biểu tượng của tu thân.
Biểu tượng của hoa sen trong văn hóa Trung Hoa
Hình ảnh tượng trưng của hoa sen rất phong phú, trong văn hóa Nho, Phật, Đạo truyền thống của Trung Hoa đều lưu lại hình ảnh hoa sen. Người ta dùng hoa sen để nói lên tâm tình của mình với thế gian tươi đẹp, ví von cho chí nguyện tu hành, câu thông với Trời Đất và Thần linh, gửi gắm tâm nguyện trở thành Tiên.
Cảm xúc, hoài bão của sĩ tử đối với thế gian tươi đẹp – làm trụ cột cho quốc gia xã tắc
Bài thơ “Thải liên phú” của Vương Bột, một trong ‘Đường sơ tứ kiệt’ (bốn nhà thơ kiệt xuất giai đoạn đầu thời nhà Đường), chính là nói đến cảm xúc, hoài bão của người sĩ tử nhập thế. Ông cảm thán trước kia tác phẩm thơ, phú về sen rất nhiều, nhưng chưa đủ, cho nên làm bài “Thải liên phú” (bài phú hái sen). Câu mở đầu “Phi đăng cao khả dĩ phú giả, duy thải liên nhi dĩ hĩ” (Tạm dịch: Không lên cao mà có thể làm phú được, duy chỉ có hái sen mà thôi) đã nâng tầm cao của sen, vịnh sen thuộc hàng xuất sắc, nổi bật bất phàm. Kỳ thực, Vương Bột dùng lời phú hái sen, dâng lên bậc Quân Vương, chính là dùng sen tự ví bản thân, bày tỏ tấm lòng mong muốn trở thành trụ cột của nước nhà.
“Thải liên phú” dùng một khúc ngâm để kết thúc, ngâm rằng:
Phương hoa hề tu danh, kỳ tú hề dị thực. Hồng quang hề bích sắc, bẩm thiên địa chi thục lệ, thừa vũ lộ chi triêm sức.
Liên hữu ngẫu hề ngẫu hữu chi, tài hữu dụng hề dụng hữu thì. Hà đương a na hoa thực di, vị quân hàm hương tảo phượng trì.
Tạm dịch:
Hoa thơm hề, danh thêm tô điểm, rực rỡ hề, loài cây kỳ lạ. Vầng hồng quang hề, ôi sắc biếc, dâng lên Trời Đất vẻ diễm lệ, điểm tô thêm nhờ mưa móc sương sa.
Sen có ngó hề, ngó có cành, tài năng hữu dụng hề cũng có lúc dùng. Đâu lúc hoa nhẹ nhàng đổi thành hạt, vì người ngậm hương làm đẹp phượng trì.
Tảo phượng trì là ao vườn Thượng Uyển, “Vị quân hàm hương tảo phượng trì” ý nói tài hoa chấn động ao vườn Hoàng gia, vì quốc gia xã tắc mà quên mình, đây là tinh thần tích cực dấn thân nhập thế của sĩ tử Nho gia. Đây cũng là dùng hương thảo mỹ nhân tự ví von, thổ lộ tấm lòng trung trinh, cống hiến cho nước nhà và Quân vương, truyền bá và phát dương tinh thần trung thành trong Ly tao của Khuất Nguyên.
Chí nguyện tu hành của quân tử – mọc lên từ trong bùn mà không nhiễm tạp
Trong “Vịnh Kinh Châu thụy liên”, Lý Tăng Bá thời Tống đã ca ngợi hoa sen là “quân tử trong các loài hoa”: “Hoa trung độc thử hiệu quân tử, ái liên hữu thuyết văn Liêm Khê.” (Tạm dịch: Trong các loài hoa duy chỉ có loại này là quân tử, yêu sen có thuyết nổi tiếng của Liêm Khê). Trước thời Tống, người thời Đường có trào lưu yêu thích hoa mẫu đơn. Đến thời Tống, Liêm Khê tiên sinh Chu Đôn Di, một trong năm nhà tư tưởng thời Bắc Tống chỉ yêu thích hoa sen. Ngôi nhà trúc của ông nằm dưới đỉnh Liên Hoa ở Lư Sơn. Trong động Liên Hoa, ông xây dựng thư viện Liêm Khê, giảng dạy đạo học của các bậc Thánh hiền là Khổng Tử và Mạnh Tử.
“Ái liên thuyết” của Liêm Khê tiên sinh vừa xuất hiện, đã làm cho phẩm đức cao quý thanh khiết của hoa sen quân tử “tắm gội trong sóng nước trong mà không có vẻ lả lơi,” vượt qua biên độ thời gian ngàn năm, đứng sừng sững trên vùng đất Hoa Hạ, được nhiều quân tử và nhã sĩ ca tụng. Khí tiết quân tử “mọc lên từ trong bùn mà không nhiễm tạp” của hoa sen thậm chí vượt qua mỹ danh “quốc sắc” của Mẫu đơn.
Câu thông với Trời Đất và Thần linh – dâng sen cúng Phật, hương lành thông thấu cõi linh
Thời Nam Bắc triều, Giang Yêm làm bài “Liên hoa phú”, lấy hoa sen làm loại cây cỏ tốt lành “tinh anh của Trời Đất,” “Hương phân cảm tục, thục khí tham linh” (hương thơm cảm động trần tục, khí lành thông thấu Thần linh), nói rằng hoa sen phát ra khí thiện lành có thể câu thông Trời Đất, Thần linh.
