Hoa Kỳ xác định thêm 6 hãng thông tấn Trung Quốc là phái bộ nước ngoài
Hôm 21/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xác định 6 hãng thông tấn Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ là các phái bộ nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng các hãng thông tấn nói trên bao gồm Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review và Economic Daily.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các hãng thông tấn này “về cơ bản thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát hiệu quả” từ Trung Quốc.
Việc chỉ đích danh này sẽ hạn chế hoạt động của các hãng thông tấn này ở Hoa Kỳ, nhưng không ảnh hưởng đến nội dung xuất bản của họ, đồng thời bổ sung thêm vào [danh sách] 9 hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã được xác định là các phái bộ nước ngoài hồi đầu năm nay, sau khi nhận ra vai trò của họ là các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ.
Việc định danh này có nghĩa là họ sẽ được đối xử như là các đại sứ quán nước ngoài hoặc các phái đoàn ngoại giao khác, và do đó họ cần phải đăng ký nhân sự và tài sản của họ ở Hoa Kỳ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
“Chúng tôi chỉ đơn giản muốn bảo đảm rằng người dân Hoa Kỳ, những người tiếp nhận thông tin, có thể phân biệt giữa tin tức do báo chí tự do viết và tin tức tuyên truyền do chính ĐCSTQ phát tán. Chúng không giống nhau,” ông Pompeo nói trong cuộc họp báo hôm 21/10.
Yicai Global là một ấn phẩm tài chính lớn thuộc sở hữu của Shanghai Media Group, một trong những tập đoàn truyền thông nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Jiefang Daily là tờ nhật báo chính thức của Thành ủy Thượng Hải. Xinmin Evening News thuộc sở hữu của Shanghai United Media Group, một tập đoàn truyền thông do chính quyền Thượng Hải kiểm soát.
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc là nhà xuất bản do Viện khoa học xã hội Trung Quốc quản lý. Tạp chí Bắc Kinh Review là một tạp chí tiếng Anh do Tập đoàn Xuất bản Quốc tế Trung Quốc, thuộc sở hữu của ĐCSTQ xuất bản. Economic Daily là một ấn phẩm do Ủy ban Trung ương ĐCSTQ điều hành.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Trong thập kỷ qua, và đặc biệt là dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các kênh thông tấn tuyên truyền do nhà nước hậu thuẫn trong khi cố gắng ngụy tạo chúng là những hãng thông tấn độc lập.”
Biện pháp này nằm trong một loạt các hành động của chính phủ TT Trump nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Tháng 8 năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định một trung tâm có trụ sở tại Washington hỗ trợ các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh hậu thuẫn là một phái bộ nước ngoài.
Các Viện Khổng Tử, nơi tự quảng bá mình là [cung cấp] các chương trình ngôn ngữ và văn hóa, trong những tháng gần đây đã nằm trong diện tăng cường giám sát do vai trò của họ trong việc tuyên truyền và đàn áp tự do ngôn luận tại các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ. Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng đến cuối năm nay có thể đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ. Theo Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ, hiện có khoảng 67 Viện Khổng Tử trong các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc phải nộp đơn xin phép khi đến thăm các trường đại học của Hoa Kỳ hoặc khi tổ chức các sự kiện văn hóa với hơn 50 người không thuộc các cơ sở phái bộ. Vào thời điểm đó, ông Pompeo nói rằng quy tắc này được đưa ra nhằm đáp lại “những hạn chế quá mức” mà Bắc Kinh đặt ra đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, chẳng hạn như [họ] phải xin phép khi tổ chức các sự kiện văn hóa, thăm các trường đại học và tiến hành các cuộc họp chính thức.