Vào thời Tấn có một câu chuyện như sau. Theo “Tấn thư” ghi chép, Tấn An Vương Tử Mậu (tự là Vân Xương, con trai thứ bảy của Tấn Vũ Đế), thanh nhã điềm tĩnh, ngay thẳng, khiêm nhường và hiếu học. Lúc Tử Mậu bảy tuổi, mẫu thân Nguyễn Thục Viên bị một trận bệnh nặng nguy kịch. Người trong cung mời tăng nhân tới lập đàn trai, dâng hoa sen cúng Phật. Tăng chúng dùng bình đồng đựng đầy nước để cắm hoa, muốn hoa sen không héo tàn. Tử Mậu lễ Phật, khóc nói: Cầu cho mẫu thân từ đây thân thể an hòa, nguyện xin chư Phật triển hiện uy lực làm cho hoa sen mãi tươi cho đến ngày trai pháp hoàn tất.
Bảy ngày sau trai pháp kết thúc, những bông sen kia càng đỏ thắm. Mọi người nhìn thấy thân hoa sen ở trong bình đồng loáng thoáng mọc ra sợi rễ, người đương thời cho rằng, do cảm ứng tấm lòng hiếu thảo của Tử Mậu mà sinh ra.
Gửi gắm tâm nguyện muốn thành Tiên – trở về cõi ‘Thanh liên lạc thổ’
Hoa sen thánh khiết không nhiễm bụi trần, Phật gia xem đây là loài hoa của thế giới cực lạc tịnh thổ. Thuở Phật giáo mới du nhập vào Trung Thổ, kinh Phật được phiên dịch, đem hoa của thế giới Phật quốc gọi chung là “bảo hoa,” như hoa sen, hoa Ưu Đàm Bà La đều gọi là bảo hoa. Nơi Phật ngồi chính là “Liên đài” (đài sen). Trong tranh vẽ về Phật, cũng thường thấy hoa sen nở rộ bên chân Phật, Bồ Tát. Trong Phật giáo, cũng lấy “Thanh liên” để ví với cảnh giới từ bi của người tu hành và tượng trưng cho cõi lạc thổ của bậc Giác Giả.
Trong số danh nhân của các triều đại, thi nhân Lý Bạch tự xưng là “Thanh Liên cư sĩ.” Ông có mối duyên phận sâu sắc với cõi Tiên và Phật quốc. Lý Bạch mang vẻ tiên phong đạo cốt, bản thân có sự kết hợp của Nho sĩ, hiệp khách và Tiên nhân. Trong các tác phẩm mang âm hưởng khác lạ của ông, thường thể hiện tư tưởng Thần, Tiên, lấp lánh huyền quang. Ông tự cho mình là Trích Tiên:
Thanh Liên cư sĩ Trích Tiên nhân,
Tửu tứ tàng danh tam thập xuân.
Hồ Châu tư mã hà tu vấn ?
Kim Túc Như Lai thị hậu thân.
Tạm dịch:
Thanh Liên cư sĩ vốn người tiên,
Hay rượu oai danh mấy chục niên.
Tư mã Hồ Châu đà hỏi tới:
Kim Túc Như Lai kiếp tới liền!
(Bản dịch của Điệp Luyến Hoa)
Lý Bạch sinh ra ở vùng phía tây Hồ Balkhash ở Trung Á, thuở nhỏ theo phụ thân chuyển đến làng Thanh Liên, huyện Xương Minh, Miên Châu (thành phố Giang Du, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Lý Bạch từ cõi Tiên Thanh Liên lạc nhập phàm trần, tu hành ở nhân gian, “Giới đắc trường thiên thu nguyệt minh, tâm như thế thượng thanh liên sắc” (Trăng thu sáng nghìn năm còn giữ, Sắc sen xanh tâm niệm trên đời), “Liễu kiến thủy trung nguyệt, thanh liên xuất trần ai” (Đã thấy trăng trong nước, sen xanh rời trần ai). Thế nhưng, ông lại ngày ngày hoài niệm trở về cõi Tiên: “Ngã hữu vạn cổ trạch, Tung Dương Ngọc Nữ phong.” (Ta có nhà vạn cổ, ngọn Ngọc Nữ Tung Dương).
Trích tinh (sao bị đày xuống trần) sống ở cõi Tiên Thanh Liên trên Thiên Thượng, ở nhân gian sống tại vùng đất “Thanh Liên,” trùng hợp vậy sao? Sự đối ứng của Thiên Thượng với nhân gian này, sao có thể là sự trùng hợp? Là ai an bài trong cõi U Minh? Là ai có thể vượt qua chuyển hóa tầng thứ sinh mệnh đây? Thông qua thi tiên Lý Bạch và hoa sen, đã thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa Thiên Thượng với nhân gian, tiết lộ cơ duyên tu luyện.
Trong trăm hoa, ngoài hoa sen ra, loài hoa nào có thể ở trần thế lại phi phàm, và thể hiện trọn vẹn cảnh giới cõi Tiên, Phật quốc được đây?
Chú thích [1]: “Khang Hy Tự Điển” dẫn theo truyện “Vận Hội”, “Hàn Thi” nói rằng: “Gian” cũng là hoa sen.